Giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2023 tăng 22%. Giá củ dong riềng tại Bắc Kạn cao kỷ lục. Cà Mau thu 10.000 tỷ đồng mỗi năm từ con cua. Đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền về tiếp cận Một sức khỏe.
Chiều 19/12, Cục Chăn nuôi tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tới dự và chỉ đạo hội nghị. Tính chung trong 11 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 402 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022 và là nhóm lĩnh vực tăng mạnh nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp. Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thịt và phụ phẩm ăn được của gia cầm tăng mạnh, đạt hơn 4.000 tấn, trị giá trên 10,55 triệu USD, tăng 250,5% về lượng và tăng 315,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Cục chăn nuôi phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế giá thức ăn chăn nuôi còn cao. Đồng thời chấn chỉnh và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quản lý đối với mặt hàng này. Thứ trưởng cũng đề nghị Cục chăn nuôi phải tăng cường phối hợp với các đơn vị khác như: Cục thú y, Cục Bảo vệ thực vật… thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển mạnh hơn nữa và từng bước tiến tới tự chủ.
Cuối vụ thu hoạch dong riềng, giá thu mua củ dong tại một số địa phương của tỉnh Bắc Kạn tăng cao kỷ lục. Nếu như đầu vụ giá thu mua chỉ đạt khoảng 1 nghìn 800 đồng/kg, đến giữa vụ đạt 2 nghìn 500 đồng, thời điểm cuối vụ đã tăng đến 2 nghìn 700 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn trồng gần 400ha cây dong riềng, năng suất đạt khoảng 760 tạ/ha, với giá 2 nghìn 500 đồng/kg, một ha có thể thu về khoảng 190 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, người dân có thể lãi khoảng 150 triệu đồng/ha/vụ. Đây là mức lợi nhuận khá cao vì cây dong riềng có thể tận dụng trồng được ở đất soi bãi, đất ven chân đồi hoặc ở vườn nhà. Giá củ dong cao một phần do diện tích trồng sụt giảm mạnh so với những năm trước.
Cà Mau thu 10.000 tỷ đồng mỗi năm từ con cua
Cua biển là một trong những mặt hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh Cà Mau và nổi tiếng khắp cả nước. Với diện tích thả nuôi hàng năm trên 250.000 ha, sản lượng thu hoạch ước 25.000 tấn. Không những làm thực phẩm phục vụ bữa ăn trong gia đình mà cua còn mang lại giá trị trên 10.000 tỷ đồng/năm, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, Chất lượng Cua thương phẩm tốt và số lượng nhiều đã làm nên thương hiệu, thế mạnh của cua Cà Mau. Song để nâng tầm thương hiệu cua Cà Mau, ngành nông nghiệp Cà Mau đang hướng dẫn người dân về phát triển nuôi cua bền vững.
Đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền về tiếp cận Một sức khỏe
Ngày 19/12, tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi, Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Nông nghiệp vì sự phát triển - CIRAD tổ chức Hội thảo Nghiên cứu và khuyến nghị chính sách từ các kết quả nghiên cứu của Dự án nghiên cứu gia cầm Một sức khỏe.
Theo GS. TS. Vũ Đình Tôn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu liên ngành phát triển nông thôn thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Chính sách khi áp dụng thực tiễn trong đời sống thường có độ trễ nhất định. Chính sách càng rộng thì độ trễ lớn càng lớn. Do đó, các nghiên cứu và khuyến nghị cần tập trung vào giải pháp thực hiện gắn với cuộc sống như đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và hướng dẫn kỹ thuật.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng, để thay đổi hành vi trong 3 khâu: sản xuất, phân phối và tiêu dùng, hướng đến tiếp cận Một sức khỏe, thay đổi nhận thức người dân, nhà nước cần quan tâm tới chính sách về tập huấn, đạo tạo và tuyên truyền.