| Hotline: 0983.970.780

Tôn vinh ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Thứ Hai 17/09/2012 , 09:36 (GMT+7)

Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) chính thức được công nhận là Di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh.

Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) chính thức được công nhận là Di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh.

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã diễn ra tối qua (16/9) tại huyện Hoàng Su Phì. Đây là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh tinh thần lao động, sáng tạo của nhiều thế hệ các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện đã góp công sức và trí tuệ của mình để tạo nên những thửa ruộng bậc thang đẹp như một bức tranh kì vĩ giữa cao nguyên.

Chương trình cũng là điểm nhấn trong các hoạt động của Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Hoàng Su Phì lần thứ V, diễn ra từ ngày 15-17/9. Chương trình nghệ thuật đặc sắc gồm 3 chương với chủ đề: Ruộng bậc thang- bức tranh kì vĩ đã phản ánh đậm nét cuộc sống, lao động, sản xuất, sự phát triển của mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Trong thời gian lễ hội cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa mang đậm sắc thái của các dân tộc ở Hoàng Su Phì như trình diễn các lễ hội truyền thống; thi văn nghệ, thể thao các dân tộc...

Hoàng Su Phì là huyện vùng cao nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Hà Giang. Với đôi tay khéo léo và tri thức thổ canh linh hoạt sáng tạo, đồng bào nhiều thế hệ các dân tộc người Mông, Dao, Nùng... ở Hoàng Su Phì đã tạo ra các thửa ruộng bậc thang được coi như một kiệt tác khắc vào đá núi.

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì có hầu hết ở 25 xã, thị trấn nhưng tập trung chủ yếu ở các xã: Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Nậm Ty với tổng diện tích gần 760ha. Ruộng bậc thang là một sự sáng tạo phi thường, một biểu tượng văn hóa thể hiện tính thích ứng tuyệt vời của con người với môi trường vùng núi. Về phương diện vật chất là hình thức canh tác phù hợp với điều kiện tự nhiên đồi núi đất mà Hoàng Su Phì là ví dụ điển hình. Bên cạnh đó sự có mặt của ruộng bậc thang đã góp phần hạn chế việc chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy, ổn định cuộc sống, xóa bỏ hình thức du canh, du cư...

Theo ông Sèn Chỉn Ly, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: “Từ điều kiện canh tác khó khăn trên núi cao với sự chia cắt mạnh nhưng bằng sự tìm tòi sáng tạo của đồng bào các dân tộc, những giọt máu và nước mắt đã theo dòng sông Chảy, theo mạch nguồn núi đá cõng nước lên lưng chừng núi để có mùa vàng bội thu, đem cái ăn cái mặc đến cho đồng bào”.

Không chỉ có ý nghĩa văn hóa, tinh thần, những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp của mảnh đất Hoàng Su Phì sẽ đem đến cho đồng bào các dân tộc nơi đây một cuộc sống ấm no khi Đảng bộ và nhân dân Hoàng Su Phì cùng phấn đấu từ nay đến năm 2015 đưa sản lượng lương thực trong huyện lên từ 38-40 ngàn tấn/năm.

Hằng năm, Hoàng Su Phì là địa danh hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang, đặc biệt là vào dịp mùa vàng bội thu. Ông Sèn Chỉn Ly cho biết, cùng với những địa danh nổi tiếng của Hà Giang, việc ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được công nhận là Di tích danh thắng quốc gia sẽ góp phần giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế về đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc ở địa phương và nâng cao đời sống kinh tế của mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Cùng với Cao nguyên đá Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú…, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì sẽ tạo nên một chuỗi điểm đến cho du lịch Hà Giang.

Ruộng bậc thang là di sản được lớp lớp thế hệ đồng bào các dân tộc Hoàng Su Phì tạo dựng. Làm gì để gìn giữ và phát huy di sản này, ông Nguyễn Văn Mão, Bí thư Huyện uỷ Hoàng Su Phì, cho biết: Phải làm cho di sản ngày càng đem lại lợi ích to lớn cho con người, từ lợi ích kinh tế, đến giá trị văn hoá, giá trị tinh thần. Giá trị đó thuộc về các dân tộc Hà Giang, dân tộc Việt Nam. Di sản ruộng bậc thang còn có vai trò lớn hơn nữa đối với việc đảm bảo an ninh lương thực trong dân. Ruộng bậc thang vẫn luôn là nguồn nuôi sống toàn dân trong huyện.

Ngoài ra, Di sản ruộng bậc thang sẽ mở thêm cơ hội phát triển du lịch, dịch vụ... tạo thêm nhiều ngành nghề phụ trợ đi kèm theo du lịch như nghề thêu dệt truyền thống, ẩm thực truyền thống, văn hoá bản sắc truyền thống.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm