| Hotline: 0983.970.780

World Bank dự kiến tài trợ 120 triệu USD cho Đề án 1 triệu ha lúa

Thứ Năm 30/03/2023 , 07:34 (GMT+7)

Ngân hàng Thế giới (WB) có thể hỗ trợ Việt Nam về vấn đề hạ tầng trong quá trình triển khai Đề án 1 triệu ha lúa.

Huy động sự tham gia của đối tác quốc tế 

Chiều 29/3, Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo tham vấn các đối tác quốc tế và các tổ chức tín dụng về dự thảo “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa).

Bộ NN-PTNT mong muốn nhận sự đóng góp ý kiến của các đối tác quốc tế với nội dung tổng thể của đề án và các can thiệp tiềm năng về chính sách, đầu tư, cơ chế phối hợp để thực hiện dự án.

Bộ NN-PTNT mong muốn nhận sự đóng góp ý kiến của các đối tác quốc tế với nội dung tổng thể của đề án và các can thiệp tiềm năng về chính sách, đầu tư, cơ chế phối hợp để thực hiện dự án.

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết trong thời gian từ năm 2011 đến nay, vùng ĐBSCL đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thông qua các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp. Trong đó, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được cho là tiền đề để xây dựng, phát triển Đề án 1 triệu ha lúa.

Ông Li Guo, điều phối viên Chương trình Quốc gia về nông nghiệp, chuyên gia cao cấp Kinh tế Nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong các giai đoạn của chuỗi giá trị gạo từ khâu sản xuất, chế biến, tiếp cận thị trường... Ông Guo cho rằng đề án cần nêu rõ về tính đa dạng của chuỗi giá trị và khả năng gia tăng thu nhập cho nông dân.

Ngân hàng Thế giới có thể hỗ trợ Việt Nam về vấn đề hạ tầng trong quá trình triển khai đề án này và nhanh chóng làm việc cùng Bộ NN-PTNT xác định danh mục cơ sở hạ tầng và nhu cầu từng địa phương. Bên cạnh đó, WB có thể hỗ trợ tham vấn về tín chỉ các-bon để đơn giản hóa cũng như hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện chuyển đổi lúa phát thải thấp và có tín chỉ các-bon để tiêu thụ ra thị trường.

“Chúng tôi có thể huy động khoảng 40 triệu USD để khởi động dự án kế tiếp của VnSAT trong năm 2026-2028 nhằm hỗ trợ các hoạt động liên quan đến tín chỉ các-bon. Dự án này sẽ bắt đầu từ các khu vực đã áp dụng quy trình “1 phải 3 giảm”, kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) hoặc GAP”, ông Guo thông tin.

Ông cũng cho biết nếu có đề xuất hỗ trợ chính thức từ Chính phủ Việt Nam, WB sẽ đưa chương trình này vào danh mục ưu tiên cùng thực hiện với Đề án 1 triệu ha lúa.

WB cũng xây dựng dự án viện trợ không hoàn lại trị giá 20 triệu USD, là khoản cam kết giúp các ngân hàng tư nhân Việt Nam triển khai chương trình tín dụng cho nông dân. Sau năm 2027, cơ quan này sẽ huy động 60 triệu USD cho dự án phục vụ mục tiêu phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

“Như vậy, 120 triệu USD là số tiền WB có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện chương trình 1 triệu ha lúa và chúng tôi mong muốn, cùng làm việc với Bộ NN-PTNT, các ngân hàng và các nhà tài trợ để hỗ trợ dự án này với mục tiêu chung hướng tới xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại vùng ĐBSCL”, ông Guo cho biết.  

Bên cạnh những hỗ trợ về mặt tài chính, tại hội thảo, đại diện các tổ chức quốc tế khác như Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO)... cũng đưa ra đề xuất hỗ trợ các giải pháp khoa học công nghệ, đặc biệt là xây dựng hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV) ở vùng chuyên canh để định lượng mức giảm phát thải, làm cơ sở đăng ký chứng nhận sản phẩm gạo các-bon thấp. 

Cần cơ chế, chính sách rõ ràng cho chi trả tín chỉ các-bon

Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB tại Việt Nam cho rằng đề án cần làm rõ việc giảm phát thải sẽ đóng góp thế nào cho chương trình Đóng góp cho Quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần làm rõ giải pháp về vốn, trong đó khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân với cơ chế, chính sách rõ ràng. Ngoài ra, về cơ chế chính sách tiếp nhận các nguồn vốn từ các quỹ khí hậu, quỹ các-bon, quỹ nông thôn cũng cần nêu rõ, nhất là cơ chế chi trả các-bon cho phần tái đầu tư, cho người sản xuất...

2dc9b3800d3198368c47242a98c72a26

Các tổ chức quốc tế đề xuất hỗ trợ các giải pháp khoa học công nghệ, đặc biệt là xây dựng hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV) ở vùng chuyên canh. 

Đại diện Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) cho biết tổ chức này đã phối hợp với Cục Trồng trọt triển khai dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL”. Dự án sử dụng nguồn vốn ODA trị giá 15 triệu USD là đòn bẩy để huy động đầu tư của khu vực tư nhân trong đẩy mạnh công nghệ sản xuất lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới tính đa mục tiêu, đa giá trị của Đề án 1 triệu ha lúa.

“Qua khảo sát ban đầu, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL cam kết triển khai từ 200-300.000 ha đất lúa chất lượng cao. Chúng tôi mong muốn dự án này sẽ gắn với Đề án 1 triệu ha lúa”, đại diện SNV cho biết, và khẳng định tầm quan trọng của công tác điều phối và sử dụng hỗ trợ ODA. Bên cạnh đó, đại diện này cũng cho rằng đề án cần cân nhắc về vấn đề chi trả tín chỉ các-bon cho vùng nhân rộng từ dự án VnSAT trong khuôn khổ 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng ĐBSCL là vùng có lợi thế để xây dựng “cánh đồng lớn” song chưa được phát huy do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

“Việc xuất khẩu gạo đơn thuần, khai thác các giá trị khác của gạo, tham gia vào thị trường các-bon và đóng góp cho NDC cần phải được “cân đo đong đếm”. Các lợi thế của gạo, sản phẩm chế biến sâu từ gạo, tận dụng phế phụ phẩm từ gạo vẫn chưa được khai thác triệt để”, ông Cường nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo tại ĐBSCL lại thiếu vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, logistics, chuyển giao, tiếp nhận công nghệ... Nông dân phụ thuộc nhiều vào đầu vào phân bón, thuốc trừ sâu. Như vậy, ông Cường cho rằng cần xác định các điểm nghẽn và có cơ chế, chính sách để giải quyết các điểm nghẽn này.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.