| Hotline: 0983.970.780

Agritechnica Asia Live 2022

Cơ giới hóa ngành hàng trái cây: Trên 70%, nhưng còn yếu khâu sau thu hoạch

Thứ Hai 22/08/2022 , 17:38 (GMT+7)

Mở đầu chuỗi hội thảo về cơ giới hóa, với ngành hàng trái cây, các đại biểu cùng mổ xẻ vấn đề chính sách hỗ trợ, trong đó cần sớm gỡ cơ chế tài chính.

Ngày 22/8, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo “Cơ giới hoá trong sản xuất trái cây”. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện “Agritechnica Asia Live 2022” với chủ đề “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững”, sự kiện quốc tế trọng điểm của ngành nông nghiệp.

cơ giới hóa ngành trái cây

Cơ giới hóa trong sản xuất trái cây mới chỉ phát triển ở khâu làm đất, chăm sóc. Ảnh: Minh Đảm.

Mới chỉ cơ giới hóa ở khâu làm đất, chăm sóc

Cũng như nhiều lĩnh vực của ngành nông nghiệp, ngành hàng trái cây đã có mức tỷ lệ cơ giới hóa đạt tỷ lệ khá cao, từ 70% trở lên. Tuy nhiên, theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cơ giới hoá chỉ mới thực hiện tốt ở khâu chuẩn bị đất (khoảng 90%), chăm sóc (từ 70 - 80%). Các khâu thu hoạch, vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch chưa được phát triển.

“Mức độ cơ giới hóa sản xuất cây ăn trái mới tập trung ở một số khâu chuẩn bị đất trồng, tưới, chăm sóc (phun thuốc bảo vệ thực vật, làm cỏ) và chế biến, bảo quản. Khâu thu hoạch, bao trái cây, xới đất bón phân (xoài) chủ yếu vẫn làm thủ công. Đối với vùng ĐBSCL hầu hết các cây ăn trái được canh tác trên các liếp. Đối với vùng trung du miền núi thì diện tích phân tán, độ dốc cao rất khó khăn cho cơ giới hoá”, ông Vũ Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nêu rõ.

Ông Tiến cũng cho biết thêm, “đặc tính của cây ăn trái thường là những cây thân gỗ lâu năm, có chiều cao trung bình lớn, tán rộng, nhiều lá. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm giao thông, điện, quy mô canh tác nhỏ lẻ manh mún… chưa đáp ứng. Người nông dân thường trồng các loại cây ăn trái có mật độ cao hơn nhiều so với quy định. Chưa có loại máy phù hợp, bảo đảm về chất lượng, số lượng phục vụ cơ giới hóa sản xuất cây ăn quả”.

Tiền Giang là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn nhất ĐBSCL, khoảng 87.000ha. Ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Tiền Giang cho biết: “Cơ giới hóa trong khâu làm đất chiếm 84,3%, bơm tát bằng động cơ chiếm 100%, phun thuốc BVTV bằng máy chiếm 100%, ứng dụng hệ thống tưới nước phun mưa vào sản xuất chiếm 59% diện tích”.

Về chính sách hỗ trợ cơ giới hóa, ông Lập cho biết thêm: Thực hiện Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 4/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, tỉnh Tiền Giang đã triển khai đến các đối tượng để tiếp cận chính sách hỗ trợ này, đến năm 2020 đã có 481 khách hàng vay vốn với tổng số tiền vay là 136.704 triệu đồng, số tiền lãi được hỗ trợ là 11.154 triệu đồng. Khách hàng vay vốn để đầu tư chủ yếu máy gặt đập liên hợp, máy sấy nông sản, máy làm đất, san phẳng đồng ruộng...

Ngoài ra, từ nguồn kinh phí khuyến nông, địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao đến nông dân những tiến bộ kỹ thuật về cơ giới hóa trong nông nghiệp. Trên lúa có mô hình ứng dụng máy cuốn rơm phục vụ sản xuất sau thu hoạch, mô hình sử dụng máy cấy lúa kết hợp với vùi phân, mô hình gieo sạ bằng khay. Trên cây ăn trái xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm cho mãng cầu xiêm, mô hình thanh long trồng giàn. Từ nguồn kinh phí khuyến công, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp/hợp tác xã máy móc thiết bị trong chế biến, đóng gói, bảo quản trái cây. Tuy nhiên, ông Lập cũng nhìn nhận, cơ chế chính sách của nhà nước chưa đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ra vấn đề cốt yếu để phát triển cơ giới trong thời gian tới đó, đó là cần cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp hơn. Ông Nguyễn Đức Long, Phó Viện trưởng Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch cho biết: “Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hộ nông dân vẫn là chủ thể sản xuất chính, khả năng đầu tư cho cơ giới hóa còn hạn chế chính là những rào cản”. Tiến sĩ Nguyễn Huy Bích, Trưởng khoa Cơ khí - Kỹ thuật Trường đại học Nông lâm TP.HCM cũng đồng tình, cho rằng “nông dân nghèo, không thể cơ giới hóa”.

ĐBSCL có diện tích cây ăn quả 400.000ha (chiếm gần 40% diện tích cả nước). Sản lượng trái cây đạt 4,3 triệu tấn (chiếm 60% cả nước). Giá trị sản xuất của cây ăn trái đạt 48.651 tỷ đồng (chiếm 48% giá trị sản xuất cây ăn trái cả nước). Theo ông Vũ Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, trái cây là sản phẩm chủ lực xuất khẩu của cả nước, để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm sức lao động, hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh các sản phẩm trái cây thì tất yếu phải đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch.

Trước khi chờ cơ chế, “nông dân cần hỗ trợ nhau”

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn khẳng định cơ giới hóa cần phải được quan tâm, nhất là Bộ NN-PTNT. Cục đã tham mưu Chính phủ hai văn bản về chiến lược cơ giới hóa, chế biến trong nông nghiệp và nghị định về cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.

“Chúng tôi rất tán đồng với ý kiến của các nhà khoa học là phải nhập máy nhưng cũng phải thúc đẩy bằng được sản xuất ở trong nước. Không có quốc gia nào cơ giới hóa thành công mà công nghệ phụ thuộc ở nước ngoài, máy nhập khẩu. Chúng ta không ngại máy nhập khẩu nhưng nhập xong phải cải tiến. Người Nhật có câu thành ngữ đó là “cải tiến, cải tiến liên tục”, sau đó nó trở thành của mình”, ông Thịnh nói.

Về vấn đề tài chính tín dụng cho cơ giới hóa, Bộ NN-PTNT cho biết sẽ có kiến nghị với các Bộ, ngành liên quan có cơ chế phù hợp. “Trước khi có cơ chế từ nhà nước, các tổ chức nông dân phải hỗ trợ nhau. Ngay trong chuỗi liên kết, chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân. Ví dụ, chúng tôi đề nghị Big C hỗ trợ hợp tác xã máy rửa trái cây, rồi khoản đó sẽ được trừ dần trong quá trình mua bán. Hợp tác là chìa khóa giải quyết vấn đề này trong cơ giới hóa”, ông Thịnh nhấn mạnh.

16b

Nông dân đầu tư hệ thống tưới phun cho cây sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Tại Bến Tre, để thực hiện tốt vấn đề cơ giới hóa trong mảng trái cây, ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng cần tổ chức lại vùng chuyên canh lớn và thiết kế lại vùng trồng. Ông Đức nói thêm rằng: “Trong cơ giới hóa đừng quá quan tâm đến nguồn vốn mà nên phát động nguồn lực xã hội cùng tham gia với mình miễn sao có lợi, người dân sẽ đầu tư. Nên có chính sách bảo hộ sáng kiến cho người dân đừng để mai một. Thứ hai, tạo điều kiện để người dân phát triển rộng ra”.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 703/QĐ-TTG ngày 28/5/2020 phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa sản xuất giống, tăng cường công tác quản lý giống nhằm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống đúng tiêu chuẩn cho sản xuất, tạo đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ngày 20/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 858/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang trình Chính phủ Nghị định về cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Trong đó, có rất nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ tại Việt Nam.

Để triển khai thực hiện Chiến lược, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề xuất 6 vấn đề chủ yếu. Trong đó, Cục đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh tham mưu xây dựng Đề án phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Nhất là đẩy mạnh công tác quản lý máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản. Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp và tổ chức vùng nguyên liệu tập trung để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chế biến, bảo quản nông sản…

Xem thêm
Hơn 500 kg lòng lợn hôi thối đang trên đường đi tiêu thụ

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện 520kg lòng lợn bốc mùi hôi thối sắp được bán lại cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và sản xuất lạp sườn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bức tranh 'Chiến dịch Điện Biên Phủ' nhiều kỷ lục đến với người dân Thủ đô

Đây là bức tranh toàn cảnh đầu tiên tại Việt Nam, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với 4 trường đoạn tái hiện lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.