| Hotline: 0983.970.780

25 năm mòn mỏi chờ sổ đỏ

Thứ Hai 08/05/2023 , 14:31 (GMT+7)

Sau hàng chục năm chuyển vể khu tái định cư để nhường đất cho dự án nhà máy lọc dầu, người dân Quảng Ngãi vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau 25 năm, cuộc sống của người dân ở vùng tái định cư Gò Đường (xã Bình Thanh, Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã dần ổn định. Ảnh: L.K.

Sau 25 năm, cuộc sống của người dân ở vùng tái định cư Gò Đường (xã Bình Thanh, Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã dần ổn định. Ảnh: L.K.

Năm 1998, để chuẩn bị quỹ đất cho việc xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hơn 300 hộ dân ở xã Bình Trị (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã phải di dời đến khu tái định cư mới ở xóm Gò Đường (xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn). Đến nay đã 25 năm trôi qua, cuộc sống của những hộ dân này đã từng bước được ổn định. Tuy nhiên, nhiều hộ dân tại đây đang rất bức xúc khi đến nay họ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất (sổ đỏ) đối với mảnh đất mà họ được bố trí tái định cư.

Ông Nguyễn Đại (74 tuổi, trú thôn An Vân, xã Bình Thanh) cho biết, trước đây gia đình ông ở thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị. Năm 1998, ông đã nhường hơn 600m2 đất ở cho dự án Nhà máy lọc dầu và di dời đến khu tái định cư ở thôn An Vân. Tại đây, gia đình ông Đại được bố trí 400m2 đất ở. Cách đây 5 năm, chính quyền địa phương thông báo cho những hộ dân vùng tái định cư nhận sổ đỏ. Thế nhưng khi đến nơi thì ông bất ngờ khi thấy tên mình không có trong danh sách nhận sổ.

“Thấy họ có hết mà tôi không có thì cũng rất bức xúc. Không chỉ có nhà tôi mà còn nhiều hộ khác cũng như vậy. Trong khi đó, chúng tôi cũng đã nộp tiền sử dụng đất hết gần 4 triệu. Đến nay, tôi vẫn chưa nhận được sổ đỏ mà cũng không biết hỏi ai cả. Việc không có sổ đỏ như thế cũng khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn. Đứa con gái tôi cần tiền để xây nhà mà không có sổ đỏ thế chấp vay nên đành chịu”, ông Đại nói.

Ông Nguyễn Đại bức xúc vì đến nay đã qua hàng chục năm mà gia đình ông vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: L.K.

Ông Nguyễn Đại bức xúc vì đến nay đã qua hàng chục năm mà gia đình ông vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: L.K.

Theo bà con ở vùng tái định cư xã Bình Thanh, trước thông tin xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất được xây dựng ở địa phương, họ đều sẵn sàng nhường đất, góp sức cho sự phát triển của kinh tế chung của tỉnh. Nhưng khi chuyển đến nơi ở mới thì lại lâm vào tình cảnh “ở lậu” trên mảnh đất mà mình được Nhà nước cấp để tái định cư. Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, những quyền lợi cơ bản của họ cũng bị ảnh hưởng, không có cách nào thế chấp, vay vốn làm ăn.

Bà Phạm Thị Nghĩa (71 tuổi, trú xã Bình Thanh) cũng ở trong cảnh mỏi mòn chờ sổ đỏ sau quá nhiều lần ngược xuôi làm các thủ tục. Theo bà Nghĩa, 25 năm trước, gia đình bà khăn gói rời quê hương đến khu tái định cư. Vợ chồng bà được bố trí 1 lô, ba mẹ ruột của bà 1 lô đất ở. Đến năm 2001, ba mẹ bà lần lượt qua đời mà vẫn chưa có sổ đỏ. Cách đây khoảng 5 - 6 năm, theo danh sách bà Nghĩa được nhận sổ đỏ, nhưng lô đất của ba mẹ bà lại không có.

“Tôi là con gái duy nhất nên là người thừa kế, nhưng khi lên hỏi thì phía chính quyền yêu cầu tôi đi tìm mồ mả của ông bà nội, ông bà ngoại để làm các loại giấy tờ. Tôi tuổi cao sức yếu mà lại thấy thủ tục rắc rối, mệt mỏi quá, 2 năm nay tôi bỏ luôn. Khu đất của ba mẹ tôi đang để cho con trai lớn ở. Ngày tôi cùng gia đình vào đây, nó chưa lập gia đình, bây giờ nó có cháu nội rồi mà đất vẫn chưa được sở hữu hợp pháp”, bà Nghĩa thở dài.

Người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi được cấp sổ đổ trên mảnh đất mình được bố trí tái định cư. Ảnh: L.K.

Người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi được cấp sổ đổ trên mảnh đất mình được bố trí tái định cư. Ảnh: L.K.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh cho rằng, trong số hơn 300 hộ dân thuộc diện di dời nhường đất xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất thì đến nay có 12 hộ chưa thể nhận sổ đỏ. Nguyên nhân là do hồ sơ tái định cư, hồ sơ đền bù hay quyết định giao đất không còn lưu trữ tại cơ quan các cấp.

“Hồ sơ bị thất lạc, lỗi chính thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Chính quyền xã cũng nhiều lần đề nghị để có hướng giải quyết thoả đáng cho các hộ dân này. Không có sổ đỏ nên việc tách thửa, chuyển đổi hay thế chấp của các hộ dân trên gặp rất nhiều khó khăn. Trong thẩm quyền, xã sẽ cố gắng hết sức để bà con được hưởng quyền lợi của mình”, ông Đông thừa nhận.

Ông Ung Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn chia sẻ với những khó khăn của người dân và cho rằng, yêu cầu được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất của người dân là chính đáng. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn yêu cầu các đơn vị Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường... và UBND xã Bình Thanh phải thực hiện lập biên bản, họp khu dân cư xác định đúng đối tượng, đúng thời điểm được cấp đất tái định cư, nguồn gốc đối tượng sử dụng đất, thừa kế sử dụng đất để tiến hành giải quyết hồ sơ đúng quy định.

“Huyện đã tổ chức họp và có kết luận chỉ đạo phải giải quyết kiến nghị chính đáng của hộ dân từ tháng 4/2022. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân đến nay vẫn chưa làm xong. Tinh thần là sẽ giải quyết chậm nhất vào cuối tháng 5/2023. Riêng với những trường hợp có hồ sơ kéo dài thì các đơn vị của huyện có trách nhiệm xin gia hạn thời gian hoàn thành, báo cáo UBND huyện”, ông Hiền nói.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.