Để nâng cao giá trị XK, việc đầu tư sang các loại cà phê đặc sản là một hướng đi phù hợp (Ảnh minh họa) |
Mỹ là thị trường cà phê hàng đầu thế giới và cũng là thị trường hàng đầu của cà phê Việt Nam. Để giúp các DN và người trồng cà phê hiểu thêm về thị trường cà phê Mỹ, nhất là cà phê đặc sản, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) đã có những thông tin khá hữu ích về thị trường rất quan trọng này.
Theo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco, thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay, Mỹ là thị trường NK cà phê đứng thứ 2 trên thế giới, sau EU, với lượng NK năm 2019 dự báo sẽ tăng 2,1 triệu bao lên 26,5 triệu bao. Các nhà cung cấp hàng đầu bao gồm Brazil (23%), Colombia (22%), Việt Nam (15%)...
Cà phê là đồ uống được yêu thích nhất tại Mỹ, đồng thời là mặt hàng có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế nước này. Năm 2015, tác động kinh tế của ngành cà phê đối với Mỹ là 225,2 tỷ USD, trong đó người tiêu dùng đã dành 74,2 tỷ USD cho cà phê. Ngành cà phê cũng tạo ra gần 1,7 triệu việc làm và góp tới 28 tỷ USD tiền thuế.
Thị trường cà phê Mỹ đã trải qua nhiều làn sóng tiêu thụ. Làn sóng thứ nhất vào những năm 1960, được đánh dấu bằng việc phổ thông hóa việc tiêu thụ cà phê. Làn sóng thứ 2 diễn ra vào những năm 1980 và 1990, với việc dịch chuyển sang tiêu thụ các loại cà phê có chất lượng cao hơn. Và thị trường Mỹ đang trải qua làn sóng thứ 3 với việc chuyển sang các loại cà phê đặc sản và bền vững.
Thuật ngữ “cà phê đặc sản-specialty coffee” có nguồn gốc từ Mỹ. Ban đầu thuật ngữ này được sử dụng để mô tả các loại cà phê được bán trong các cửa hàng chuyên doanh cà phê, không phải là các loại cà phê được bán tại các siêu thị và các cửa hàng bán lẻ khác.
Với sự tăng trưởng nhanh chóng các cửa hàng bán cà phê đặc sản cũng như việc tăng cường sự hiện diện tại các siêu thị, thuật ngữ “cà phê đặc sản” giờ đây được coi là để chỉ những loại cà phê có giá cao, hoặc được người tiêu dùng cho rằng khác với các loại cà phê đại trà có trên thị trường. Cà phê đặc sản là loại cà phê được canh tác trong những điều kiện lý tưởng về độ cao, chất đất, khí hậu… Mỗi giai đoạn từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản, đóng gói, lưu thông, pha chế… đều cần được đảm bảo để có được chất lượng cà phê tốt nhất.
Theo Hiệp hội Cà phê đặc sản Mỹ (SCAA), trong thang điểm từ 1-100, cà phê cần phải đạt tối thiểu 80 điểm mới được coi là cà phê đặc sản. Quá trình đánh giá này gồm nhiều bước, từ hình ảnh trực quan đến các thí nghiệm về mùi vị.
Mô hình tái canh cà phê ở Lâm Đồng |
Còn theo Hiệp hội Cà phê đặc sản Châu Âu (SCAE), cà phê đặc sản là sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, tức là cà phê khi đến tay người tiêu dùng chứ không phải là hạt cà phê. Theo đó cà phê đặc sản là một sản phẩm đồ uống thủ công có chất lượng độc đáo, một hương vị riêng biệt, cá tính khác biệt, và vượt trội so với cà phê thông thường. Cà phê đó được pha chế từ các hạt cà phê được trồng trong một khu vực được xác định, đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất cho cà phê dùng để rang, bảo quản và pha chế.
Thông tin từ SCAA, cho thấy, số lượng các nhà bán lẻ cà phê đặc sản ở Mỹ đã tăng từ 2.850 lên 29.200 trong giai đoạn 1993-2013. Trong đó, 45% là các chuỗi bán lẻ và 55% là các cửa hàng độc lập (kinh doanh tại ít hơn 3 địa điểm). Sự phát triển của các cửa hàng cà phê nhỏ đã có ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc thúc đẩy nhu cầu về cà phê đặc sản. Có tới 63% người trưởng thành tiêu thụ cà phê hàng ngày, trong đó 59% là cà phê đặc sản, và dự kiến sẽ tăng lên mức 61% vào năm 2019. Đối tượng khách hàng chủ yếu thúc đẩy sự gia tăng này là giới trẻ.
Về thương mại, con đường đi của cà phê thường không phải trực tiếp từ các nước xuất khẩu đến thẳng các nhà rang xay mà phần lớn trải qua nhiều khâu trung gian. Tuy nhiên, thương mại trực tiếp giữa các nhà rang xay và người canh tác cà phê đang ngày càng gia tăng. Việc giảm bớt các khâu trung gian làm tăng sự gắn kết giữa các nhà rang xay và người canh tác, từ đó đáp ứng nhu cầu về tâm lý của người tiêu dùng, đó là gắn việc uống cà phê với nguồn cung. Với sự phổ biến mạnh mẽ của internet, thương mại điện tử, hơn bao giờ hết, các nhà sản xuất và các nhà rang xay cà phê ngày càng dễ dàng hơn trong việc thiết lập các mối quan hệ làm ăn trực tiếp, từ đó tạo được những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch.
Người tiêu dùng tại các nước phát triển, trong đó có Mỹ, ngày càng có nhiều kiến thức hơn về rang, pha chế và thưởng thức cà phê, đồng thời quan tâm đến các yếu tố xã hội và môi trường liên quan đến sản phẩm họ tiêu dùng. Điều này có tác động rất lớn tới thị trường cà phê và từ đó gây áp lực đến các doanh nghiệp phải cam kết các tiêu chuẩn. Các chứng chỉ phổ biến đang được áp dụng hiện nay gồm: Fair Trade, Organic, Rainforest Alliance / UTZ Certified và 4C.
Theo ấn phẩm Coffee Barometer, trong năm 2015, giá trị XK cà phê hạt trung bình chiếm chưa đến 10% trong tổng doanh thu 200 tỷ USD được tạo ra bởi thị trường bán lẻ. Nếu theo tỷ lệ này, 3,5 tỷ USD kim ngạch XK cà phê của Việt Nam năm 2018 khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng sẽ có giá trị khoảng 35 tỷ USD. Do đó, để nâng cao giá trị XK, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các DN, nông dân sản xuất cà phê, thì việc đầu tư sang các loại cà phê đặc sản là một hướng đi phù hợp. Với sự thay đổi về thị hiếu tiêu dùng của các thị trường tiêu thụ cà phê lớn và sự phát triển của internet, thương mại điện tử, giờ đây, các nhà sản xuất cà phê Việt Nam được trao cơ hội lớn trong việc tiếp cận đến người tiêu dùng cũng như các nhà bán lẻ, chế biến cà phê đặc sản. |