| Hotline: 0983.970.780

Bị thuốc BVTV gây hại

Thứ Tư 03/10/2012 , 09:51 (GMT+7)

Những vườn rau thường xuyên bị “ướp” các loại thuốc BVTV, thuốc thẩm thấu vào đất, hòa lẫn trong nước tưới tồn đọng trên các lối đi. Người trồng rau trực tiếp nhổ cỏ, chăm sóc rau bằng tay trần và dẫm lên mỗi ngày khiến lở lói bàn tay và các kẽ ngón chân.

Những vườn rau thường xuyên bị “ướp” các loại thuốc BVTV, thuốc thẩm thấu vào đất, hòa lẫn trong nước tưới tồn đọng trên các lối đi. Người trồng rau trực tiếp nhổ cỏ, chăm sóc rau bằng tay trần và dẫm lên mỗi ngày khiến lở lói bàn tay và các kẽ ngón chân.

>> Rau “bội thực” thuốc BVTV

Thậm chí đã có trường hợp vết thương bị tiếp xúc với thuốc BVTV gây nhiễm trùng dẫn đến tử vong. Đó là thực trạng đang diễn ra ở các vùng rau thuộc huyện ĐăkPơ (Gia Lai).

Hại người, hại cả rau

Bà Trần Thị Dung (56 tuổi) ở đội 4, thôn An Định, xã Cư An (ĐăkPơ), kể khổ: “Trong vườn nhà tui có 4 sào đất, trước đây tui trồng hết rau trên diện tích này. Làm rau thì phải dùng nhiều loại thuốc BVTV, từ thuốc trừ cỏ đến thuốc trừ sâu, bệnh. Ngày này sang ngày nọ, hết lớp thuốc này đến lớp thuốc kia, tui tưởng tượng trên đất SX của nhà tui đã bị “nhiễm” thuốc độc. Mà đúng là vậy, hồi làm rau, sau khi phun thuốc là phải nhổ cỏ, chăm sóc. Hoạt động này buộc tui phải ngồi bệt xuống mặt đất nhơm nhớp nước, chứa toàn thuốc độc nên thú thiệt, mông tôi thường xuyên bị lở loét.

Thậm chí, nói ra thì xấu hổ, tui còn thường xuyên bị bệnh phụ khoa vì bị ảnh hưởng thuốc BVTV. Đây không phải là trường hợp của riêng tui, mà tất cả những phụ nữ làm rau trong vùng đều lâm cảnh tương tự. Sợ quá, năm nay tui không dám làm rau nữa mà trồng lúa, vậy mà cũng không thoát. Sau khi phun 1 loại thuốc trừ cỏ cho mấy sào ruộng, đây cũng là loại thuốc tui quen dùng khi còn làm rau. 7 ngày sau không thấy cỏ chết, tui bèn ra tay nhổ. Nhổ chưa sạch cỏ tay tui đã lở toét loét như thế này”. Nói xong, bà Dung đưa 2 bàn tay lở loét ra để chứng minh với chúng tôi.


2 bàn tay lở lói của bà Dung

Cũng ở tại đội 4, thôn An Định này, 1 người có thâm niên trồng rau như anh Ba Hà cũng phải “bỏ cuộc chơi” với cây rau vì quá sợ thuốc BVTV gây hại. Anh Hà tâm sự: “Trong tất cả các loại thuốc BVTV dùng cho cây rau, tui sợ nhất là loại thuốc cát chuyên trị côn trùng sống dưới đất. Khi vãi, mình có thể cẩn trọng mang bao tay. Nhưng khi nó đã nằm dưới đất, thấm vào nước tưới rau hàng ngày. Đi qua đi lại vườn rau để chăm sóc, chân tui dẫm vào nước mỗi ngày, lâu dần các kẽ ngón chân lở loét hết. Tui đã phải làm phẫu thuật 3 chỗ nhưng vẫn không bớt. Giờ tui đành cho người ta thuê căn nhà và 5 sào đất với giá 7 triệu đồng/năm. Hai vợ chồng dắt nhau vào Đồng Nai làm công nhân trong khu công nghiệp kiếm tiền nuôi con cho chắc ăn”.

Thế nhưng trường hợp của anh Hà chưa “thấm tháp” gì so với cái chết thương tâm của cô bé tên Đoàn Thị Thanh Nhung (1983). Ông Đoàn Cảnh Vân (67 tuổi), cũng ở thôn An Định, cha của cháu Nhung, kể lại chuyện cũ với giọng buồn rười rượi: “Năm ấy gia đình tui làm 4,5 ha bắp. Trước khi trỉa, bắp giống bao giờ cũng được xử lý 1 loại thuốc BVTV để khi nằm vào đất không bị bọ ăn hư hạt giống. Trước vụ bắp năm ấy, con gái kề út của tui tên Nhung bị té trầy xước đầu gối, nhưng nó vẫn ra đồng giúp cha mẹ trỉa bắp. Không ngờ vết thương của cháu do tiếp xúc với thuốc xử lý hạt giống làm mủ, sưng to dần. Sau khi mổ tại bệnh viện An Khê vết thương vẫn không bớt, phải chuyển xuống BV Đa khoa Bình Định. Mấy ngày sau cháu mất tại bệnh viện. Bác sỹ chẩn đoán là do vết thương đã bị nhiễm trùng quá nặng”.

Không chỉ hại người, thuốc BVTV còn hại chính cây rau. Mới đây, 8 hộ dân ở thôn 3, xã ĐăkPơ đã tá hỏa khi nhìn thấy toàn bộ diện tích rau màu của mình với hơn 8.000m2 trồng khổ qua, dưa leo và đậu cô ve bị hư hại sau khi sử dụng thuốc Admitox 100WP do Cty TNHH An Nông (Long An) phân phối để diệt rầy và bọ trĩ. Anh Ngô Văn Thanh đắng lòng khi 2.000m2 đậu cô ve chuẩn bị ra hoa thì đã bị “chết yểu”. “Trước khi phun thuốc, các luống đậu của tui rất xanh tốt. Sau khi phun thuốc thì cây đậu bị vàng hết các lá đọt, lá gốc cũng bị rũ gục, coi như mất trắng vốn đầu tư”, anh Thanh than thở.

Ông Trịnh Viết Luận, Trưởng phòng NN-PTNT huyện ĐăkPơ, cho biết: “Chúng tôi đã thành lập đoàn công tác liên ngành về hiện trường kiểm tra, và cho phun thử loại thuốc nói trên trên cỏ và lúa. Kết quả thử nghiệm cho thấy toàn bộ cỏ và lúa trên diện tích thử nghiệm đều bị cháy lá, héo rũ dần và chết. Chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị đơn vị cung ứng chịu trách nhiệm về vụ việc này”.

Nông dân “tự bơi”

Ông Đặng Chí Phong, Chủ tịch UBND xã Cư An, giải thích hiện tượng làm dụng thuốc BVTV của người trồng rau ở đây: “Do diện tích trồng rau quá lớn, việc chăm sóc phải được thực hiện thường xuyên nên rất khó kiếm công, nhất là công nhổ cỏ. Do vậy, trong mọi tình huống, bà con trồng rau đều trông cậy vào thuốc BVTV, nhất là thuốc trừ cỏ. Thậm chí, trước đây bà con còn dùng cả loại thuốc cực độc hiệu 666 vào SX rau. Bây giờ thì đã chấm dứt được nạn này rồi”.


Người trồng rau thường xuyên tiếp xúc với thuốc BVTV được bơm cho rau trong quá trình SX

“Về hiện tượng lạm dụng thuốc BVTV trong SX rau trên địa bàn, chúng tôi phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra và sẽ có biện pháp khuyến cáo người trồng rau. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh hướng nông dân tiến tới SX rau an toàn”, ông Trịnh Viết Luận - Trưởng phòng NN-PTNT huyện ĐăkPơ.

Cũng theo ông Phong, cán bộ khuyến nông của xã thường xuyên về kiểm tra các vùng rau, hướng dẫn bà con quy trình làm rau an toàn. Thế nhưng khi tiếp xúc với người trồng rau để hỏi về vấn đề này, họ lắc đầu nguầy nguậy: “Làm gì có, đã thấy ai xuống hướng dẫn hướng diếc gì đâu. Bằng kinh nghiệm, tụi tui tự mách bảo nhau mà làm. Cây rau bị bệnh nào thì dùng thuốc gì, cứ ra đại lý mua về bơm”.

Theo Trạm BVTV ĐăkPơ, trên địa bàn huyện này hiện có 22 đơn vị kinh doanh VTNN, trong đó có thuốc BVTV. Ông Phạm Hoàng Long, trưởng trạm, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra những cơ sở cung ứng thuốc BVTV nói trên và cũng thường tổ chức tập huấn cho các chủ cơ sở về công tác hướng dẫn cách sử dụng khi nông dân mua các loại thuốc BTTV”. Thế nhưng, thực tế không có vậy: “Tụi tui ra mua thuốc, trả tiền rồi về chứ có ai chỉ bảo gì đâu. Đến khi bị lở chân lở tay, đến hỏi những người bán thì họ chẳng giải thích được gì”, bà Trần Thị Dung, nói.

Làm việc với lãnh đạo 2 xã SX rau trọng điểm là Cư An và Tân An, chúng tôi được biết 2 địa phương nói trên không có cán bộ khuyến nông chuyên trách, chỉ là cán bộ địa chính kiêm nhiệm công tác khuyến nông. “Chúng tôi vừa đề nghị với huyện cho xin 1 suất biên chế cán bộ KN, thế nhưng do liên quan đến bằng cấp chuyên môn nên chưa tìm ra. Hiện chúng tôi vẫn đang tuyển người. Tuy nhiên, do khi đảm nhiệm công tác này chỉ được hưởng mức lương hệ số 1, ít ỏi quá nên chẳng ai muốn làm”, Chủ tịch UBND xã Cư An Đặng Chí Phong, bộc bạch.

Với 1 vùng rau rộng gần 3.000 ha mà không hề có cán bộ khuyến nông chuyên trách thì chuyện người trồng rau “tự bơi” là không có gì khó hiểu. (Hết)

Xem thêm
Lưu ý khi bón phân cho cây mía ở vùng đất phụ thuộc vào ‘nước trời’

Miền Trung và khu vực giáp ranh đã bắt đầu vào vụ mía mới 2023 - 2024, giá mía khởi sắc khiến bà con nơi đây thêm phần phấn khởi với loài cây lắm 'truân chuyên' này...

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm