| Hotline: 0983.970.780

30 năm Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương: Cánh chim đầu đàn của Viện Chăn nuôi

Thứ Tư 04/12/2019 , 08:58 (GMT+7)

Trải qua nhiều khó khăn do thị trường, dịch bệnh, cơ chế, chính sách thay đổi, song Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương luôn duy trì sự ổn định xuyên suốt 30 năm qua, luôn là cánh chim đầu đàn của Viện Chăn nuôi.

09-52-16_trung_tm_nghien_cuu_gi_cm_thuy_phuong
Sau 30 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương sở hữu cơ sở vật chất bề thế, hiện đại.


Lịch sử tự hào

Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương thành lập theo Quyết định số 47NN-TCCB-QĐ ngày 17/2/1989 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ NN-PTNT) trên cơ sở sáp nhập Bộ môn nghiên cứu chăn nuôi gia cầm và Trại Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương thuộc Viện Chăn nuôi.

Trong chặng đường 30 năm không ngừng nỗ lực, phấn đấu, cơ sở vật chất của Trung tâm ngày càng được mở rộng, nâng cấp quy mô bề thế. Năm 1989 Trung tâm chỉ được giao quản lý và sử dụng một cơ sở nghiên cứu, nuôi giữ, sản xuất giống 5,7ha tại xã Thụy Phương (nay là phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với quy mô 5.600 m2 chuồng trại.

Đến nay, Trung tâm mở rộng thêm 5 cơ sở với tổng diện tích 237ha từ Bắc vào Nam. Trong đó 4 cơ sở đã được đầu tư xây chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi hiện đại, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nhiều năm tiếp theo.

Trong 30 năm hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương được Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học - công nghệ và các địa phương giao nhiệm vụ chủ trì, thực hiện và phối hợp thực hiện 103 đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm.

Đó là 24 đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước, 11 dự án hợp tác quốc tế, 11 dự án nông thôn miền núi, 42 đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ và phối hợp cấp ngành, 15 đề tài dự án cấp địa phương, thuộc các lĩnh vực nghiên cứu: di truyền chọn giống, dinh dưỡng thức ăn, ấp trứng, thú y phòng bệnh, vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Ngoài ra còn thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu cơ sở phục sản xuất, đào tạo nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đại học.

Các kết quả nghiên cứu khoa học của Trung tâm đều được kết tinh vào sản phẩm và chuyển giao ứng dụng vào sản xuất. Trong số các đề tài, dự án đã được nghiệm thu, có 37 sản phẩm nghiên cứu là các giống gà, giống vịt, giống ngan, giống đà điểu, chim bồ câu và các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, thú y phòng bệnh, ấp trứng được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật, công nhận giống mới.

09-52-16_nguon_gen_cc_giong_g_long_mu_bn_di_cu_thuy_phuong_d_dng_phong_phu_hng_du_viet_nm_hien_ny
Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương hiện sở hữu nguồn gen gà lông màu bản địa phong phú, đa dạng hàng đầu Việt Nam.

Trong những năm qua, cùng với nghiên cứu khoa học, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thông qua các Dự án khuyến nông. Trung tâm đã tổ chức các lớp đào tạo tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cho hàng nghìn lượt bà con nông dân trên khắp các vùng sinh thái trong cả nước.

Số lượng gia cầm chuyển giao ra sản xuất hàng năm có trên 350.000 gà giống bố mẹ để từ đó sản xuất ra 40 triệu gà thương phẩm. Hơn 120.000 ngan bố mẹ, từ đó sản xuất ra 10 triệu ngan thương phẩm. 150.000 vịt bố mẹ từ đó sản xuất ra khoảng 15 triệu con thương phẩm.
 

Đổi mới tự chủ

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, ông Nguyễn Quý Khiêm chia sẻ, kế thừa, phát huy thế mạnh con người, cơ sở vật chất, nguồn gen tích lũy được trong 30 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương thời gian tới đặt mục tiêu tập trung phát triển đội ngũ cán bộ quản lý năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên sâu, hăng say và trách nhiệm, đồng thời kiện toàn bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả.

Cũng theo ông Nguyễn Quý Khiêm, phát triển công tác nghiên cứu khoa học, giải quyết những vấn đề thực tiễn của sản xuất đặt ra, tạo ra những sản phẩm công nghệ mang tính cạnh tranh cao, từ đó nâng cao thương hiệu uy tín của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương cũng là nội dung trọng tâm trong giai đoạn tới.

“Mục tiêu quan trọng của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương trong giai đoạn tới là từng bước trở thành đơn vị sự nghiệp khoa học công lập tự chủ về kinh phí hoạt động, có năng lực nghiên cứu, sản xuất tiên tiến, ngang tầm khu vực. Sản phẩm giống gia cầm có năng suất, chất lượng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh trạnh trên thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu”, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Quý Khiêm nhấn mạnh.

Ngoài ra, phát triển Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương trên cơ sở củng cố điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị nghiên cứu và phục vụ sản xuất từng bước hiện đại hóa và tự động hóa cao là chiến lược phát triển dài hơi bền vững của đơn vị.

Về những đóng góp của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương với ngành chăn nuôi gia cầm của nước nhà, TS Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam nhấn mạnh, 30 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm đã có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành chăn nuôi Việt Nam và trở thành một trong các trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống gia cầm hàng đầu của cả nước, cánh chim đầu đàn của Viện Chăn nuôi.

TS Nguyễn Thanh Sơn tâm sự, chính từ nơi đây, với sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ khoa học, công nhân kỹ thuật qua các thời kỳ, đã chọn lọc, lai tạo tạo được hơn 20 dòng, giống gà, vịt, ngan, bồ câu và đà điểu có năng suất, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Có thể kể tên một số giống gia cầm nổi bật mà Trung tâm đã chọn tạo thành công và hàng năm cung cấp hàng chục triệu con giống cho các doanh nghiệp và hộ nông dân chăn nuôi trong cả nướ như: Gà TP1, TP2, TP3; LV1, LV2, LV3; TN1, TN2; HA1, HA2. Về giống vịt có các dòng SM3, CT1, CT2, CT3, CT4. Về giống ngan có SV, V7... đều là các giống gia cầm chủ lực của Việt Nam đang được chăn nuôi phổ biến.

Phát huy những thành tích đã đạt được trong 30 năm qua, TS Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương cần tiếp tục phấn đấu, đi tắt đón đầu ứng dụng công nghệ và kỹ thuật hiện đại trong nghiên cứu và sản xuất.

Trong đó, cần tập trung vào các nội dung trọng tâm như chọn tạo giống, bên cạnh các phương pháp truyền thống, đi sâu ứng dụng công nghệ chuyển gen, chỉnh sửa gen để chọn tạo nhiều dòng giống gia cầm có đặc tính tốt, năng suất và chất lượng cao hơn, rút ngắn thời gian nghiên cứu.

Về lĩnh vực dinh dưỡng, tập trung nghiên cứu các khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng với giá thành thấp, nghiên cứu các loại khẩu phần ăn cho các giống đặc thù để tạo ra các các sản phẩm gia cầm có chất lượng hơn, tốt cho sức khỏe con người.

09-52-16_cc_giong_vit_ngn_nhp_ngoi_trung_tm_nghien_cuu_gi_cm_thuy_phuong_cung_cp_deu_thuoc_top_co_nng_sut_cht_luong_hng_du_thi_truong
Các giống ngan, vịt nhập ngoại Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương cung cấp ra thị trường đều sở hữu năng suất, chất lượng vượt trội.

Về các quy trình công nghệ chăn nuôi, Trung tâm cần đi tiên phong trong việc nghiên cứu và khuyến cáo các quy trình công nghệ phù hợp với các phương thức, quy mô chăn nuôi khác nhau, nhất là chăn nuôi hữu cơ, giảm sử dụng kháng sinh, chế độ nuôi bảo đảm đối xử nhân đạo với động vật phù hợp với xu thế thời đại chăn nuôi văn minh.

Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương là đơn vị đầu tiên nghiên cứu thành công công nghệ ấp trứng nhân tạo, quy trình chăn nuôi đà điểu và đến nay đà điểu trở thành vật nuôi hàng hóa phổ biến tại nhiều vùng miền. Với những đóng góp quan trọng đó, Trung tâm đã nhận được nhiều giải thưởng của các tổ chức trong nước và quốc tế, trở thành địa chỉ tin cậy của bà con nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi trong cả nước.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.