Một tối ngủ bên cửa cống
Về sau, thấy vị cán bộ xã đó tỏ ý ngại anh mới bảo thẳng: “Tôi là nông dân chẳng lẽ đi cấy lúa mà lại sơ mi quần chùng?”. Một năm có 365 ngày thì phải hơn 300 ngày anh Nguyễn Văn Công - một đại điền ở xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) mặc quần đùi, áo cộc. Hôm họp Câu lạc bộ (CLB) đại điền Hải Phòng, theo quy định buộc phải mặc quần dài, áo sơ mi nhưng vừa về đến nhà là anh đã cởi phăng ra, thay ngay cái quần đùi, áo cộc vào vì cảm thấy vô cùng bí bách, khó chịu.
Buổi ấy, trên cánh đồng tôi gặp chị Phạm Thị Hòa - cán bộ khuyến nông huyện Vĩnh Bảo phụ trách xã. Chị cho biết, Trấn Dương là xã có diện tích lúa lớn nhất nhì huyện với 592ha, đại điền to cấy 40 - 50ha có anh Nguyễn Văn Công, Trần Mạnh Hùng (Chủ tịch CLB đại điền Hải Phòng), đại điền nhỏ cấy 5 - 7ha có cỡ 10 người.
Tuần trước chị cùng với cán bộ BVTV huyện đã về kiểm tra mật độ sâu bệnh, nay lại về tiếp để xem thực tế tình hình để từ đó đưa ra lịch phun thuốc cụ thể ở từng xã, từng vùng. Với những đại điền có diện tích lớn thì đội ngũ cán bộ càng phải bám sát để đồng hành, hỗ trợ làm mô hình, tư vấn lịch thời vụ, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Mọi năm vụ mùa thường phức tạp vì sâu cuốn lá nhưng năm nay lại phức tạp vì sâu đục thân, chúng vũ hóa rải rác, không có lứa lớn, không có đỉnh nên khó quản lý.
Trong khi những ruộng nhỏ lẻ, cấy mạ dược 25 - 30 ngày của dân sâu đục thân rất nhiều, từ đầu vụ tới giờ có nhà 6 - 7 lần phun thuốc thì các đại điền như anh Hùng nhờ cấy mạ khay 10 - 15 ngày cây lúa đã khỏe, phát triển mạnh nên mới chỉ phải phun có 2 lần. Mỗi lần dự báo sâu bệnh chính xác, không phải phun thuốc là anh có thể tiết kiệm được vài chục triệu đồng.
Tối hôm đó tôi xin ngủ lại trong túp lều giữa cánh đồng, cạnh cửa cống cùng với vợ chồng anh Công - nơi đã trở thành mái ấm của họ suốt 5 năm qua dù nhà trong làng chỉ cách chừng 1km. Làm bạn với họ chỉ có 3 con chó. Vừa đặt lưng tí là anh đã ngáy pho pho nhưng lại dễ tỉnh, một đêm dậy đến vài lần để trông nước. Nhiều lúc lụt lội, hai vợ chồng người cầm đèn người đi tháo nước cho ruộng đỡ ngập. Hơn 4 giờ sáng, bên ngoài vẫn còn lờ nhờ tôi đã nghe tiếng anh vừa làm ít lòng lợn đãi khách vừa huýt sáo một cách vui vẻ. Đời đại điền lắm gian lao nhưng cũng nhiều khi tự do, thư thái giữa hương đồng gió nội như vậy.
Cánh đồng của anh kéo đến tận làng, dài cỡ 1,5km, rộng cỡ 100m, trong nắng bình minh đẹp mơ màng và quyến rũ. Trải qua đủ nghề nhưng hồi trẻ không bao giờ anh ngờ rằng mình lại làm ruộng bởi tiếng xuất thân ở nông thôn nhưng là con út, được bố mẹ chiều nên chẳng biết gì về đồng áng cả. Duyên số thế nào, đến khi lấy chị Đặng Thị Liễu - một tay cấy lúa siêu hạng của làng thì anh mới dần quen với việc của nhà nông trồng trọt, nuôi lợn và nấu rượu.
Thấy dân làng Dương Am lác đác bỏ ruộng hoang, anh liền xin với thôn, xã để nhận thầu. Thôn họp hơn 100 hộ lại, tất cả đều đồng tình cho thuê hơn 10ha với giá 20kg thóc/sào. Anh cho san mặt bằng, phá bờ nhỏ làm ruộng lớn, cải tạo lại kênh mương. Lúc đầu sản xuất trên quy mô lớn anh còn bỡ ngỡ nhưng khi tham gia vào CLB đại điền Hải Phòng đã học hỏi được nhiều điều bổ ích.
Cách chỗ anh một con đường có một đại điền khác là ông Đào Trung Tụ - giáo viên nhưng lại đam mê nông nghiệp, nhận thầu 40ha. Tuy nhiên đồng đất chỗ lầy chỗ thụt, máy móc chưa hiện đại, nhà lại xa không làm trực tiếp được mà toàn phải thuê, chi phí cao, năng suất thấp nên toàn thua lỗ.
Làm được 9 năm, khi biết mắc bệnh trọng ông Tụ mới dặn lại vợ dù ai có trả giá cao hơn vẫn hãy để lại 40ha đất lúa cho anh Công bởi đó là chỗ ân tình, có thể tiếp nối ước mơ ruộng đồng còn đang dang dở của mình. Bởi thế có người trả tới 1 tỉ đồng nhưng vợ ông Tụ vẫn nhượng lại 40ha đất lúa cùng khu trường học cũ bỏ không rất tiện làm kho xưởng để máy cày hay rải mạ khay cho anh Công với giá 400 triệu đồng theo dạng trả chậm.
Lúc tôi đến thì ông Tụ đã mất được 2 năm. Anh Công kể, khi tiếp nhận thêm 40ha đất đã cho máy san lại mặt bằng, thiết kế bờ bao, trên đó trồng 400 cây dừa, hàng ngàn cây cọ, cây bàng Đài Loan để sau này bán làm cây công trình. Hiện đất chưa thực sự thuần, vẫn còn bị nhiễm mặn, năng suất lúa không cao nên mỗi năm anh chỉ lãi được trung bình 600 - 700 triệu đồng.
Thử nghiệm mô hình lúa - tép
Nhìn đám rễ si trắng xóa bên cửa cống, anh Công phán đoán chỉ vài ngày nữa sẽ mưa to, kết hợp tình hình thăm lúa thấy sâu cuốn lá đã hơi se đầu nên quyết định sáng đó cho máy bay cất cánh, phun thuốc. Chỉ 1 ngày là nó đã phun xong toàn bộ diện tích, trong khi nếu phun bằng máy cao áp có người kéo dây thì phải mất 3 - 4 ngày.
Năm ngoái anh bắt đầu sản xuất theo chuẩn VietGAP để nhằm mục tiêu làm gạo xuất khẩu và vụ tới sẽ thử nghiệm 12 mẫu lúa - tép (tôm đồng). Vụ trước không chủ ý làm nhưng tép vẫn có nhiều trong ruộng, mỗi ngày anh thả bát quái thu trung bình được 3 - 5kg, có ngày tới 10kg, bán 100.000đ/kg mà người ta tranh nhau mua, đúng như dân gian ví “đắt như tôm tươi”. Thế mà vụ xuân năm nay sau khi anh xử lý 2 lần thuốc diệt ốc bươu vàng, số lượng tép giảm đến 70 - 80%, mãi giờ mới khôi phục được phần nào.
“Gặt xong vụ này là tôi làm, hiện đã xử lý diệt tạp 12 mẫu, chỉ dẫn nước sông Chanh vào là xong bởi trong đó có sẵn giống tép đồng rồi. Tôi đã thả 200 con cá trắm đen xuống dưới mương để cho chúng ăn ốc bươu vàng, không phải dùng thuốc trừ ốc nữa, còn thuốc cỏ thì đã bỏ từ lâu. Để làm lúa - tép tôi sẽ bao bờ cao lên, khơi rãnh trong ruộng, giữ mực nước 20 - 30cm. Mỗi ngày chỉ cần thu 20 - 30kg tép là kiếm được 2 - 3 triệu đồng, có khi còn lãi hơn cả trồng lúa...
Vùng này đất quá trũng, thủy lợi lại chưa điều tiết hợp lý nên năm ngoái tôi chết mất 20 mẫu lúa do nước không thể tiêu được. Tôi không muốn mượn ruộng không của dân mà chỉ muốn thuê để ổn định lâu dài, yên tâm đầu tư mua sắm máy móc. Tuy nhiên đại điền rất cần vốn. Tôi phải cắm mất 3 sổ đỏ của gia đình vay 2 tỉ đồng với mức lãi cao để đầu tư vào ruộng đồng chứ chưa được hỗ trợ vay ưu đãi gì cả. Điều vô lý là chỉ cầm được sổ đỏ thổ cư, còn toàn bộ máy móc như máy cày, máy cấy, máy bay, 50ha đất nông nghiệp đang thuê lại không thể cầm được”, anh Công chia sẻ.
Vừa rồi có công ty đến xin thử nghiệm lắp hệ thống tự lái trên cái máy cấy của đại điền Trần Mạnh Hùng và trên máy cày của đại điền Nguyễn Văn Công. Hiện nó đã biết đi đúng hàng đúng lối, không bỏ chỗ, hiệu quả có thể khẳng định đạt đến 90%. Hệ thống ấy nếu mua sẽ có giá khoảng 90 triệu đồng.