Chính vì thế, tổng sản lượng thủy sản khai thác được trong tháng 2 đạt 381 ngàn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ 2014. Tính từ đầu năm lại nay, tổng sản lượng đạt 793 ngàn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Đây là con số ấn tượng đối với ngành thủy sản ngay những ngày đầu năm mới Ất Mùi.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Tổng cục Thủy sản), trong tháng 2, do giá dầu tiếp tục ổn định và là thời điểm khai thác chính của vụ cá Bắc, giá bán một số sản phẩm khai thác ở mức tương đối cao nên số lượng ngư dân tham gia khai thác trên biển trong dịp tết vừa qua khá lớn.
Riêng tại tỉnh Bình Định có 2.200 tàu với 18.700 lao động tham gia (chiếm 75% đội tàu khai thác xa bờ). Phú Yên có 88 tàu và Khánh Hòa có 320 tàu ăn tết trên biển.
Hiện có một số tàu cá ngừ đi khai thác trước tết đã về bến. Sản lượng đạt từ 30 – 40 con/chuyến biển. Giá bán cá ngừ những ngày đầu năm tại Phú Yên giữ ổn định với mức 120.000 đ/kg cá ngừ câu vàng và 90.000 đ/kg cá ngừ câu tay.
Đặc biệt, ngay trong những ngày đầu năm mới, chính quyền và ngư dân một số địa phương đã tổ chức lễ hội xuất bến lấy lộc đầu năm. Ngày mùng 1 Tết, ngư dân các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Nam có hàng trăm tàu xuất bến. Mùng 2 và mùng 3 Tết ngư dân các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi cũng hối hả ra khơi.
Ngư trường truyền thống đối với các chủ tàu ở Bình Sơn, Lý Sơn (Quảng Ngãi) không đâu khác chính là Hoàng Sa. Hoàng Sa là vùng biển Việt Nam, là ngư trường truyền thống của cha ông, không thể không vươn khơi đánh bắt.
Từ suy nghĩ đó, hầu hết ngư dân miền Trung đều trúng đậm tôm cá ngay từ những chuyến ra khơi đầu năm đón lộc biển. Đến thời điểm này ngư dân Quảng Ngãi trúng đậm mùa cá cơm. Chút lộc biển đầu năm đã mang niềm vui đến cho mỗi ngư dân khi vươn khơi bám biển.
Ngư dân xã Tịnh Kỳ (Quảng Ngãi) chỉ sau một đêm đánh bắt, hàng trăm con tàu đã chở đầy cá cơm tiến vào bờ. Những giỏ cá cơm đầy ắp, cá cơm tươi rói và còn hăng nồng vị biển được mọi người nhanh chóng chuyển vào bờ đưa đi tiêu thụ. Không khí lao động đầu năm làm cho cả vùng biển Tịnh Kỳ trở nên náo nhiệt.
Năm nay ngư dân Quảng Ngãi được mùa cá cơm sớm hơn mọi năm nên ai cũng phấn khởi. Theo lãnh đạo xã Tịnh Kỳ, nhờ được mùa nên từ ngày 24/2 đến nay, hơn 100 tàu cá của ngư dân địa phương đã đánh bắt được 650 tấn cá cơm. Tính ra, với giá bán bình quân từ 12.000 - 16.000 đồng/kg, thì trong mấy ngày qua ngư dân Tịnh Kỳ thu về từ gần chục tỉ đồng.
Anh Võ Lộc ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi là chủ tàu QNg 98091TS, chia sẻ: “Đi biển có mấy ngày đầu năm, đội tàu của tui đánh bắt được 10 tấn cá, trị giá 500 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi người cũng bỏ túi được vài chục triệu đồng”.
Cùng với đánh bắt trên biển khơi, những ngày đầu năm mới này lĩnh vực nuôi trồng thủy sản các địa phương cũng đặc biệt quan tâm. Hiện các tỉnh ven biển miền Bắc và miền Trung đang tập trung chăm sóc diện tích nuôi tôm qua đông chờ thu hoạch và chuẩn bị các điều kiện cho vụ nuôi chính 2015.
Diện tích thả nuôi trong tháng 2 ở các tỉnh ước đạt 142.688 ha, trong đó diện tích tôm sú là 138.872 ha, tôm thẻ chân trắng là 3.816 ha. Một số diện tích đã cho khai thác thì sản lượng thu hoạch đạt 7.771 tấn, trong đó tôm sú đạt 3.642 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 4.128 tấn.
Để mục tiêu tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2015 đạt 3,95 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu thủy sản là 8,5 tỷ USD, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành ven biển phối hợp với UBND các huyện tăng cường công tác chỉ đạo trong nuôi trồng thủy sản, tùy từng điều kiện cụ thể, các địa phương cần đảm bảo kế hoạch thả nuôi tôm nước lợ nhằm hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại do dịch bệnh.
Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn vận động người nuôi ngừng thả giống khi thời tiết bất lợi và không ổn định. Trong trường hợp nhiệt độ xuống thấp dưới 20oC, không khí lạnh tăng cường và bất thường khuyến cáo người nuôi không nên thả giống.
Ngoài ra, phải thường xuyên kiểm tra và quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào thuốc, hóa chất đặc biệt là con giống.
Tôm giống thả nuôi phải được kiểm tra và kiểm dịch, đảm bảo chất lượng, đảm bảo kích cỡ tối thiểu đạt post 15 đối với tôm sú và đạt post 12 đối với tôm chân trắng. Bên cạnh đó, các địa phương cần khuyến cáo người nuôi thực hiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm an toàn trong vùng dịch bệnh.