Sáng 10/6, Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Tương lai nào cho người lao động - nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội?” tại hai điểm cầu TP.HCM và Hà Nội, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động các tỉnh, các doanh nghiệp và nhiều chuyên gia.
TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay tình hình lao động khởi sắc, số người có việc làm và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng so với năm ngoái. Đã có sự dịch chuyển lao động một cách tích cực, lao động trong khu vực dịch vụ tăng 39%, công nghiệp và xây dựng tăng 34%. Tình trạng thiếu việc làm giảm so với thời gian trước. Cùng với đó, thu nhập người lao động tăng so với quý trước dù chưa đáng kể, thu nhập bình quân của người lao động khoảng 6,4 triệu đồng/ tháng.
Cũng theo ông Tiến, hiện tỷ lệ doanh nghiệp tham gia BHXH chiếm tỷ trọng rất cao đến 95-97%. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là đối tượng cần đảm bảo an sinh xã hội nhất, cần tham gia BHXH nhất là những người thu nhập thấp, người nghèo thì lại không tham gia.
Bên cạnh đó, người lao động, công nhân lao động có cuộc sống bấp bênh, khó khăn. Dù cơ quan nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động còn chưa được giải quyết như tiền lương thấp, nhà ở khó khăn, an sinh xã hội chưa được đảm bảo...
Một trong những thực trạng đáng lo ngại hiện nay theo ông Tiến, có 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hàng tháng, 36% số công nhân lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh… Bên cạnh đó, công nhân lao động làm việc với cường độ cao, kéo dài nhưng tiền lương không cao. “Thực tế, người công nhân lao động nếu không làm thêm giờ thì không đủ sống, tương lai bấp bênh”, ông Tiến nêu.
Về việc rút BHXH, TS Vũ Minh Tiến cho hay, hàng triệu người lao động dù biết là thiệt thòi về sau nhưng họ bắt buộc phải rút vì cuộc sống trước mắt quá khó khăn. Đồng thời, họ cũng lo sợ chính sách BHXH thay đổi, thiệt thòi hơn về sau. Ông Tiến đề nghị, cần có công tác tuyên truyền đúng đắn cho người dân để hiểu rõ vấn đề này. Các cơ quan chức năng cũng cần thay đổi chính sách để đảm bảo an sinh, việc làm cho người lao động trong thời gian tới.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Lương Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nedic Việt Nam cho rằng, hiện nay người lao động đứng trước tâm lý muốn rút BHXH một lần. Vì vậy, cần nghiên cứu các chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho người lớn tuổi có tham gia BHXH và không tham gia BHXH (nữ 40 tuổi, nam 45 tuổi).
Theo ông Hồng, nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho người lao động khi hết tuổi lao động, các hội nghề nghiệp, Hội Nông dân, Hội phụ nữ có thể nghiên cứu tạo công ăn việc làm dành riêng đối tượng NLĐ lớn tuổi, kể cả NLĐ đủ tuổi hưu, đã nghỉ hưu. “Để họ vừa có công việc vừa sức, vừa không thấy vô dụng, không thấy ngày dài lê thê trôi qua trong buồn chán vừa có thêm chút thu nhập để trang trải cuộc sống được không. Như tham gia trồng hoa lan xuất khẩu, trồng & chăm sóc các loại hoa, rau củ quả; học và làm công việc chăm sóc thú cưng chẳng hạn thuê, nuôi cá, nuôi tôm kiểu vườn ao chuồng, làm bảo vệ, giữ xe các cửa hàng. Nói chung là công việc đặc thù cho đối tượng người lớn tuổi, vừa sức với họ, họ tự nguyện làm”, ông Hồng nói.
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia từ ngày 1/7/2022. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng có nghiên cứu, đánh giá mức sống tối thiểu đảm bảo sự phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, để có tiền lương đủ sống cho người lao động.
“Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tăng cường quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, tránh đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tăng giá, trục lợi. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có nghiên cứu, đề xuất bổ sung thêm chế độ dành cho trẻ em là con của người tham gia bảo hiểm xã hội, để thu hút người lao động tham gia và đảm bảo an sinh khi hết tuổi lao động.
UBND TP.HCM có chỉ đạo Sở Công Thương cùng các tổng công ty bán lẻ lớn TP.HCM tổ chức định kỳ, luân phiên các điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ công nhân lao động tại các Khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các khu nhà trọ đông công nhân lao động”, ông Đô kiến nghị.