Phóng viên NNVN đã nhập vào đoàn công nhân ở các KCN phía Nam “xuyên Việt” bằng xe khách để lắng nghe những tâm tư, trăn trở và lo toan của họ khi về quê đón Tết cùng gia đình.
Những chuyến xe đày ải
Mỗi công nhân bỏ tiền triệu đi xe nhưng bị ngồi nhét, bị đày ải suốt hành trình. Tuy nhiên, trăm người như một đều an phận rằng: Không có tiền đi máy bay, tàu hoả, xe chất lượng cao nên đành chấp nhận.
48 giờ nín thở
Trong vai một người công nhân về miền Bắc đón tết, tôi ra Bến xe Miền Đông mua vé. Có mặt tại đây những chủ xe bu lấy chào hỏi ngon ngọt: “Anh về đâu, xe tụi em, xe chất lượng cao”. Nghe vậy, tôi cất lời hỏi giá, chưa dứt câu thì một chủ nhà xe đoán được giọng Bắc liền lên tiếng: Về Hà Nội à? 1,3 triệu nhé! Xe ghế ngồi, máy lạnh, chỗ ngồi rộng rãi.
Ra giá xong tôi lên xe T.N, mang biển số 53S-081… xe 45 chỗ. Trên xe đang còn chỗ trống. Tuy nhiên xe vẫn chưa chạy mà đang chờ những hành khách tiếp theo. Vé xe ghi là 8 giờ khởi hành nhưng đến 11 giờ xe mới xuất bến. Trong khoảng thời gian này không ít hành khách bị những tay cò móc tiền trắng trợn với đủ các chiêu. Nào là bán nhẫn bạc, quà lưu niệm, bánh kẹo, nước với giá trên trời… Đặc biệt có hai thanh niên “tận tình” đi phát nước uống cho hành khách. Thấy vậy, không ít người đã mở nước uống, tưởng nhà xe phát miễn phí. Ai dè khi xe bắt đầu lăn bánh thì bị “chém” mỗi lon nước yến 50.000 đồng, nước khoáng 30.000 đồng/chai.
Hành khách mệt mỏi chờ xe Bến xe Miền Đông |
Rời Bến xe Miền Đông, theo QL 13 qua cầu Bình Triệu tiến về QL 1A ra Bắc. Chạy dọc QL 1A, hễ thấy khách là lơ xe vội đu người hẳn ra khỏi xe liên tục vẫy tay: “Về đâu? Về đâu?”. Khách có nhu cầu xe tấp ngay vào lề để đón. Hết lần này đến lần khác nhà xe nhét khách lên. Thấy vậy, có nhiều hành khách có ý định xuống bởi chỗ ngồi đã hết thì được nhà xe trấn an: Chịu khó một tí ra đến Bình Thuận có nhiều người xuống tha hồ chỗ. Đến 14 giờ khi đi hết địa phận Trảng Bom, Đồng Nai, chủ nhà xe đếm người thu tiền trên xe đã có hơn 70 người, chưa kể nhà xe.
Quãng đường ngắn ngủi nhưng cảnh chật chội, ngột ngạt đã khiến hành khách nằm vật vã, có nhiều người không chịu nổi đã nôn thốc, nôn tháo. Chạy ì ạch nhưng chưa qua khỏi Đồng Nai thì xe dừng, hành khách lên tiếng thì chủ nhà cho hay: Ai có nhu cầu đi vệ sinh xuống xe. Xe hỏng thắng, sau 1 giờ đồng thì nhà xe đã khắc phục.
Công nhân hồi hương đón tết |
Quãng đường ngắn ngủi nhưng hành khách với những ánh mắt mệt mỏi, chưa có miếng gì vào bụng. Để trấn an hành khách, chủ nhà xe nói. Khoảng 16 giờ đến quán quen ăn nhé. Tuy nhiên ăn ở đâu, ăn gì... đều được nhà xe lập trình sẵn. Bữa cơm ăn vội nhà xe giục hành khách nhanh lên để kịp ra đến Bình Thuận bốc hàng không trời tối. Tuy nhiên, vừa chạy máy bị tắc dầu, nhà xe dừng lại sửa chữa.
Cứ 2 ghế thì có 3 người ngồi, khi đến đoạn phường Phú Hải, Phan Thiết, Bình Thuận, xe dừng lại tấp vào lề đường để chất hàng lên. Lối đi, gầm, mái xe, chất đống thanh long cao ngút. Ngoài thanh long, trên xe còn bao nhiêu hàng hoá bốc mùi hôi thối. Một hành khách tỏ vẻ khó chịu: “Xe đã quá chật chội rồi còn nhồi thêm nữa à”. Nhưng nhà xe vẫn im lặng.
Chiếc xe “gắn bó” 48 giờ đồng hồ về Hà Nội nhét thêm hàng hoá |
Tiếp tục hành trình đến 21 giờ khi lốp sau bị hỏng, xe dừng lại ở Ba Ngòi (Cam Ranh, Khánh Hoà) thay lốp, đồng thời sửa máy bị tắc dầu. Chờ hơn 1 tiếng đồng hồ thấy vẫn chưa sửa xong, lúc này hành khách chạy tứ tung kiếm quán ăn. Đến 23 giờ đêm xe nổ máy được. Trong đêm tối, để kịp hành trình tài xế bắt đầu tăng tốc. Ổ gà, ổ voi xóc lên ngồi xuống cùng nhiều loại hàng hoá nhưng ai cũng cố chợp mắt cho chặng đường tiếp.
Sáng hôm sau khi đến quán cơm Bích Hạnh, Hoài Đức, Hoài Nhân, Bình Định nhà xe cho khách ăn sáng. Bữa sáng vội vã nhà xe bóp còi inh ỏi giục khách lên để tiếp tục. Chạy từ 7 giờ sáng cho đến đến 14h thì nhà xe ghé vào quán cơm ở Phong Thu (Phong Điền, Thừa Thiên- Huế) để “nạp” năng lượng. Đây là khoảng thời gian quý giá nhất mà hành khách có được để thoát khỏi “cực hình” bị nhồi nhét và được ăn uống. Chủ nhà xe lên tiếng, đây là bữa cơm cuối cùng để về Hà Nội, ăn no vào nhé.
Hành khách chen chỗ ngồi với hàng hoá |
Với chặng đường hơn 1.700 km, chúng tôi chứng kiến 13 chốt chặn cảnh sát giao thông qua các tỉnh thành. Tại đây, công an ra lệnh dừng xe kiểm tra. Trong đó, có một số tỉnh lực lượng cảnh sát giao thông lên xe kiểm tra. Lạ thay, khách bị nhồi nhét, hàng hoá chất đầy nhưng được giải quyết "cho đi" rất nhanh chóng. |
Trong đêm tối xe bị cấm vào thành phố. Tuy nhiên xe khách này ngang nhiên chạy qua TP Hà Tĩnh để cho hàng xuống. Sáng sớm hôm sau lại dừng tại Phủ Lý, Hà Nam. Và chặng đường 48 giờ “gắn bó” với xe T.N, đúng 9 giờ sáng dừng lại ở bãi trông giữ xe 86 hầm cầu Pháp Vân, Hà Nội.
Chẹt khách lấy tiền
Trên chặng đường Sài Gòn - Hà Nội đã không ít hành khách bị nhà xe bắt nạt thu thêm tiền. Ngồi cạnh tôi có Dương, công nhân ở KCN Biên Hoà 1, Đồng Nai, quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Anh đón xe ở ngã ba Tam Hiệp, Biên Hoà. Ban đầu với mức giá 1,1 triệu đồng. Tuy phải ngồi ở lối đi nhưng khi lên xe bị lơ xe hù doạ lấy thêm 300.000 đồng.
Những quán cơm được nhà lập trình sẳn. Ăn gì, ở đâu nhà xe định đoạt |
Khác với Hùng, trên xe có nhiều hành khác về các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng… với giá 1,8 triệu. Ra giá, thoả thuận, đến Hà Nội chủ nhà xe sẽ liên hệ sang xe khác tiếp tục chặng đường. Tuy nhiên khi đáp bãi thì nhà xe bỏ mặc. Lúc này đã biết mình bị lừa, đành ngậm ngùi bắt xe ôm ra bến Giáp Bát tiếp tục hành trình.
Anh Trần Văn Toàn, một công nhân khác đi trên xe, bức xúc: “Trước khi ra mua vé xe về Cao Bằng thì không còn chuyến nào nữa. Tôi được nhà xe hứa khi ra đến Hà Nội sẽ lo cho xe về Cao Bằng với giá 1,8 triệu. Tin lời, tôi lên xe ai ngờ gặp bọn lừa đảo”. Ngậm ngùi mất tiền oan, anh Toàn lại thêm một tăng xe ôm ra bến để hành trình về quê.
Bị nhà xe bỏ rơi, không biết đường đi, tôi chỉ đường cho Toàn ra bến. Trước khi chia tay anh tâm sự: “Qua tết rồi tôi không biết làm thế nào để vào TP Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc, bởi chắc chắn hành trình từ Bắc trở vào Nam sẽ có nhiều gian truân hơn như thế này. Máy bay, tàu hoả thì không có tiền mà mua. Đến lúc nào những người nghèo như chúng tôi có được những chuyến xe khách bình yên về quê trong dịp Tết!”.