| Hotline: 0983.970.780

14 hiệp hội kiến nghị thay đổi định mức chi phí tái chế

Thứ Hai 22/05/2023 , 19:09 (GMT+7)

Tại văn bản gửi Bộ Tài nguyên Môi trường, Hội đồng EPR Quốc gia, VCCI chỉ ra điểm bất hợp lý trong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về định mức chi phí tái chế.

Dự thảo về định mức chi phí tái chế đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng.

Dự thảo về định mức chi phí tái chế đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng.

Văn bản gửi ngày 16/5, được 14 hiệp hội cùng ký gồm:

Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam.

Theo các hiệp hội, dự thảo về định mức chi phí tái chế có nhiều định mức cao bất hợp lý do chưa trừ đi giá trị sản phẩm thu hồi được theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, dữ liệu có nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, định mức chi phí tái chế trong dự thảo đang cao hơn nhiều lần so với mức trung bình của các quốc gia. Tham chiếu được sử dụng trong dự thảo đã bỏ qua những nghiên cứu có định mức thấp hơn.

Trong tài liệu thuyết minh đính kèm dự thảo, định mức chi phí tái chế được tính là giá trị trung bình giữa hai kết quả: Đề xuất của các chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và đề xuất của Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam. Tuy nhiên, hai đề xuất này đang có khoảng cách lớn về các chi phí cấu thành.

Công thức tính định mức chi phí tái chế được đề xuất đã bỏ qua yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp tái chế từ vật liệu tái chế, theo 14 hiệp hội kể trên. Việc xây dựng định mức cao có thể dẫn đến nguy cơ gây tăng giá với nhiều sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, đồng thời khiến người lao động thuộc ngành hàng, người tiêu dùng gặp khó khăn.

Cam kết ủng hộ Bộ Tài nguyên và Môi trường trong các nỗ lực bảo vệ môi trường, cũng như đẩy mạnh việc tái chế sản phẩm, bao bì để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, 14 hiệp hội đưa ra một số kiến nghị.

Về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhóm hiệp hội đề xuất trong hai năm đầu tiên (2024 và 2025), cơ quan quản lý tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng xử phạt, chỉ truy thu khoản nộp thiếu nếu doanh nghiệp kê khai chưa đủ hoặc chưa đúng, trừ trường hợp cố tình không kê khai hoặc cố tình gian lận.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất ở Việt Nam là một chính sách rất mới. Hiện nhiều nước châu Á chưa áp dụng bắt buộc. Việc thực thi cho hàng nghìn loại bao bì, sản phẩm là rất phức tạp, cần hướng dẫn chi tiết.

Ngoài ra, nhiều loại bao bì, sản phẩm ở thị trường nước ta chưa có công nghệ tái chế, chưa có nhà tái chế nên doanh nghiệp không chủ động được giải pháp. 14 hiệp hội cho rằng, nếu áp dụng ngay chế tài xử phạt với mức phạt rất cao sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tổ soạn thảo dự thảo luật nghiên cứu, xem xét cho phép doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức.

Thực tế ở Việt Nam cho thấy, quá trình nghiên cứu giải pháp tái chế phù hợp với điều kiện nước ta có thể mất nhiều thời gian thử nghiệm. Trong thời gian thử nghiệm, thậm chí chưa thể xác định được số lượng được tái chế.

Do đó, các hiệp hội đề xuất có chính sách ưu đãi cho bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế. Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp nói chung sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì, gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phụ thuộc vào nguồn vật liệu nguyên sinh trong sản xuất, tạo đầu ra cho ngành tái chế và giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành tái chế trong bối cảnh hiện tại.

Cuối cùng, 14 hiệp hội đề nghị quy định rõ trách nhiệm tái chế đối với nhà sản xuất phụ tùng là nhà sản xuất, nhập khẩu hay người nắm giữ thương hiệu. Các hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cân nhắc bãi bỏ giới hạn xuất khẩu, đồng thời xác định rõ với bao bì chưa có giải pháp tái chế được tính theo nghĩa vụ xử lý chất thải hay nghĩa vụ tái chế.

Theo Quyết định số 252/QĐ-BTNMT, Hội đồng EPR Quốc gia có nhiệm vụ chính là tư vấn, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tư vấn, giúp Bộ trưởng quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì, thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.