Hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt
Tại xã Đức Bình, huyện Tánh Linh, khe suối Núi Ông đã cạn kiệt, khiến nhà máy nước Đức Bình không đủ nguồn nước thô hoạt động để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở thôn 4 và thôn 3.
Ông Trần Văn Thụy, Phó Cụm trưởng Cụm cấp nước Lạc Tánh, phụ trách nhà máy nước Đức Bình cho biết: "Nguồn nước đầu vào lúc có, lúc không. Mỗi ngày nhà máy nước chỉ hoạt động khoảng 1 giờ là phải tạm ngưng. Chỉ có khoảng 50% trong tổng số 266 hộ dân trên địa bàn xã có nước sinh hoạt để dùng trong thời gian nhà máy hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng thôn 4, xã Đức Bình cho biết, năm nay hạn hán đến sớm nên tình hình thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn diễn ra trầm trọng. Toàn thôn có 554 hộ dân thì hiện hơn 300 hộ thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình trên, bà con trong thôn đang lấy nước từ sông La Ngà để tích trữ vào các thùng phi phục vụ sinh hoạt, còn nấu ăn bà con phải mua nước lọc về dùng.
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, tính đến cuối tháng 3/2024, toàn tỉnh có 41 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và thành phố Phan Thiết bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 26.872 hộ dân, tương ứng 75.918 người.
Ông Trần Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay một số công trình cấp nước do Trung tâm quản lý phải điều tiết cấp nước luân phiên do nguồn nước thô dần cạn kiệt. Ngoài xã Đức Bình còn có các thôn 1, 4 thuộc xã Hồng Sơn; xóm 8, thôn Bình An thuộc xã Hàm Chính (huyện Hàm Thuận Bắc) khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.
Nỗ lực cấp nước cho người dân
Ông Trần Văn Liêm cho biết, hiện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận đang đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện 6 công trình cấp nước chuyển tiếp từ năm 2023 để sớm đưa vào hoạt động cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Cùng với đó, Trung tâm cũng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và hoàn thành dự án nhà máy nước huyện Hàm Thuận Bắc với công suất 10.000 m3/ngày thuộc nguồn vốn vay ODA, nhằm cung cấp nước nguồn nước sạch cho người dân 13/17 xã, thị trấn ở huyện Hàm Thuận Bắc.
Ngoài ra, Trung tâm còn sử dụng nguồn vốn Quỹ phát triển hoạt động của Trung tâm để sửa chữa, mở rộng các tuyến ống cấp nước tại khu vực bức xúc về nguồn nước.
Kiến nghị
Để đảm bảo cấp nước cho người dân vào mùa khô năm 2024, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận kiến nghị Sở NN-PTNT tỉnh có ý kiến đối với Điện lực Bình Thuận về ưu tiên duy trì nguồn điện ổn định, thường xuyên, liên tục cấp cho các nhà máy nước hoạt động. Quan tâm, có ý kiến đối với các nhà máy thủy điện Bắc Bình, Đan Sách có kế hoạch xả nước định kỳ, ổn định cho các nhà máy nước Sơn Lâm và Đông Giang hoạt động cấp nước cho người dân.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh khẩn trương thi công hoàn thành Nhà máy nước Tân Lập đưa vào sử dụng bổ sung nguồn nước sạch cho người dân khu vực các xã, thị trấn huyện Hàm Thuận Nam.
Theo ông Trần Văn Liêm, Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất nước nên rất mong Chính phủ quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh tham gia dự án nước sạch nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu vốn vay Ngân hàng thế giới để đầu tư 3 công trình: Nhà máy nước Sông Lũy (Bắc Bình), Nhà máy nước Suối Đá (Hàm Thuận Bắc), Nhà máy nước Gia An (Tánh Linh) nhằm cấp nước cho 15 xã của tỉnh thường xuyên thiếu nước sinh hoạt khi hạn hán.