| Hotline: 0983.970.780

Vụ 'Liệu có thêm hai ông Chấn?', Trần Ngọc Thanh nói gì?

Thứ Hai 23/05/2016 , 09:01 (GMT+7)

Trong quá trình chấp hành án, anh đã viết hàng trăm đơn kêu oan. Nhưng trong hồ sơ vụ án, có một bản “tự thú” được cho là do anh viết ở Trung đoàn 139 (E139). 

Vừa qua, PV Báo NNVN đã gặp Trần Ngọc Thanh, người bị hai cấp tòa kết án 15 năm tù về tội “giết người” trong vụ án “giết người” xảy ra ngày 29/11/1992 tại xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (đã chấp hành xong án), nhằm làm sáng tỏ thêm một số tình tiết của vụ án.

Trong quá trình chấp hành án, anh đã viết hàng trăm đơn kêu oan. Nhưng trong hồ sơ vụ án, có một bản “tự thú” được cho là do anh viết ở Trung đoàn 139 (E139). Bản tự thú không đề ngày tháng, không có người làm chứng, không có chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền ở E139.

Bản tự thú đó được đánh số bút lục số 46, có nội dung anh đã ném trái lựu đạn đó khiến anh Trần Văn Việt bị chết và 21 người bị thương. Và có một bản cam đoan về tính trung thực của bản tự thú đó, được đánh số bút lục số 48, cũng được cho là do anh viết, có xác nhận của điều tra viên. Đây là hai chứng cứ quan trọng nhất để HĐXX hai cấp tòa kết tội anh. Đã tự thú, sao anh còn kêu oan?

Tôi không viết bản tự thú nào cả. Cũng không hề viết bản cam đoan.


Trần Ngọc Thanh

 

Anh hãy kể lại quá trình từ khi bị bắt cho đến khi ra tòa?

Ngày 7/2/1993, tôi nhập ngũ, được biên chế vào E139, đóng quân ở Hòa Bình. Được khoảng 20 ngày thì có một anh công an tên là Hòa đến đơn vị gặp tôi, hỏi tôi: Ngày 29/11/1992 làm gì, có mặt ở ngoài bãi không? Tôi trả lời là ngày hôm đó tôi đi vác đất thuê cho nhà anh Quân con ông Tòng, cùng với các anh Trần Thanh Xuân, Trần Văn Thanh, Trần Văn Hiển, Trần Xuân Đạt, đến 5 giờ chiều mới về. Tôi không có mặt ở bãi, là nơi xảy ra vụ án.

Anh Hòa cứ hỏi đi hỏi lại như vậy suốt 2 ngày liền. Sau đó cách 1 ngày, đến ngày thứ 4 lại hỏi tiếp, và chiều ngày hôm đó họ giam tôi tại đơn vị rồi tối hôm đó chở tôi về công an huyện Lý Nhân. Đến nơi, họ đọc cho tôi nghe quyết định khởi tố bị can, quyết định bắt tạm giam để điều tra về hành vi “giết người”.

Đọc xong, họ tống tôi vào nhà tạm giam. Chỉ một lát sau tôi bị họ đánh ngay. Họ đánh tôi đến ngất đi, khi tỉnh dậy, tôi đã thấy mình nằm ở khu 5 tầng của công an tỉnh Nam Hà tại thành phố Nam Định.

Tại đây, điều tra viên tên là Đường lại tiếp tục hỏi tôi ngày 29/11/1992 làm gì, có mặt ở bãi không? Tôi tiếp tục trả lời như cũ. Chiều hôm đó họ đưa tôi đến trại tạm giam Bát Di. Đến đó, tôi bị nhốt vào một phòng cùng với 3 người tù đã có án. Lập tức tôi bị chúng đánh.

Mỗi lần đi cung, tôi cũng bị 2 điều tra viên là Chung và Hồng đánh. Trước sau họ vẫn chỉ xoay đi xoay lại chuyện ngày 29/11/1992 tôi làm gì? Ở đâu? Có mặt ở bãi không? Riêng điều tra viên Đường thì nhiều lần hỏi cung tôi suốt buổi sáng, thông qua trưa luôn, tôi rất đói nhưng cũng không được về ăn cơm. Anh Đường hỏi tôi:

- Thằng Đạt đã khai là hôm 29/11/1992 mày không đi vác đất cùng với nó. Mày có mặt ở ngoài bãi. Thằng Vót cũng đã khai là nó đưa lựu đạn cho mày ném. Mày còn ngoan cố à? Thôi hãy thành khẩn nhận đi để còn được hưởng lượng khoan hồng.

- Khai như thế nào ạ?

- Khai như thằng Đạt và thằng Vót đã khai ấy.

- Khai, thì phải cho tôi gặp anh Vót, anh Đạt.

- Mày cứ khai đi, rồi chúng tao cho gặp.

Khoảng 1 tháng sau, tôi được chuyển buồng, ở chung với 5 người tù có án khác. Lần này, tôi bị chúng đánh dữ hơn. Chúng giấu được một viên gạch và cứ thay nhau dùng viên gạch ấy đánh vào đầu, vào lưng, vào ngực, chỗ tim tôi. Đau quá không chịu nổi. Tôi kêu với điều tra viên. Điều tra viên bảo:

- Nhận tội đi thì khỏi bị đánh.

Trước sau, tôi vẫn kiên quyết khai sự thật là ngày 29/11/1992 tôi đi vác đất thuê cho nhà anh Quân, cùng với mấy người trên. Nhưng sau, một là do bị đánh nhiều, cả sức khỏe lẫn tinh thần đều suy sụp, tôi rất sợ, nếu cứ thế này thì mình sẽ chết. Hai là hồi ấy mới 18; 19 tuổi, rất ngây thơ, cả tin.

Thấy điều tra viên nói là cứ nhận tội đi, để họ sớm hoàn thành kết luận điều tra, rồi họ sẽ cho về, để khỏi bị đánh đập. Còn sau này ra tòa có thể phản cung. HĐXX sẽ làm rõ sự thật. Nếu không giết người thì tòa sẽ tuyên vô tội. Thế là tôi nhận tội. Và hôm được đối chất với anh Đạt, tôi đã khuyên anh ấy cứ khai theo ý điều tra viên để được về. Đến khi ra tòa, tôi mới biết mình bị lừa.

Trong buồng tạm giam, anh có được mang bút, giấy vào không?

Đến cái kim còn không được mang vào nữa là.

Thế thì bút giấy đâu để anh viết thư cho bố mẹ? Đây, thư anh viết cho bố mẹ còn được HĐXX trích dẫn trong bản án phúc thẩm đây này: Ngày 29/7/1993 Thanh gửi thư cho bố mẹ, có đoạn y viết “...Do anh Vót xúi giục con mà con phải khổ thế này... Bố mẹ ở ngoài đến những người bị thương xin cho con, vì con không chủ bụng ném vào dân mình. Bố mẹ đừng nghe anh Xuân, anh Quân con ông Tòng và số người khác. Vì chính họ nghĩ con không có việc ném lựu đạn vào dân mình (BL 50)”.

Thật là nực cười. Để tránh thông cung, trong thời gian bị tạm giam, bị can tuyệt đối không được gặp bất cứ ai, cũng không được mang theo bất cứ thứ gì vào buồng giam. Thức ăn do người nhà tiếp tế đều bị cắt nát ra để kiểm tra. Thế thì tôi lấy bút giấy đâu mà viết thư? Mà giả sử có viết được, thì gặp ai để nhờ chuyển về cho bố mẹ tôi được? Thật lạ, nếu là thư tôi viết cho bố mẹ mà giấu diếm gửi về được, thì làm sao cơ quan điều tra lại có nó?

PV: Anh có nghĩ rằng bản tự thú, bản cam đoan và thư anh viết cho bố mẹ, đều là do ai đó làm giả ra không?

Trần Ngọc Thanh: Tôi khẳng định rằng tôi không viết bất cứ thứ gì ở E139 cũng như trong thời kỳ bị tạm giam, từ bản tự thú, bản cam đoan cho đến thư từ. Chỉ nhớ là ngoài những bản cung, điều tra viên còn bắt tôi ký vào rất nhiều giấy tờ khác do họ viết sẵn.Tôi ký mà không đọc.

PV: Tại sao anh không đọc, mà vẫn ký?

Trần Ngọc Thanh: Họ toàn đưa cho tôi ký sau khi đã thay nhau “quần” tôi, đánh tôi cả ngày, khiến tinh thần tôi cực kỳ suy sụp, hoảng loạn, còn người thì mệt rũ, đau đớn. Lúc đó tôi hoàn toàn buông xuôi, chỉ muốn mau được về. Vì thế họ bảo gì tôi làm nấy.

 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm