| Hotline: 0983.970.780

Viễn cảnh tươi sáng chờ cô gái trẻ 'vật lộn' với gà ác

Thứ Tư 21/02/2018 , 07:15 (GMT+7)

Xuất thân từ một gia đình nông dân “chính hiệu”, từ thuở ấu thơ cô sinh viên năm tư Khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, ĐH Quy Nhơn (Bình Định) Trần Thị Thanh Xuân (SN 1996) đã gắn bó với ruộng, vườn, heo, gà.

Sẵn cái “máu” nông nghiệp luôn “sùng sục” trong huyết quản, nên suốt những năm ngồi dưới mái trường đại học Xuân đã ôm ấp ý tưởng khởi nghiệp nuôi gà ác sạch thương phẩm, kết hợp kinh doanh các món ăn từ con vật nuôi đầy chất bổ dưỡng này.

11-49-29_4
Bạn bè chúc mừng ý tưởng của Xuân được ban giám khảo cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp Bình Định 2017 đánh giá cao

Xuân đã tổ chức nuôi thử nghiệm gà ác sạch ngay trong trường đại học. Thành công của mô hình đã tiếp sức cho cô gái trẻ sự tự tin bước vào đời.
 

Chọn nuôi con “ngon, bổ, rẻ”

Khó có thể ngờ cô sinh viên có dáng người nhỏ nhắn, gương mặt “búng ra sữa” mà lại có ý tưởng táo bạo khi chọn con gà ác để nuôi thương phẩm theo hướng sạch, kết hợp kinh doanh các món ăn từ thịt gà ác để khởi nghiệp. Có nghĩa, công cuộc làm ăn đầu đời của cô sẽ bắt đầu bằng một quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ gà ác. Sinh viên Trần Thị Thanh Xuân nói về động cơ dẫn mình đến ý tưởng nói trên bằng một câu đơn giản: “Bởi chưa ai làm nên mình làm!”.

Theo Xuân, gà ác là loài vật nuôi “dễ tính”, có nhiều ưu điểm hơn so với các loài vật nuôi khác, lại có giá trị kinh tế cao. “Đông y khuyến cáo thịt gà ác ăn ngon nhất, chất bổ dưỡng tinh túy nhất là vào thời điểm chúng được nuôi từ 4 - 6 tuần tuổi. Khi ấy gà đạt từ 200 - 250 gram/con. Thời gian nuôi ngắn nên tỷ lệ rủi ro thấp, ít chi phí đầu tư cho ăn, do gà “nhỏ con” nên cũng giảm mức đầu tư chuồng trại. Thêm vào đó, vốn gà ác đã có sức đề kháng cao, được nuôi theo phương pháp sinh học sức đề kháng của chúng càng tăng cao nên ít bị dịch bệnh”, Xuân cho hay.

Quả đúng gà ác là loài vật nuôi của “con nhà nghèo”. Lứa nuôi thử nghiệm với 500 con mà Xuân chỉ làm chuồng chỉ có diện tích 50m2. Không gian phía trên Xuân làm 3 ô chuồng. 500 con gà con đầu tiên Xuân thả vào ô số 1, sau 1 tuần chuyển chúng sang ô số 2, ô số 1 được tiếp tục thả 500 gà con khác.

Sang tuần kế tiếp, 500 gà ở ô số 2 được chuyển sang ô số 3, 500 con ở ô số 1 được chuyển sang ô số 2, ô 1 lại được tiếp tục thả 500 gà con khác. Sang tuần thứ tư, 500 gà ở ô số 3 được thả xuống đất cho chúng chạy nhảy.

Cứ như thế xoay vòng và ô số 1 luôn luôn có gà con thay thế. Sau 2 tuần xuống đất, lứa gà đầu tiên được 5 tuần tuổi, đúng chu kỳ xuất bán. Khi ấy gà đạt trọng lượng 200 - 250 gram/con, đúng tiêu chuẩn thị trường tiêu thụ yêu cầu.

“Thời gian gà con nằm trên ô phải được úm bằng ánh sáng điện, được bố trí quạt để không khí thông thoáng, máng nước sạch. Nuôi theo hướng sinh học thức ăn cho chúng có khác với nuôi bình thường. Thức ăn phải vừa dễ tiêu hóa cho gà con vừa có dinh dưỡng cao, như mầm thóc, bã đậu phộng (lạc), bột cá, khoáng vitamin… Chế độ ăn cũng phải được phân bổ đúng liều lượng theo chu kỳ phát triển của chúng”, Xuân cho biết.

11-49-29_1
Khi còn ở 3 ô chuồng trên cao, gà ác phải được úm bằng ánh sáng điện
Bước tới trong công cuộc làm ăn của Xuân là thiết lập vệ tinh nuôi gà ác sạch trong nông hộ. “Trong những lứa nuôi em sẽ chọn ra những con giống tốt cho sinh sản, sau đó cung ứng giống cho những hộ dân có nhu cầu nuôi gà ác. Đồng thời em sẽ chuyển giao quy trình nuôi theo hướng sinh học cho bà con, sau đó bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Khi ấy, chắc chắn em có đủ nguồn hàng phục vụ cho chế biến thức ăn sẵn, vừa dồi dào nguồn gà thương phẩm cung ứng cho thị trường khắp nơi trong nước”, Xuân bày tỏ.

Theo tính toán của Xuân, nuôi gà công nghiệp khi xuất bán mỗi con cho lãi từ 4 - 6 ngàn đồng, còn nuôi theo hướng sinh học nhờ ăn thức ăn sẵn có do mình chế biến nên có mức đầu tư thấp hơn, nên mỗi con gà cho lãi đến 9 ngàn đồng.
 

Viễn cảnh tươi sáng

Theo định hướng kinh doanh, bước khởi đầu Xuân sẽ nuôi cung ứng gà ác sạch thương phẩm. Qua khảo sát, Xuân nhận thấy xưa nay trong nông hộ cũng đã có nuôi gà ác, nhưng nuôi theo kiểu truyền thống và số lượng ít. Do đó, thị trường miền Bắc ăn rất mạnh loại gà nay nhưng luôn luôn cháy hàng. Xuân cầm chắc khi khởi nghiệp nuôi gà ác sạch, sản phẩm của Xuân sẽ được tiêu thụ mạnh từ thị trường này và cô tự tin sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, vì chu kỳ nuôi gà ác chỉ 5 tuần là xuất bán.

Xuân tính toán công cuộc làm ăn của mình rất chi li. Sau nửa năm sản xuất kinh doanh gà ác sạch thương phẩm, Xuân cầm chắc mình sẽ có được số vốn kha khá để mở rộng quy mô kinh doanh. Khi ấy Xuân sẽ tổ chức hệ thống bán lưu động những món ăn từ gà ác. Đích nhắm là những bệnh viện trong tỉnh Bình Định. Bởi Xuân nghĩ người bệnh rất cần thức ăn bổ dưỡng, mà thịt gà ác thì chất dinh dưỡng đủ đầy.

“Em đã khảo sát rất kỹ, Bình Định có đến 15 bệnh viện từ cấp TW đến cấp tỉnh, cấp huyện. Chỉ cần đặt trước mỗi bệnh viện 1 quầy bán những món ăn từ thịt gà ác sạch, cho nhân viên tiếp thị đến từng khoa bệnh thì chắc chắn sẽ chạy hàng.

1 con gà ác sau khi chế biến bán chỉ 30 ngàn đồng/con cũng đã có lãi, số tiền này chỉ đủ mua 2 lạng thịt bò, mà gà ác ngoài là món ăn còn là vị thuốc bổ dưỡng mà Đông y khuyên dùng, nên ắt sẽ được tiêu thụ mạnh.

11-49-29_2
Nhờ kháng bệnh tốt nên gà ác sinh trưởng phát triển rất ổn định

Sau khi các quầy hàng bán món ăn từ thịt gà ác đứng vững, nếu ai muốn sang lại quầy hàng của mình em cũng sẵn lòng, bởi như vậy mình vừa bán được thương hiệu, vừa có mối cung ứng gà ác thương phẩm”, Xuân tính toán.

“Em liên tục theo dõi thông tin trên mạng, và được biết nuôi gà ác theo hướng sinh học chưa có cơ sở nào làm, nên em tin chắc khi mình bắt tay vào làm thì đó là mô hình đầu tiên. Sau thời đại phát triển công nghệ thông tin sẽ là thời đại của sức khỏe. Do đó, nuôi con vật nuôi đầy chất dinh dưỡng như gà ác mà còn theo hướng sạch thì chắc chắn sẽ thu hút người tiêu dùng”, Xuân nói chắc.

 

Xem thêm
Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.