| Hotline: 0983.970.780

24 giờ ở chốt bảo vệ vựa heo lớn nhất miền Trung

Thứ Hai 25/03/2019 , 08:36 (GMT+7)

Không khí phòng chống dịch ở huyện Hoài Ân (Bình Định), địa phương được mệnh danh là vựa heo của miền Trung nóng hổi cả ngày lẫn đêm, nhằm bảo vệ đàn heo hơn 230.000 con trên địa bàn.

Tôi trải qua 1 ngày 1 đêm bám trụ tại chốt chặn dịch Du Tự nằm trên địa bàn thị trấn Tăng Bạt Hổ, cửa ngõ đi vào huyện Hoài Ân.
 

Hít bụi ngày đêm

Chốt kiểm soát phòng dịch bệnh động vật Du Tự được đặt ngay dưới cổng chào, cửa ngõ đi vào trung tâm huyện Hoài Ân, bên lề đường ĐT 630. Bên trong lán trại dựng tạm là 3 chiếc giường xếp và 2 chiếc quạt máy để xua bớt oi bức phòng khi trời đứng gió. Mùa này thời tiết ở Bình Định nóng bức kinh khủng, vậy mà các chiến sĩ công an và cán bộ thú y trực chốt cứ phải ngồi cả ngày lẫn đêm bên lề đường để không bỏ sót phương tiện xe tải nào vào ra địa bàn mà không được kiểm soát.

Anh Trần Ngọc Đông, cán bộ thú y thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, người trực chốt Du Tự suốt ngày và đêm 23/3, tâm sự: “Chốt Du Tự thường xuyên có mặt 1 cán bộ thú y và 2 chiến sĩ công an huyện trực chiến 24/24. Anh em cả ngày lẫn đêm cứ ngồi hít bụi để kiểm soát những xe tải chở động vật ra vào địa bàn huyện.

11-05-36_1
Cán bộ thú y Trần Ngọc Đông niêm phong xe chở heo đi ra ngoài địa bàn

Xe chở heo đi tiêu thụ thì kiểm ra truy xuất nguồn gốc, niêm phong xe, rồi cho đi. Đáng quan ngại nhất là những xe chở heo đi tiêu thụ ở các tỉnh ngoài quay về lại địa phương, có nguy cơ mang mầm bệnh, chúng phải được phun thuốc sát trùng kỹ càng trước khi vào huyện. Cả ngày đêm đôi mắt tôi cứ “ăn” thuốc sát trùng nên xay xè”.

Cùng trực với anh Đông còn có 2 chiến sĩ công an Tạ Đức Việt và Lê Lai. Cả 2 còn rất trẻ, đồng tuổi 25, đều chưa vợ. Đang tuổi ăn tuổi ngủ mà cả ngày lẫn đêm cứ chong mắt theo dõi những chiếc xe tải ra vào địa bàn suốt gần 20 ngày qua nên những gương mặt non choẹt đã trở nên héo hắt.

Qua quan sát tôi thấy, không chỉ những xe tải chuyên dụng chở heo, mà bất cứ xe tải chở hàng nào đi vào địa bàn huyện, chiến sĩ Tạ Đức Việt cũng tuýt còi ra hiệu tạm dừng để kiểm tra. Việt còn leo hẳn lên những chiếc xe tải kín thùng để kiểm tra xe có chở heo vào địa bàn hay không.

11-05-36_2
Phun thuốc khử trùng xe chở heo tiêu thụ xong quay về địa bàn

“Giờ heo giống đang hạ giá, nhiều người dân địa phương mua heo giống từ các địa phương khác về thả nuôi chờ thời. Tại thời điểm này, toàn bộ heo nhập vào địa phương phải được truy xuất nguồn gốc chặt chẽ, do đó, thương lái không sử dụng xe chuyên dụng để chở heo, mà thuê những chiếc xe tải chở hàng, bỏ heo vào thùng kín để “né” sự kiểm soát của ngành chức năng. Do vậy, chúng tôi không bỏ sót 1 xe tải nào đi vào địa bàn huyện mà không được kiểm soát”, Việt cho hay.

Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, từ 4 giờ đến 6 giờ chiều ngày 23/3, tôi thấy cán bộ thú y Trần Ngọc Đông xử lý đến vài chục chiếc xe tải qua lại chốt Du Tự. Vừa phun thuốc khử trùng cho xe này xong, mới rửa tay thì xe khác đã đến, Đông lại phải xách bình phun lên tay tiếp tục nhiệm vụ. 6g30 chiều tôi và anh em trực cốt Du Tự mới được ngồi vào bàn ăn.

Bữa ăn của anh Đông và các chiến sĩ công an cứ bị đứt đoạn bởi những chiếc xe tải chở heo đi tiêu thụ quay về địa phương qua chốt liên tục. Nhiều tài xế xe tự giác dừng xe ngay tại chốt, tự động đến lấy bình phun thuốc khử trùng cho xe của mình.
 

Không chỉ chặn dịch… 

Không khí phòng chống dịch tả lợn châu Phi không chỉ nóng rực ở chốt Du Tự, mà cả 3 chốt kiểm soát phòng bệnh động vật còn lại của huyện Hoài Ân đều như thế. Từ ngày dịch tả lợn châu Phi hoành hành tại nhiều địa phương ở miền Bắc, để bảo vệ đàn heo hơn 230.000 con, huyện Hoài Ân đã lập 4 chốt chặn “bao vây” 4 cửa ngõ đi vào huyện nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập đàn heo trên địa bàn.

11-05-36_3
Cả những chiếc xe máy chở heo vào địa bàn cũng được kiểm soát kỹ càng và được phun thuốc khử trùng

“Anh em trực các chốt xác định nhiệm vụ là không chỉ chặn dịch, mà là còn để bảo vệ cuộc sống của người chăn nuôi trên địa bàn. Bởi ngoài làm nông nghiệp, gần 2.000 hộ ở Hoài Ân đều lấy chăn nuôi heo làm nguồn thu nhập chính. Nếu đàn heo của địa phương bị dịch tả lợn châu Phi “tiêu diệt”, đồng nghĩa gần 2.000 hộ dân lâm cảnh khốn đốn. Đó là chưa kể trên địa bàn còn có 21 trang trại nuôi heo quy mô vài ngàn con/trang trại, trong đó có 3 trang trại nuôi heo công nghệ cao”, ông Nguyễn Thanh Vương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, cho hay.

Về đêm, xe tải qua lại chốt Du Tự vắng dần. Nhân lúc rảnh rổi, chiến sĩ công an Tạ Đức Việt ngồi “ôm” chiếc điện thoại nhắn tin cho người thân. Việt quê ở thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) công tác tại Công an huyện Hoài Ân. Tay cầm điện thoại mà đôi mắt Việt không ngừng ngước lên quan sát mỗi khi có tiếng xe vang lên từ xa.

Thấy tôi đang quan sát anh, chàng trai 25 tuổi vui vẻ bắt chuyện: “Từ khi trực chốt em chả được mấy khi về quê thăm người yêu, những tình cảm yêu thương đành nhờ qua chiếc điện thoại. Cô ấy cũng thấu hiểu cho nhiệm vụ cấp bách của em nên thông cảm, không phàn nàn gì”.

11-05-36_4
Chiến sĩ công an Tạ Đức Việt leo lên chiếc xa tải kín thùng đi vào địa bàn kiểm tra có vận chuyển heo hay không

Nhìn gương mặt trẻ trung mà hốc hác của Việt, tôi hỏi mấy chục ngày qua ăn ngủ ra sao mà thần sắc của em trông tệ hại đến vậy. Việt bộc bạch: “Cả ngày đứng ngoài trời, nắng gió táp vào mặt. Những ngày đầu anh em trực chốt đều ăn cơm hộp. Trời nắng nóng hừng hực mà ăn cơm hộp riết nuốt cũng không vô. Đêm đến thì gần như thức trắng canh xe, đến lúc mỏi lưng ngồi không nổi nữa thì ghé tạm lưng xuống chiếc giường xếp nằm lơ mơ, khi nghe có tiếng xe tải là phải ngóc đầu dậy kiểm tra. 1 ngày nghỉ 1 ngày trực, cứ như thế kéo dài suốt gần 20 ngày qua thì làm sao mà không hốc hác. Những ngày gần đây nhờ có chị Nguyễn Thị Én, cán bộ thú y khu phố Du Tự nấu dùm cơm nên anh em mới có những bữa cơm chất lượng”.

Nhiệm vụ của cán bộ thú y Trần Ngọc Đông, người chưa 1 ngày vắng mặt tại chốt Du Tự suốt 20 ngày qua còn nặng nề hơn, sau 1 ngày 1 đêm trực chốt, mới 5 giờ sáng hôm sau anh lại phải dong xe máy vượt 10km chạy về chợ Lộc Giang ở xã Ân Tường Đông để làm nhiệm vụ kiểm soát giết mổ. Ngày nào cũng vậy. Qua 1 ngày đêm “bám” chốt Du Tự, tôi cảm nhận được tinh thần chống dịch ở Hoài Ân, vựa heo của miền Trung, cao đến dường nào. Công suất làm việc của mỗi người trong những ngày này đều vượt nhiều lần so với bình thường.

11-05-36_5
Đang đêm có xe chở động vật vào địa bàn cũng được kiểm tra và phun thuốc khử trùng
“Hoài Ân đang đề xuất tỉnh cho xây dựng Trung tâm mua bán động vật tại vùng đất gò Cây Trôi nằm trên địa bàn thôn An Hậu, xã Ân Phong. Sở NN-PTNT, Sở KH-ĐT, Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở TN-MT đã về làm việc với UBND huyện và thống nhất đề xuất UBND tỉnh phê duyệt dự án. Được như vậy thì Hoài Ân sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, nhất là khi có dịch bệnh xảy ra như hiện nay”, ông Nguyễn Thanh Vương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm