Ngày 11/4, Đoàn công tác của Cục Thủy lợi đã có buổi khảo sát, làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông về công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2023-2024.
31 công trình khô nước
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, đến thời điểm hiện tại, địa phương có 31 công trình thủy lợi đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước. Trong đó, huyện Đắk Mil có 17 công trình; huyện Krông Nô có 3 công trình; huyện Đắk Song 3 công trình; huyện Đắk R’lấp 3 công trình và huyện Tuy Đức 5 công trình. Riêng nguồn nước trên các sông suối mùa khô năm 2024 giảm nhanh theo thời gian, hiện tại nhiều sông suối đã cạn kiệt nguồn nước.
Nhiều khu vực đã xuất hiện một số diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp lâu năm héo lá, giảm năng suất do không có nước tưới.
Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông, từ nay đến nửa đầu tháng 5/2024, mực nước trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh tiếp tục dao động theo xu thế giảm; tình trạng cạn kiệt, thiếu hụt nguồn nước cục bộ trên một số sông, suối nhỏ tiếp tục diễn ra.
Trong thời gian tới nếu thời tiết không thuận lợi, tiếp tục nắng nóng kéo dài, không xuất hiện mưa nhiều trên địa bàn tỉnh Đắk Nông sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ tại một số khu vực. Cụ thể, tại khu vực phía Bắc tỉnh Đắk Nông với diện tích khoảng 9.960 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng.
Còn đối với các hồ đập hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn tỉnh có 82 công trình. Trong đó, 25 công trình cần ưu tiên nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn.
Cụ thể, các công trình bị sụt lún cục bộ; mái hạ chưa được bảo vệ gây xói lở; bề mặt đường đỉnh đập xói lở, sình lầy; công trình chưa có tầng lọc ngược hoặc có nhưng không hoạt động hiệu quả. Nhiều công trình tràn xả lũ bằng đất, khẩu độ nhỏ, bị xói lở hai vai tràn, nền tràn, phần dốc nước và hạ lưu tràn; nhiều hồ chứa xuất hiện các bè, mảng cỏ lớn, chiếm diện tích lớn trong lòng hồ...
Trong 82 công trình bị hư hỏng, hiện 25 công trình cần ưu tiên nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn với tổng kinh phí khoảng 162 tỷ đồng. Ngoài ra 8 công trình hồ, đập đề xuất nhu cầu dọn dẹp lòng hồ để nâng cao dung tích và tăng hệ số an toàn công trình, với tổng kinh phí dự kiến 48 tỷ đồng.
Ông Hoàng Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh mới đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích sản xuất nông nghiệp khoảng 27%.
"Địa phương đã chủ động lắp đặt các trạm bơm dã chiến, bơm tận dụng dung tích nước chết tại các hồ chứa, tiến hành bơm truyền nước từ các hồ có dung tích lớn điều tiết nước về các hồ chứa có dung tích nhỏ không đảm bảo nguồn nước. Kiểm tra, cập nhật, đánh giá cụ thể nguồn nước các sông, suối, hồ, đập để khoanh vùng diện tích cây trồng có khả năng bị hạn, thường xuyên hạn và diện tích cây trồng không đủ nước, chủ động trồng các loại cây trồng phù hợp; xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, phù hợp với khả năng nguồn nước.
Trước tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán diễn ra ngày càng khốc liệt, nhất là khu vực phía Bắc tỉnh, Sở NN-PTNT Đắk Nông đề nghị Cục Thủy lợi tổng hợp, báo cáo Bộ NN-PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, Sở đề xuất đầu tư xây dựng mới 10 công trình đảm tưới cho khoảng 3.370ha cây trồng, kinh phí khoảng 467 tỷ đồng", ông Nghĩa đề xuất.
Cần chủ động phương án ứng phó hạn hán
Tại buổi khảo sát, các thành viên trong đoàn đã kiểm tra công trình thủy lợi tại huyện Đắk R’lấp, Krông Nô và huyện Đắk Mil. Tại các hồ khảo sát hầu hết đã cạn kiệt nguồn nước, cơ quan chức năng, người dân phải nạo vét lòng hồ để tận dụng lượng nước còn lại bơm tưới cho cây trồng.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết, hiện chưa xác định được thời điểm có mưa nên Đắk Nông cần chủ động các kế hoạch để phòng chống hạn hán.
“Địa phương chưa thiếu nước sinh hoạt nhưng đây là vấn đề quan trọng nhất, cần lên phương án ứng phó, có kế hoạch cụ thể. Việc này đảm bảo khi xảy ra hạn hán, thiếu nước sinh hoạt thì sẽ ứng phó nhanh chóng, đáp ứng nguồn nước cho người dân.
Đối với nước phục vụ sản xuất, đến nay có một số vùng khó khăn nhưng cơ bản chưa có diện tích cây trồng bị hạn. Những cây có khả năng thiếu nước, ngoài tận dụng nguồn nước còn lại thì cần hướng dẫn kỹ thuật để bà con canh tác hợp lý”, ông Khanh nói.
Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết thêm, trong thời gian tới địa phương cần có báo cáo thường xuyên về Cục để nắm tình hình. Việc này nhằm đảm bảo phối hợp xử lý khi xảy ra hạn hán.
Ông Nguyễn Thừa Anh, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông cho biết, để ứng phó với hạn hán, đảm bảo nguồn nước phục vụ người dân, công ty đã phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp.
Tuy nhiên, ông Thừa Anh cho rằng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi người dân chưa thực hiện đúng kế hoạch xuống giống, dẫn đến cuối vụ sẽ rơi vào mùa khô, nguy cơ thiếu nước.
“Hiện nay nhiều diện tích nằm ngoài quy hoạch thì không thể thu tiền dịch vụ thủy lợi. Đơn vị bắt buộc phải thực hiện chống hạn nhưng chưa có hướng dẫn để thanh quyết toán nên gặp nhiều khó khăn. Nhiều hồ thủy lợi quy hoạch tưới nhỏ nhưng trên thực tế diện tích tưới lại gấp nhiều lần. Đối với việc thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Do đó đề nghị các đơn vị ghi nhận cho thực tế để đưa ra giải pháp”, ông Thừa Anh thông tin.