| Hotline: 0983.970.780

Vuốt nhẹ cây đàn theo gió heo may

Chủ Nhật 17/09/2017 , 13:30 (GMT+7)

Tôi quen nhà thơ Tạ Vũ mấy chục năm. Những năm 1973-1974, học Trường viết văn Quảng Bá, bạn bè và tôi cùng khóa thường kéo nhau về thăm ông.

08-23-42_trng_35
Nhà thơ Tạ Vũ

Ngôi nhà ba tầng ở phố Hàng Chiếu, sát Ô Quan Chưởng độ ấy đã phơi dấu hiệu của sự sa sút. Cầu thang ẩm mốc và tối. Hễ cứ leo lên tầng ba, là thường gặp giọng nói oang oang và giọng đọc thơ vang khỏe của ông. Dạo đó, bạn bè viết lách, hễ gặp nhau, là đọc ngay cho nhau nghe những gì mới viết. Một bài thơ, một truyện ngắn, hoặc chương của tiểu thuyết. Căn gác cũ càng, tuyềnh toàng của ông dạo đó thường xuyên là chỗ tụ bạ, gặp gỡ của anh em viết tại Hà Nội.

Giọng điệu thơ Tạ Vũ ngày đó, hồ hởi phản ánh một thế hệ trẻ hăng hái bước vào vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Và thơ ông đã sớm định hình phong cách riêng. Những câu chữ ngàng tàng, thoải mái dài ngắn, không vần điệu, câu thơ kéo dài và buông lửng bất thần, tạo ra phong cách thơ Tạ Vũ. Chiến tranh, bom đạn ùng oàng đó đây, nhưng Tạ Vụ vẫn có góc riêng của mình thể hiện với thơ. Đấy là người thợ bốc vác đi làm mà chiếc khăn như bình minh vắt vai; hoặc trong cái thành phố buổi trưa phòng thủ, vẫn nghe tiếng kéo người thợ đi cắt tỉa lá cây ở vườn hoa lách ca lách cách; hoặc tình cảm hồ hởi, tin yêu của người thợ xây dựng khi Mùa khô đến rồi, hanh tươi…

Tạ Vũ làm thơ, in thơ rất sớm. Ông từng qua nhiều nghề. Dạy học, thợ đặt đường sắt, thợ kích kéo bắc cầu, thợ quét vôi...Thơ ông đã in rõ từng mảng đời, mảng nghề mà ông và bạn bè đã trải qua.Thơ ông thường thiên về mô tả công việc (có lẽ cũng tương tự như anh em sáng tác độ ấy, đa phần viết phản ánh, theo cách nói bây giờ, là thơ hướng ngoại) nhưng đọc vẫn thấy đáng yêu, bởi tình cảm hồ hởi, sôi động và chân tình với cuộc sống. Bấy giờ, anh vừa hoàn thành mấy trường ca: “Trên thềm sông cổ”, “Thác Bà”, “Vừng sen Hàm Rồng”…

Những năm bẩy mươi của thế kỷ trước, thời kì in ấn còn rất khó khăn (không phải tự in sách thơ như bây giờ), mà Tạ Vũ được xuất bản hai tập thơ liền. Cả hai tập thơ đều chung đề tài lao động. Rồi thơ ông được tặng thưởng Văn học công nhân của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức. Tôi nghĩ, nếu nói đến “thơ công nhân”, là không thể không nói đến Tạ Vũ. Tuy nhiên, thời đó, hầu như thơ ông vẫn một vẻ ồn ào, sảng khoái, tung hoành, mà thiếu vẻ ưu tư, ngẫm nghĩ, lắng đọng. Đọc tập thơ “Lá cỏ” của ông xuất bản (NXB Hà Nội, 2001), thấy có chút gì bù lại sợ thiếu hụt trước ấy: “Góc bếp kia, bóng mẹ ngồi/ sân thượng mẹ hong tóc/ suối tóc dài chấm gót/ dài bằng thương đau.

Có lẽ cái bối cảnh gia đình ngột ngạt như thế, ông đã giã từ, đi theo tiếng gọi của bạn bè, động đội… Những ngả đường, những kích kéo, cần cẩu, đà giáo…đã vẫy gọi ông, để rồi đến tuổi tóc ngả sương lại thèm về quê hương “Vượt tuổi sáu mươi vẫn thèm quê”.

Mảng thơ về quê hương, về gia đình, về bè bạn là những bài thơ hay trong tập thơ “Lá cỏ”. Có cái gì đấy mong manh, run rẩy, như bù lại cái thô ráp, vỡ vạc, ồn ào trong thơ anh trước kia. Những câu thơ mơ hồ, giầu chất thi sĩ, rất đáng yêu: “Anh ra góc vườn vỗ vỗ vào thân cây gầy guộc/ Tim tím ơi, tim tím lên, làn khói của tôi ơi” (Bài thơ gọi hoa xoan nở)

Vốn là người đi đây đi đó nhiều, khi tuổi tác đã ngả sương, ông vẫn ham đi. Hễ có điều kiện, là ông lại xê dịch. Hình như, sự xê dịch là thú vui của ông. Tôi nhớ, một đêm hè 1975, Tạ Vũ kéo tôi lang thang cuốc bộ dọc phố phường cổ. Rồi thế nào chúng tôi ra ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ). Nghe tiếng còi tàu réo lên, ông kéo tôi ào vào sân ga. Tôi hỏi: “Đi đâu?”, ông bảo “Cứ đi”. Tình cờ chuyến tàu ngược Thái Nguyên kéo còi sắp rời ga. Tạ Vũ và tôi chợt nhớ tới Vũ Duy Thông và Chu Hồng Hải đang ở trên ấy. Thế là đêm ấy, hai chúng tôi ngồi vạ vật trong toa tàu chợ sặc sụa mùi khoai sắn ẩm mốc cùng mùi tanh tưởi của gà vịt để lên khu gang thép. Vũ Duy Thông ngày đó là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Thái Nguyên, còn Chu Hồng Hải là thợ máy đốt than đầu tầu kéo quặng sắt. Buổi ấy, gặp nhau, ôm nhau mừng rỡ, rồi đọc thơ, đọc văn cho nhau nghe trắng đêm. Về Hà Nội, Tạ Vũ viết được chùm thơ hay về khu công nghiệp gang thép.

Trong cuộc cải tổ kinh tế, đời sống các nhà thơ hầu như khá lên, riêng với Tạ Vũ thì ngược lại. Mà như ông cũng không quan tâm lắm đến việc này. Bạn bè nói vui, hình như Thơ đã kéo ông đi, nâng ông lên và xô đẩy ông. Rồi ông lao vào rượu. Bạn bè chuốc rượu ông. Ông uống và say, đến mức bạn bè ngại gặp ông. Và thơ ông cũng có lúc lảng ông. May thay, trong sự buồn cô đơn, thì ông lại viết được những câu thơ thật lòng. Bài thơ “ Quê” có hai lần thốt lên Tôi trắng tay. Trong bài thơ khác, ông lại viết Trong cuộc đua này, tôi chiến bại.

Bài thơ tặng nhà thơ Pơ Sáo Mìn, khi bạn thấy ông vắng mặt ở Đại hội Nhà văn, ông viết: “Ấy, tôi chưa chết/ tôi tự nguyện đứng sau/ tự nguyện ngồi trong ngỡ nhỏ trong ngôi nhà lợp giấy”. Chính sự lặng lẽ này, tôi thấy ngọn lửa thơ âm ỉ, bập bùng trong tâm hồn ông. Sau vỏ ngoài xộc xệch, xù xì, là tâm hồn tinh tế, non tơ chỗi dậy. “Tôi nghe tiếng vuốt nhẹ cần đàn trong gió heo may”. Và như thế, tôi tin ông vẫn còn Thơ. Thơ vẫn còn trong ông.Có nghĩa là, nhà thơ Tạ Vũ ơi, ông vẫn chưa phải là trắng tay.

“Ba cốc bia bọt đổ xuống tay/ ba chiếc vé tàu cựa mình trong túi ngực/ đêm nay, ba con tàu phụt khói, sải cánh trên đường ray...”Khổ thơ quen thuộc, một thời gian dài, hễ gặp bạn bè ở chỗ vui vẻ quán xá, nhà thơ Tạ Vũ thường đọc cho mọi người nghe. Ông đọc đi đọc lại. Đọc nhiều lần đến nỗi có người bạn ông phải gắt bẳn lên, rằng chả nhẽ cả đời Tạ Vũ chỉ có mấy câu thơ ấy vậy sao? Nhưng không phải thế.

Ông đọc, vì ông nhớ lại thời trai trẻ của mình. Đấy là thời cởi phanh ngực áo, theo chuyến tàu đầu máy hơi nước chạy kình kịch kình kịch ngược Yên Bái, Lào Cai. Những chàng trai mang trong mình phẩm chất Pa-ven (nhân vật trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy) hăm hở đi xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chàng trai Hà Nội gốc Tạ Vũ theo các bạn mình, trong đó có Đỗ Thịnh và Phượng Vũ hăm hở lên các công trường xây dựng. Họ muốn được đi làm thợ, rồi vẽ, rồi làm thơ.

Khổ thơ mà ông hay đọc cho mọi người nghe, ra đời trong bối cảnh háo hức đó. Phượng Vũ rồi trở thành nhà văn với nhiều tập truyện ngắn và bộ tiểu thuyết Hoa hậu xứ mường nổi tiếng. Đỗ Thịnh thành họa sỹ và tác giả tập thơ Đất rộng trời xanh. Cả hai, nay đã thành người thiên cổ. Tạ Vũ thành nhà thơ, được kết nạp Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1983...

Bây giờ, mọi việc với nhà thơ Tạ Vũ đã khép lại. 4 giờ sáng ngày 8 tháng 10 năm 2014, ông trút hơi thở cuối cùng. Theo nghi lễ, khi nhập quan, người thân của ông đặt hai tay ông lên bụng, để ông buông xuôi tất cả.

Ông là nhà thơ. Tâm hồn ông là tâm hồn thi sĩ. Vì thế, trong cuộc hành trình bay vào cõi vô tận mênh mang này, bao nỗi niềm trong thơ ông, chưa buông xuôi tất cả.

Sinh thời, đã nhiều bài viết về nhà thơ Tạ Vũ. Nhất là tính cách ồn ào trong sinh hoạt của ông, không ít nhiều sự khen chê. Nhưng hầu hết, đều thấy lòng yêu quý của mọi người dành cho ông. Ông là người từng trải qua nhiều nghề, nhưng công việc chính của ông là làm thơ. Ông không có gì để lại, ngoài thơ. Thơ của ông, đa phần thấy công việc ồn ào, thấy nhịp sống sôi động. Bình tâm đọc lại, tôi còn nhận thấy có sự mong manh, nét cô đơn của kiếp người, thấp thoáng phơi ra trước cái sôi động, ồn ào của cuộc sống.

Cô đơn, là thuộc tính của sáng tạo. Nhưng quả thực, nhiều người cũng như tôi chợt nghĩ về ông, một con người bụi bậm, thích rượu, đọc thơ thì như quát vào tai người nghe, hỏi đâu còn phút cô đơn. Vậy mà thơ ông lại có khá nhiều bài phơi ra sự cô đơn ấy.

08-23-42_trng_32
Sinh thời, Tạ Vũ là tuýp nhà thơ ồn ào, sôi động

Bài thơ “Câu hát cũ có đám mây bay”, ông tự giãi bày gia cảnh của mình: Hai tuổi mất cha. Sáu tuổi mồ côi mẹ. Cái gia cảnh tuổi thơ của ông vẫn được bọc ngoài cái vẻ bình yên, khá giả, nhưng thực chất bên trong đã chứa chất bao sự sộc sệch, xuống cấp rồi. Chứa chất nhiều nỗi cô đơn: “Nhà tôi ba tầng/ đứng cô đơn trong dãy phố/ nhà tôi/ mười người/ sống cô đơn cùng nhau”.

Tạ Vũ làm thơ rất sớm. Ông đã có thơ in báo từ trước năm giải phóng thủ đô. Nhưng phải sang giai đoạn đất nước bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thơ ông mới thể hiện đúng phẩm chất nhà thơ của ông. Nếu tính đầu sách in riêng, ông chỉ có ba tập thơ. Tập thơ “Những cánh chim trời”, nhà xuất bản Thanh Niên, năm 1974. Tập trường ca “Vầng sen Hàm Rồng”, nhà xuất bản Lao Động, năm 1975. Hai tập thơ này, được hai nhà xuất bản lo in ấn cho ông, theo chỉ tiêu bao cấp. Bước sang thời cơ chế thị trường, Tạ Vũ không có tiền để in sách thơ cho mình, mặc dù ông vẫn viết thơ khỏe, in thơ đều đặn trên các báo. Ngoài mạch thơ viết về lao động sản xuất, trong tập, có nhiều bài ông viết cho người thân trong gia đình, cho bạn bè, cho các nhà thơ mà ông tôn vinh là bậc thày của mình. Ở những góc nhỏ này, con người Tạ Vũ càng được phơi rõ hơn.

Trong bài thơ “Đường vào nhà Thày”, ở đây không nói rõ, nhưng người đọc cũng nhận ra ông viết gửi một người thày văn chương của ông, nhà thơ Chế Lan Viên. Ông cảm nhận sự chăm chút của nhà thơ bậc thầy với thân phận lận đận của ông: “Ngay như em đầu bờ cuối bãi/ Thày thương vai áo mỏng gió buốt cào”. Ông tự nhận thân mình đầu bờ cuối bãi, vậy mà tâm hồn ông lại biết vượt cái khốn khó đó, để viết câu thơ với vẻ đẹp trang trọng Câu thơ dắt tay Thày bay, bay tít tít xa

Góc riêng của người cầm bút, trước trang viết, trước sau cũng phơi ra, không dấu được. Sinh thời, Tạ Vũ là tuýp nhà thơ ồn ào, sôi động. Ở đâu có mặt ông, là có sự chộn rộn ở nơi đó. Một tâm hồn khỏe mạnh, yêu đời, viết về người thợ bốc vác Chiếc khăn như bình minh vắt vai và viết về người thợ xây dựng, với niềm tin vạm vỡ Mùa khô rồi, nắng hanh tươi... thì những trang viết về nỗi niềm riêng lẻ, cô đơn của ông, như bổ sung cho nhau, để người đọc hiểu hoàn chỉnh hơn về con người ông. Bình tĩnh đọc lại những bài thơ cuối của ông, người đọc thêm quý cái mong manh, cô đơn của một tâm hồn thi sĩ. Chỉ khi con người từng trải, đi qua mọi niềm vui, thì mới biết giá trị của nỗi buồn, của cô đơn.

Cô đơn, là tài sản của của người nghệ sỹ. Tất nhiên, mọi khen chê với nhà thơ Tạ Vũ, bây giờ, ông cũng không còn ý nghĩa. Cánh chim trời Tạ Vũ, đã bay về chân trời vô tận. Nhưng nhận định, đánh giá về sức sáng tạo của một nhà thơ đã đi xa, âu cũng là điều cần thiết. Vì ông là một gương mặt thơ đầy cá tính của lớp người cầm bút của Hà Nội.

(Kiến thức gia đình số 36)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

Thua tối thiểu U23 Iraq vì VAR, U23 Việt Nam chính thức dừng bước

Tình huống thổi phạt đền ở phút 69 là bước ngoặt khiến U23 Việt Nam để thua trước U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm