| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ canh tác cà phê bền vững

Thứ Sáu 29/03/2019 , 08:22 (GMT+7)

Sau Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 (tháng 3/2017), Cty CP Phân bón Bình Điền và Cty CP Vinacafe’ Biên Hòa đã cùng với Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên ký thỏa thuận hợp tác chiến lược “Chương trình Hỗ trợ Phát triển Cà phê Buôn Ma Thuột”.

09-04-16_hinh_2
Bà Ngô Thị Xuân, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk trả lời phỏng vấn của các nhà báo

Biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, khiến đất canh tác ngày càng bị xuống cấp, thoái hóa nghiêm trọng. Người nông dân trồng cà phê lại chưa nắm chắc quy trình sử dụng phân bón, nước tưới, thuốc BVTV, nên cũng làm thoái hóa đất.

Nhận thấy phải có những mô hình phát triển cà phê hiệu quả và bền vững để nhân rộng, ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing, Cty CP Phân bón Bình Điền chia sẻ: “Làm sao để người nông dân không chặt bỏ, mà tiếp tục gắn bó và làm giàu từ cây cà phê trên cao nguyên đất đỏ bazan đại ngàn”.

Chương trình hỗ trợ nông dân Buôn Ma Thuột canh tác cà phê bền vững vì thế đã ra đời với sự hỗ trợ của hai công ty hàng đầu Việt Nam về các sản phẩm liên quan đến ngành cà phê Việt Nam là Bình Điền và Vinacafé Biên Hòa. Bước đầu hai công ty sẽ duy trì thực hiện chương trình trong vòng 5 năm với ngân sách hỗ trợ cho việc triển khai chương trình trong giai đoạn đầu là 1 tỷ đồng.

Ông Phan Văn Tâm cho biết, các bên đang tập hợp báo cáo kết quả bước đầu sau hơn 1 năm triển khai chương trình để có kế hoạch cụ thể cho chặng đường đầu tư và hợp tác tiếp theo giữa 4 nhà, hướng đến lợi ích lâu dài của người trồng cà phê, tạo đà phát triển bền vững, nâng cao đời sống người trồng cà phê và góp phần vào vị thế của cà phê Việt Nam trên thế giới

Chương trình tiến hành khảo nghiệm, đánh giá thực tế để hỗ trợ xây dựng vùng cà phê chất lượng theo chuỗi, có năng suất cao, chất lượng tốt, tại 6 buôn thuộc xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Bà Ngô Thị Xuân, cán bộ kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Chương trình chọn 10 hộ nông dân tại xã Ea Tu, trong đó 3 hộ canh tác 0,5 ha, 7 hộ canh tác 0,2 ha, tổng cộng là 3 ha để cung cấp 100% giống (lấy từ trung tâm sản xuất giống mới của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên), phân bón Đầu Trâu cho cây cà phê các thời kỳ sinh trưởng của Cty CP Phân bón Bình Điền và hệ thống tưới nước nhỏ giọt, công nghệ tiên tiến của Israel”.

Theo bà Xuân, thực hiện chương trình hơn 1 năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức được 8 buổi tập huấn cho nông dân tham gia mô hình. Nội dung tập huấn tập trung vào kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê tái canh, sử dụng kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt kết hợp cung cấp dinh dưỡng qua nước tưới cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây; cách trồng xen cây ăn trái khác như bơ, sầu riêng… trong vườn cà phê, để tăng thu nhập đồng thời tạo ra tiểu vùng khí hậu mát mẻ, che nắng, che gió cho cây cà phê phát triển tốt. Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống tận từng vườn cà phê để coi sự phát triển của cây và giải đáp, hướng dẫn nông dân thực hành chăm sóc cây đúng kỹ thuật.

Ông Huỳnh Quốc Thích, nguyên PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk phụ trách chương trình nói: “Chúng tôi còn sử dụng các mô hình làm nơi tham quan, tập huấn, hướng dẫn nông dân trong vùng tham khảo về kỹ thuật trồng tái canh cây cà phê. Rất được nông dân hưởng ứng”.

Tại buôn Ko Tam, xã Ea Tu, bà H Rui, H Eban chỉ vào những cây cà phê cao ngang đầu người, đường kính lá xòe ra tới hơn 1m, lá to, dày, xanh thẫm, hồ hởi nói: “Rất cảm ơn chương trình cho chúng tôi tái canh nửa ha cà phê mà không phải đầu tư giống vốn. Canh tác kiểu mới này đỡ nhiều lắm, có giống cà chuẩn, giảm được công chăm bón lại tiết kiệm nước tưới, mà cả vườn cà lúc nào cũng ẩm, mát như giữa mùa mưa vậy. Cây cà phê thì lớn nhanh và khỏe hơn hẳn cây trồng theo cách truyền thống. Còn hơn 1 ha cà phê đã già, cỗi, nhà tôi cũng sẽ từng bước tái canh theo cách này”.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.