Ông Đoàn Hồng Phong - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định - chia sẻ kinh nghiệm xây dựng NTM của tỉnh. |
Ông Đoàn Hồng Phong - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, chia sẻ tại Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020: Nam Định nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, dân số gần 2 triệu người. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã nỗ lực phấn đấu thực hiện xây dựng NTM. Đến 31/7/2019, toàn tỉnh có 100% xã được công nhận NTM, là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước về đích NTM sớm hơn kế hoạch đề ra 1,5 năm.
Qua tổng kết đúc rút kinh nghiệm, Nam Định cho rằng có 2 nhân tố then chốt quyết định thành công xây dựng NTM: Một là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở. Hai là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được mình vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng. Phải giải thích cho mỗi người dân nhận thấy rằng, việc đó là lợi ích của họ, họ phải làm hăng hái cho bằng được.
Do đó, Nam Định đã hoàn thành hàng loạt việc khó, như công tác dồn điền đổi thửa, hình thành các cánh đồng mẫu lớn. Thông qua đó, các cấp chính quyền vận động gia đình và nhân dân hiến, đóng góp hàng ngàn hécta đất để chỉnh trang đồng ruộng, nâng cấp hạ tầng.
Về công tác giải phóng mặt bằng, các hộ dân nở rộ phong trào hiến đất làm đường, xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn, vừa đẩy nhanh được tiến độ thi công, vừa không có khiếu kiện. Do đó, bộ mặt nông thôn ngày càng đẹp hơn, khởi sắc hơn.
Nam Định đang đổi mới từng ngày nhờ xây dựng NTM. |
Để huy động nguồn vốn xã hội hóa xây dựng NTM, Nam Định xác định phải huy động sức mạnh nội lực, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Qua 10 năm xây dựng NTM, tỉnh đã huy động được 22.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn lực nội tỉnh.
Từ khi xây dựng NTM đến nay, trên 5.000 doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người của Nam Định tăng 4 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn chỉ còn 1,35 lần.
Ngoài cải thiện thu nhập, Nam Định còn tập trung cải thiện môi trường nông thôn, các địa phương tự bỏ kinh phí trồng hoa ven đường, tăng cường nạo vét kênh mương, tạo thành những dòng chảy hiền hòa, trở thành nơi đáng sống cho người dân ở nông thôn.