| Hotline: 0983.970.780

14 tỉnh miền núi đã chủ động phương án tránh đói, rét cho trâu bò

Thứ Sáu 22/12/2023 , 06:35 (GMT+7)

14 tỉnh miền núi, trung du đã chủ động phương án chống đói - rét, củng cố chuồng trại, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc để đối phó với nền nhiệt xuống thấp.

Chủ động chống đói, rét cho trâu bò

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, do biến đổi khí hậu, mấy năm gần đây ít giá lạnh, nhiệt độ thấp đối với trâu bò không phải là vấn đề nghiêm trọng. Riêng năm nay có đợt không khí lạnh sâu, vùng miền núi phía Bắc có thể xuống mức 4 - 5 độ C cũng ảnh hưởng tới tình hình chăn thả trâu bò.

Trước tình hình trên, Cục Chăn nuôi đã có văn bản đôn đốc các địa phương chủ động công tác phòng chống đói rét cho trâu bò. Ngay từ tháng 9, Cục đã gửi văn bản tới các Sở NN-PTNT của các tỉnh có đàn nuôi trâu bò lớn chủ động công tác chuẩn bị thức ăn, củng cố chuồng trại, tẩy giun sán cho trâu bò… để chuẩn bị cho mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp.

Người dân tránh rét cho trâu, bò khi nền nhiệt xuống thấp.

Người dân tránh rét cho trâu, bò khi nền nhiệt xuống thấp.

Bên cạnh việc giữ ấm, tránh rét cho đàn nuôi, vấn đề nữa là nguồn thức ăn dự trữ cho trâu, bò, đặc biệt là bê, nghé non… Các Sở cần đôn đốc các cơ sở chăn nuôi sớm chủ động phòng chống nội dung này. Về cơ bản, 14 tỉnh miền núi trung du đã chuẩn bị tốt nội dung này. Đặc biệt các tỉnh giáp biên có thể có băng giá, công tác chuẩn bị được chủ động, sát sao và từ sớm.

Cũng theo ông Chinh, tập quán chăn thả gia súc, trước đây chăn nuôi thả rông trong rừng tương đối phổ biến. Hiện nay, đất rừng đã được giao cho các hộ; ngoài ra, giá trâu bò hiện nay đang ở mức khá cao, con trâu, con bò là một tài sản lớn do đó người nuôi rất quan tâm bảo vệ, tình trạng nuôi thả rông trong rừng là rất hãn hữu.

“Người nuôi đã có ý thức cho gia súc về quây ấm, đảm bảo nhiệt độ giữ cho gia súc. Một số khu vực như Sa Pa (Lào Cai), những đàn trâu chăn thả có người trông buộc phải đuổi từ vùng cao xuống vùng thấp, bổ sung thức ăn, bạt che… để bảo vệ đàn nuôi, đặc biệt những con già và những con non”, ông Chinh cho biết.

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, người nuôi cần cẩn trọng trong công tác phòng chống dịch, nhất là trong các thời điểm giá lạnh, trâu bò giảm sức đề kháng.

“Thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm đã được kiểm soát tốt, tuy nhiên qua việc giám sát chủ động, một số ổ dịch như tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng vẫn còn xuất hiện ở một số nơi, mầm bệnh vẫn tồn tại… Vì vậy, trong điều kiện khí hậu giá rét sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, môi trường trong đàn vật nuôi vẫn còn tồn tại mầm bệnh… do đó nguy cơ dịch bệnh lây lan vào thời điểm cuối năm vẫn là rất cao, đặc biệt thời điểm cận Tết, nhu cầu vận chuyển, tăng đàn tăng cao. Nếu chúng ta không chủ động thực hiện tốt các biện phát phòng chống, giữ ấm, tránh rét cho đàn gia súc gia cầm…, nguy cơ phát sinh bệnh dịch là rất lớn”.

Theo số liệu ước tính của Cục Chăn nuôi, so với cùng kỳ năm 2022, đàn trâu của cả nước là 2,2 triệu con (giảm 1,0%); đàn bò 6,4 triệu con tăng 1,0% tập trung ở 14 tỉnh miền núi, trung du, vùng cao như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Lạng Sơn, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang…

Theo dõi diễn biến của thời tiết

Tại Hà Giang, một trong những địa phương có tổng lượng đàn nuôi trâu, bò số lượng lớn đồng thời có nền nhiệt thấp, lạnh sâu kéo dài do tiếp giáp với vùng biên Trung Quốc, công tác phòng chống đói, rét cho trâu bò đã được chủ động. Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang đã phổ biến các hộ dân vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo; quây bạt kín tránh gió lùa... Khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, tuyệt đối không thả rông đàn trâu ra ngoài trời, chuẩn bị thức ăn dự trữ cho gia súc khi có rét đậm, rét hại kéo dài, đồng thời bổ sung thêm muối để tăng sức chống chịu cho trâu.

Người dân đốt lửa để sưởi ấm cho đàn trâu.

Người dân đốt lửa để sưởi ấm cho đàn trâu.

Bộ NN-PTNT đề nghị các cơ quan chuyên môn cần đánh giá mức độ rủi ro về đợt rét đậm, rét hại, từ đó, từng địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, cây trồng; thông tin kịp thời, thường xuyên về các đợt rét đậm, rét hại để người dân biết, không chủ quan, chủ động phòng, chống cho cây trồng, vật nuôi.

Huyện Hoàng Su Phì có trên 31 nghìn con trâu, bò. Để phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, UBND huyện Hoàng Su Phì đã ban hành văn bản yêu cầu cơ quan chuyên môn huyện, UBND các xã, thị trấn triển khai các biện pháp đảm bảo để đàn vật nuôi phát triển ổn định, hạn chế không để xảy ra chết do đói, rét trong mùa đông 2023 - 2024.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong những ngày tới, thời tiết miền Bắc tiếp tục có rét đậm. Để chủ động phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất, Bộ NN-PTNT khuyến cáo các đơn vị, cơ sở chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Cùng với đó, áp dụng các biện pháp phòng, chống các bệnh liên quan đến mùa rét như cước chân, thường xuyên theo dõi tình hình đàn gia súc, gia cầm; phát hiện kịp thời vật nuôi ốm để cách ly xử lý, thống kê đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn bị thiệt hại.

Bên cạnh đó, các địa phương cần hướng dẫn nông dân che chắn chuồng trại bảo đảm giữ ấm cho gia súc, không thả rông gia súc khi nền nhiệt độ xuống dưới 13 độ C; dự trữ thức ăn thô xanh, bổ sung thức ăn tinh để tăng sức đề kháng cho gia súc, thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi; di chuyển đàn gia súc ra khỏi khu vực núi cao, gia súc thả rông về nơi nuôi nhốt an toàn để tránh rét; không cho trâu bò làm việc, chăn thả tự do khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, nhất là thời điểm rét đậm, rét hại có mưa phùn...

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.