| Hotline: 0983.970.780

Xôn xao chuyện 800 triệu đồng cho một bài báo công bố quốc tế

Thứ Năm 26/05/2016 , 07:19 (GMT+7)

Tại phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng ngày 25/5/2016, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho biết: “Hàng năm Quỹ phát triển KH-CN Quốc gia được cấp 300 tỉ đồng để hỗ trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trung bình một bài được công bố trên tạp chí uy tín là 800 triệu đồng”

Tại phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng ngày 25/5/2016, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã trình bày báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.


Quang cảnh Phiên họp 48 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội


Đánh giá việc thực hiện chiến lược phát triển KH&CN, Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát trình bày cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 272/2003/QĐ-TTg ngày 31/12/2003 phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2010 và Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020.

Qua 10 năm tổ chức triển khai thực hiện, một số chỉ tiêu quan trọng đề ra trong Chiến lược đã đạt được, như sau: Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp ngày càng nhiều vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giai đoạn 2011-2013 với tỷ trọng đóng góp theo các năm lần lượt là 11,7%; 19,1% và 28,7%; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị cơ bản đạt mục tiêu chiến lược đề ra, đạt 10,68%/năm.

Tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm, đạt mục tiêu của Chiến lược.

Số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước tăng 15-20%/năm. Giai đoạn 2011-2015, số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ tăng 62% so với giai đoạn 2006-2010,…

Trước những con số được nêu ra trong báo cáo về bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đặt vấn đề: “Thời gian gần đây dư luận xôn xao về đào tạo tiến sĩ của Viện Hàn lâm có dùng tiền ngân sách để công bố quốc tế và tăng bình quân 19,5%/năm. Đề nghị Bộ KH-CN cho kiểm tra lại và Viện Hàn lâm KH-CN trong thời gian giám sát công bố bao nhiêu và chi bao nhiêu tiền cho việc công bố đề tài nghiên cứu ra quốc tế?”

Giải trình về vấn đề này Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho biết: Số liệu công bố quốc tế, trong thời gian vừa qua, số đăng ký công bố tăng, nguồn tăng đáng kể là qua Quỹ phát triển KH-CN Quốc gia, hàng năm tăng 30%. Quỹ phát triển KH-CN Quốc gia cơ bản phải hỗ trợ cho nghiên cứu cơ bản: Toán, Lý, Hoá,...

“Loại đề tài này Việt Nam rất mạnh, công bố tăng lên rất nhiều. Hàng năm quỹ được cấp 300 tỉ đồng để hỗ trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trung bình một bài được công bố trên tạp chí uy tín là 800 triệu đồng. Còn số chi của Viện Hàn lâm như thế nào sẽ công bố sau”- ông Khánh nói.

Thông tin Thứ trưởng Khánh tiết lộ làm khiến cho nhiều người xôn xao cho rằng chi phí một bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế là khoảng 800 triệu. Trong khi đó các nhà khoa học khẳng định họ chưa bao giờ nhận được mức chi phí như vậy, ở đây chắc chắn có sự nhầm lẫn.

Trao đổi với Dân trí chiều 25/5, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ: “Đối với công việc ở cơ quan tôi thường hay gọi đề tài nghiên cứu là bài nên có thể dẫn đến sự hiểu nhầm ở đây. Với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia tài trợ khoảng 800 triệu đồng/đề tài nghiên cứu, yêu cầu sản phẩm đầu ra bắt buộc là các công bố quốc tế đăng trên các tạp chí thuộc Danh mục tạp chí ISI”

Cũng theo Thứ trưởng Khánh, chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên triển khai từ năm 2009, trong đó bao gồm 8 lĩnh vực: Toán học, Khoa học Thông tin và Máy tính, Vật lý, Hóa học, Khoa học Trái đất và Môi trường, Khoa học Sự sống – Sinh học Nông nghiệp, Y sinh và Cơ học. Các đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên được Quỹ tài trợ hàng năm khoảng hơn 200 đề tài nghiên cứu, chiếm 80% số lượng đề tài, chương trình được Quỹ tài trợ và khoảng 60% tổng kinh phí tài trợ của Quỹ.

Kinh phí trung bình Quỹ tài trợ cho các đề tài, các chương trình này là 750-800 triệu đồng/1 đề tài, chương trình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Ngoài sản phẩm nghiên cứu chính, các đề tài, các chương trình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN do Quỹ tài trợ bắt buộc phải có tối thiểu 2 công bố quốc tế đăng trên các tạp chí thuộc Danh mục tạp chí ISI do Thompson Reuter xếp hạng (không kể các công bố trong và ngoài nước khác trên các tạp chí không thuộc Danh mục tạp chí ISI).

“Theo số liệu thống kê về kết quả nghiệm thu năm 2015, số lượng các bài báo thuộc Danh mục tạp chí ISI được công nhận là kết quả của đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên do Quỹ tài trợ đạt 2,9 bài báo/đề tài” – Thứ trưởng Khánh nói.

(dantri.com.vn)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm