Bộ Y tế cho biết lô vacxin phòng Covid-19 AstraZeneca thứ 4 với số lượng 288.000 liều đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất khuya ngày 25/5. Đây là lô vacxin thứ 2 do Bộ Y tế đặt mua thông qua VNVC và lô vacxin Covid-19 của AstraZeneca thứ 4 về tới Việt Nam. Hiện lô vacxin này đang được bảo quản lạnh và sẽ thông quan vào sáng nay 26/5.
Như vậy, đến nay đã có 4 lô vacxin AstraZeneca về tới Việt Nam với tổng gần 2,9 triệu liều. Lô đầu tiên gồm 117.600 liều về ngày 24/2, lô thứ 2 của Chương trình COVAX về ngày 1/4 với 811.200 liều, lô thứ 3 của COVAX về ngày 16/5 với 1,682 triệu liều và lô mới nhất 288.000 liều.
Việt Nam chính thức triển khai tiêm chủng vacxin ngừa Covid-19 từ ngày 8/3. Tính đến 16 giờ ngày 25/5, nước ta đã thực hiện tiêm vacxin phòng Covid-19 được hơn 1 triệu liều cho các đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ, gồm cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội… Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vacxin phòng Covid-19 là 28.503 người.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty để sớm tiếp cận được các nguồn vacxin. Đến nay, Bộ Y tế đã đàm phán thành công với AstraZeneca, với Pfizer/BioNTech, với COVAX Facility - một cơ chế chia sẻ vacxin cho toàn cầu. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vacxin phòng Covid-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.
Dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vacxin phòng Covid-19. Trong số này có 38,9 triệu liều vacxin từ Chương trình COVAX, 30 triệu liều từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.
Mục tiêu của Bộ Y tế là đến cuối năm có đủ 150 triệu liều vacxin Covid-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc tiêm vacxin chỉ là một trong những biện pháp phòng ngừa Covid-19, người được tiêm cũng cần hiểu rõ, vacxin không có tác dụng phòng ngừa 100%.
Theo TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tổng hợp các thử nghiệm lâm sàng trên thế giới cũng như thực tế sử dụng tiêm vacxin ngừa Covid-19 trên thế giới, đã có những đánh giá hiệu lực của vacxin sau tiêm.
Theo đó, sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả phòng các thể của Covid-19 đạt mức 50-70% và hiệu quả này vẫn giữ ở mức như vậy chứ không giảm ngay trong vòng 3 tháng sau tiêm liều 1. Ở liều thứ 2, với nhiều khoảng cách tiêm khác nhau được ghi nhận đã cho thấy thời điểm tiêm tối ưu nhất ở khoảng cách 3 tháng sau mũi thứ nhất, và ở khoảng cách tiêm này, hiệu quả bảo vệ lên tới trên 80%. Ở những khoảng cách ngắn hơn dưới 3 tháng, hiệu quả thấp dần và thấp nhất ở liều tiêu chuẩn (2 mũi cách nhau 1 tháng).
TS.BS Phạm Quang Thái nhấn mạnh, việc tiêm vacxin Covid-19 hay bất cứ vacxin nào, tỷ lệ bảo vệ cũng không thể đạt 100%. Đặc biệt, điều này liên quan tới vấn đề phòng nhiễm bệnh. Thực tế tiêm chủng nhiều năm qua ở Việt Nam cũng như thế giới đã cho thấy, rất nhiều trường hợp được ghi nhận bị nhiễm virus sau khi tiêm vacxin, nhất là khi mới chỉ tiêm 1 mũi.
Theo TS.BS Phạm Quang Thái, do không thể bảo đảm phòng nhiễm virus 100%, người được tiêm vẫn có thể nhiễm và là nguồn lây cho những người khác. Bởi vậy, sau khi tiêm vacxin, kể cả mũi 1 lẫn đủ 2 mũi, người được tiêm vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
Với Covid-19 hiện nay, đó là các biện pháp “5K” của Bộ Y tế (đeo khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế).