Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới diễn ra tại Nam Định sáng 19/10. Ảnh: Đinh Tùng. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị trong tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới. Rất nhiều bài học kinh nghiệm, nhiều kiến nghị đề xuất mới trong ngày hôm nay sẽ là bài học quý để chúng ta cùng tiếp thu.
Thủ tướng trích dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nông dân giàu thì nước ta mạnh" và cho rằng nhận thức đó là một hệ thống, nhưng mỗi giai đoạn Đảng và nhà nước ta vận dụng theo thực tế. Định hướng xã hội chủ nghĩa là dân giàu, nước mạnh. Quan tâm đến người dân nghĩa là làm tốt Chương trình xây dựng NTM, bởi đó là nơi người dân được thụ hưởng các giá trị của cuộc sống.
Nội dung quan trọng nhất của xây dựng NTM là sản xuất phải đi liền với nâng cao đời sống. Phải xây dựng tổng thể trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, trật tự, an ninh xã hội, trên toàn quốc; và phải được lượng hóa bằng các chỉ tiêu, tiêu chí để dễ dàng kiểm tra, đánh giá. Trong đó chỉ tiêu quan trọng nhất là đến năm 2020, 50% số xã phải đạt chuẩn NTM.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chúng ta đã huy động được sức mạnh to lớn, toàn diện và lịch sử để chuyển biến vùng nông thôn. |
Tuy nhiên, thời điểm thực hiện xây dựng NTM của chúng ta lại rơi vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong 5 năm đầu, việc huy động nguồn lực rất khó khăn, số xã được công nhận xây dựng NTM rất ít. Nhiều người không tin chúng ta có thể đạt được mục tiêu nêu trên, bạn bè quốc tế cũng không tin. Nhưng chúng ta vẫn kiên định mục tiêu thực hiện chương trình này.
Thủ tướng khẳng định muốn nhìn tổng quát như vậy trong 9 năm qua, để chúng ta thấy tự hào. Chúng ta đã huy động được sức mạnh to lớn, toàn diện và lịch sử để chuyển biến vùng nông thôn. Chúng ta cũng nhận thấy được vai trò của người dân trong phát triển đất nước là vô cùng to lớn, qua đó huy động được nguồn lực lên tới 2.400.000 tỷ đồng, tạo lập diện mạo mới cho vùng nông thôn, nhiều nơi thay đổi đến ngỡ ngàng: đẹp hơn, sạch hơn, văn minh hơn.
Chúng ta thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, trong khó khăn GDP của nông nghiệp vẫn tăng trưởng bình quân trên 3%, củng cố cả 3 trụ cột chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt, nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đến cuối năm 2019, chúng ta có tới 4.000 sản phẩm OCOP, tạo bước đà lớn để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải phát triển ngày càng nhiều trang trại quy mô lớn, các HTX nông nghiệp để nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển bền vững.
Cùng với nâng cao đời sống vật chất, cần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, trình độ người dân, hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh, trật tự an toàn xã hội đảm bảo và người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Các địa phương chưa được công nhận tỉnh NTM phải nỗ lực để hoàn thành, qua đó tạo ra một bước đột phá lịch sử, nâng cao vị thế người nông dân. Một số đoàn nước ngoài về Ninh Bình nghiên cứu quá trình xây dựng NTM thì tỏ ra rất ngỡ ngàng. Đó là điều rất đáng mừng.
Diện mạo NTM mới ở Yên Khánh (Ninh Bình). |
Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đó là một số lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa chỉ đạo sâu sát, chưa phân bổ nguồn lực cho sự phát triển cân bằng, nguồn lực từ ngân sách chiếm tỷ lệ còn nhỏ, chưa tạo nên nhân tố thúc đẩy, đặc biệt là những vùng khó khăn.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu phát triển sản xuất chưa có kết quả đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng, xảy ra khiếu kiện trong dân, sự oan ức của người dân một số nơi chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. "Đừng coi thường những đốm lửa nhỏ, có thể cháy cả một cánh rừng lớn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện tượng phai nhạt văn hóa, tình làng nghĩa xóm, tình trạng nghiện hút, trộm cắp vẫn xảy ra ở một số địa phương. "Ở nông thôn còn nhiều rác quá, nhất là rác thải nhựa, nguồn nước bị ô nhiễm", do đó thời gian tới chúng ta phải làm quyết liệt hơn, sâu sát hơn, vì những việc dễ chúng ta đã làm rồi. Phải phát huy kinh nghiệm và thuận lợi của 10 năm qua để đề ra phương hướng nhiệm vụ xây dựng NTM trong thời gian tiếp theo.
Phải tận dụng tối đa cơ hội để phát triển, phải sáng tạo để biến nguy cơ thành thuận lợi.
Bên cạnh đó, các địa phương phải đi tiên phong để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, xây dựng vùng nông thôn xanh, sạch đẹp, giàu bản sắc và đáng sống. Đặc biệt, xây dựng NTM không chỉ ở đồng bằng, mà cả ở miền núi, xã đảo, vùng sâu, vùng xa để người dân được hưởng lợi. Trong 5 năm tới, nhóm đã hoàn thành xây dựng NTM trong giai đoạn 2010 - 2020 cần phải đề ra mục tiêu cao hơn để không ngừng xây dựng những miền quê đáng sống.
Muốn làm được điều đó, phải chọn những cán bộ tâm huyết, có tài, có đức để tham mưu cho Ban chỉ đạo xây dựng Chương trình MTQG xây dựng NTM; không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được bởi xây dựng NTM không có điểm kết thúc.
Xây dựng NTM kiểu mẫu mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). |
Là huyện hoàn thành 100% số xã đạt chuẩn NTM sau 10 năm thực hiện, bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), cho rằng, đạt chuẩn NTM chỉ là kết quả bước đầu, việc xây dựng NTM kiểu mẫu mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài.
Phấn đấu đến năm 2025, huyện Xuân Lộc cơ bản trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, có giá trị kinh tế cao.
Về trồng trọt, hiện nay huyện đang xây dựng 24 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu để hướng tới xuất khẩu. Từ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao, đạt 56 triệu/năm.
Xây dựng NTM cần gắn liền với giá trị truyền thống
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. |
Từ kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng NTM, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, quá trình xây dựng NTM cần gắn liền với giá trị truyền thống. Từ đó hình thành các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng mang bản sắc văn hóa dân tộc của từng vùng miền. Có như vậy mới thu hút được khách du lịch quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Cũng theo ông Phan Việt Cường, cần sớm xây dựng bộ tiêu chí du lịch NTM để các địa phương triển khai hiệu quả hơn.
Sự hài lòng của người dân - "Thước đo" hiệu quả của Chương trình xây dựng NTM
Theo ông Hầu A Lềnh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM, đây cũng được xem như hình thức giám sát trực tiếp của nhân dân trong quá trình xây dựng NTM. Cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ có thêm kênh thông tin quan trọng để đánh giá hiệu quả của chương trình MTQG xây dựng NTM ở cơ sở.
Ông Hầu A Lềnh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. |
Tuy nhiên, ông Hầu A Lềnh cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi chưa đảm bảo tính độc lập, còn hình thức. Cá biệt một số nơi việc đánh giá còn phụ thuộc vào công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là ở cấp xã, vì vậy chưa thật sự đảm bảo tính khách quan trong tổ chức triển khai thực hiện.
Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tham gia thực hiện với 2 nhiệm vụ trọng tâm: Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM; Giám sát thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM (trong đó tập trung chủ yếu là giám sát nguồn lực xây dựng NTM và giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng NTM).
Không lơ là, thỏa mãn sau khi đạt thành tích
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, xây dựng NTM ngày càng đi vào thực chất. Điển hình như 3 tỉnh Hà Tĩnh, Cà Mau và Gia Lai đã mạnh dạn rút bằng công nhận đạt chuẩn NTM các xã không đảm bảo yêu cầu sau đạt chuẩn, thể hiện sự nghiêm túc, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM. Từ đó kịp thời chấn chỉnh, thay đổi trạng thái lơ là, thỏa mãn sau khi đạt thành tích.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị. |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng hầu hết các địa phương đã xác định rõ xây dựng NTM là một trong những chương trình đột phá để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Đồng thời đưa vào là một trong những nội dung chính của Đại hội Đảng các cấp. Đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của các địa phương cũng đã vào cuộc mạnh mẽ, tâm huyết hơn; nhiều nơi có tư duy, cách làm mới, huy động nguồn lực lớn và đa dạng cho xây dựng NTM.
Ví dụ, tỉnh Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu, xây dựng phần mềm dữ liệu số NTM; Nghệ An, Thanh Hóa sáng tạo chỉ đạo xây dựng NTM cấp thôn, bản vùng khó khăn; Điện Biên ưu tiên xây dựng NTM các xã biên giới; Quảng Ninh tập trung phát triển sản phẩm OCOP...
Hai nhân tố then chốt quyết định thành công trong xây dựng NTM
Ông Đoàn Hồng Phong - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, chia sẻ: Nam Định nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, dân số gần 2 triệu người. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã nỗ lực phấn đấu thực hiện xây dựng NTM. Đến 31/7/2019, toàn tỉnh có 100% xã được công nhận NTM, là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước về đích NTM sớm hơn kế hoạch đề ra 1,5 năm.
Ông Đoàn Hồng Phong - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định - chia sẻ kinh nghiệm xây dựng NTM của tỉnh. |
Qua tổng kết đúc rút kinh nghiệm, Nam Định cho rằng có 2 nhân tố then chốt quyết định thành công xây dựng NTM: Một là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở. Hai là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được mình vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng. Phải giải thích cho mỗi người dân nhận thấy rằng, việc đó là lợi ích của họ, họ phải làm hăng hái cho bằng được.
Do đó, Nam Định đã hoàn thành hàng loạt việc khó, như công tác dồn điền đổi thửa, hình thành các cánh đồng mẫu lớn. Thông qua đó, các cấp chính quyền vận động gia đình và nhân dân hiến, đóng góp hàng ngàn hécta đất để chỉnh trang đồng ruộng, nâng cấp hạ tầng.
Về công tác giải phóng mặt bằng, các hộ dân nở rộ phong trào hiến đất làm đường, xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn, vừa đẩy nhanh được tiến độ thi công, vừa không có khiếu kiện. Do đó, bộ mặt nông thôn ngày càng đẹp hơn, khởi sắc hơn.
Để huy động nguồn vốn xã hội hóa xây dựng NTM, Nam Định xác định phải huy động sức mạnh nội lực, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Qua 10 năm xây dựng NTM, tỉnh đã huy động được 22.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn lực nội tỉnh.
Từ khi xây dựng NTM đến nay, trên 5.000 doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người của Nam Định tăng 4 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn chỉ còn 1,35 lần.
Ngoài cải thiện thu nhập, Nam Định còn tập trung cải thiện môi trường nông thôn, các địa phương tự bỏ kinh phí trồng hoa ven đường, tăng cường nạo vét kênh mương, tạo thành những dòng chảy hiền hòa, trở thành nơi đáng sống cho người dân ở nông thôn.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là nhiệm vụ hàng đầu
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng BCĐ Trung ương các chương trình MTQG - cho biết: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng BCĐ Trung ương các chương trình MTQG - phát biểu khai mạc hội nghị. |
Để triển khai thành công chương trình và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên cả nước theo Nghị quyết 26, đề án đã lựa chọn 11 xã điểm trên cả nước.
Những kết quả đạt được là cơ sở để Đảng, Nhà nước và Chính phủ đề ra hàng loạt các văn bản chỉ đạo sau này. Chương trình xây dựng NTM đã trải qua 10 năm kể từ khi thí điểm, đáp ứng tâm tư, tình cảm của người nông dân, trở thành phong trào có tính lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân.
Trên cơ sở kết quả tổng kết của các địa phương và 4 hội nghị cấp vùng, hôm nay, tại Nam Định, chúng ta long trọng tổ chức chương trình tổng kết 10 năm xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020. Ban tổ chức đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đánh giá những thành tựu xây dựng NTM thời gian vừa qua; trong đó tập trung phân tích vai trò của cấp ủy, Ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp, kinh nghiệm tuyên truyền, vận động người dân, giúp người dân nhận thấy vai trò, chủ thể của mình. Đồng thời, nhìn ra được những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình xây dựng NTM để có giải pháp, hướng đi phù hợp trong giai đoạn 2021 - 2025.
Lan tỏa đến nhiều tầng lớp nhân dân
Theo Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG, trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng nhà nước vẫn ưu tiên bố trí nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2016-2020 cao hơn gần 4 lần so với giai đoạn 2011-2015 và đảm bảo bố trí đủ vốn kế hoạch trung hạn 5 năm theo Nghị quyết của Quốc hội.
Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã) đã nhận thức rõ tầm quan trọng của Chương trình nên đã quan tâm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện.
Nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của các địa phương đã coi xây dựng NTM là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn; các mục tiêu cơ bản và nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng NTM đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trong 2 nhiệm kỳ vừa qua.
Phong trào xây dựng NTM nhờ tuyên truyền vận động nên đã lan toả đến nhiều tầng lớp nhân dân. Trong hơn 9 năm qua, người dân cả nước đã tự nguyện hiến hơn 45 triệu m2 đất để làm NTM.
Thủ tướng đánh giá cao các gian hàng OCOP. |
Tính chung trong cả 9 năm qua, cả nước đã huy động được hơn 2.400.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 110 tỷ USD). Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là gần 320.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn huy động từ người dân và cộng đồng chiếm khoảng 8,2% trong cơ cấu tổng nguồn vốn nhưng tăng 1,2 lần so với giai đoạn 1, chủ yếu là do người dân tự nguyện đóng góp để xây dựng NTM trên địa bàn.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào xây dựng NTM, ngay từ những năm đầu, nhiều địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo các huyện, xã tập trung thực hiện các nội dung của Chương trình như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Lâm Đồng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Hà Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc...
Hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch 10 năm
Công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện ở cơ sở cũng được các địa phương chú trọng và thường xuyên thực hiện. Điển hình như tỉnh Hà Tĩnh, định kỳ vào ngày thứ bảy hàng tuần, Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức đi kiểm tra tiến độ triển khai xây dựng NTM ở cơ sở.
Một trong những tồn tại, hạn chế của giai đoạn 1 (2011-2015) là tình trạng nhiều địa phương đề phát sinh nợ đọng trong xây dựng NTM, gây bức xúc trong xã hội. Bước sang giai đoạn 2016-2020, Trung ương và địa phương đã tập trung nguồn lực để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Chỉ công nhận các xã, huyện đạt chuẩn NTM khi không có nợ đọng xây dựng cơ bản…
Sau 10 năm xây dựng NTM, diện mạo của nhiều địa phương đã khởi sắc. |
Đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch và đã bố trí đủ vốn để thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội và Chính phủ.
Đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm. Đặc biệt, đã có 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đã có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, hiện nay đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng NTM.
Sau 9 năm triển khai Chương trình, cả nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, rất toàn diện, tạo sự thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, đưa nông nghiệp - nông thôn Việt Nam lên một thế và lực mới.
Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, bộ mặt nông thôn ngày càng được đồng bộ, khang trang từng bước đáp ứng nhu cầu nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, đồng thời, đang dần bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Thu nhập của người dân nông thôn từng bước được nâng cao. |
Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp – dịch vụ, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị.
Đến nay, cả nước ước có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp, đóng góp lớn cho xuất khẩu, tạo dựng thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế…
Nhiều hộ dân viết đơn xin thoát nghèo
Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, tăng 2,78 lần từ mức 12,8 triệu năm 2010 lên mức 35,88 triệu đồng/người năm 2018.
Đã có nhiều nơi xuất hiện các hộ gia đình tự nguyện viết đơn xin thoát ra khỏi hộ nghèo, nhất là đối với vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống như Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) có 100 hộ, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có 104 hộ, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) có hơn 100 hộ, huyện Con Cuông (Nghệ An) có 60 hộ, huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) có 120 hộ.
Chương trình MTQG xây dựng NTM là một chương trình mới, trong giai đoạn 1 đã phát sinh nhiều khó khăn, hạn chế, song quá trình triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp trong cả nước từ 2016 đến nay.
Đồng Nai cùng với Nam Định là hai địa phương hoàn thành 100% xã nông thôn mới. |
Chương trình đã thực sự trở thành một phong trào có ý nghĩa nhân văn được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, khơi dậy được những lợi thế, tiềm năng của các địa phương và phát huy vai trò chủ thể của người dân, nhất là ở vùng nông thôn.
Đây là Chương trình duy nhất đã hình thành được hệ thống bộ máy tổ chức và cán bộ tham mưu giúp việc thực hiện Chương trình đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, là nòng cốt tổ chức thực hiện Chương trình hiệu quả, chất lượng.
Tuy nhiên, kết quả xây dựng NTM của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung và còn khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền. Nông thôn phát triển chưa đồng đều, kết nối kinh tế nông thôn - đô thị còn yếu; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, một số nơi xuất hiện tình trạng bê tông hoá nông thôn.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG, nội dung trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025 là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền;
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, chú trọng khai thác được lợi thế của mỗi vùng, miền; Bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn.
Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; Giữ gìn an ninh và trật tự xã hội nông thôn.