Cơ giới hóa trong ngành thủy sản còn rời rạc. Đặc sản thanh trà tiến vua được cả mùa và giá. Thông tin gạo Việt Nam nhập lậu vào Philippines là không chính xác. Na bở VietGAP có giá lên tới 240.000 đồng/kg.
Cơ giới hóa trong ngành thủy sản còn rời rạc và hạn chế
Ngày 23/8, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo “Cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản”. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện “Agritechnica Asia Live 2022” với chủ đề “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững”.
Theo Tổng cục thủy sản, cơ giới hóa ngành thủy sản còn giới hạn chủ yếu trong phạm vi nuôi tôm nước lợ và cá tra. Mức độ nôi địa hóa máy móc, trang thiết bị phụ trợ vẫn còn thấp, chủ yếu phải nhập khẩu.
Các chuyên gia cho rằng, sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản một cách chủ động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hoàn thành mục tiêu trong chiến lược phát triển ngành đến năm 2030 rất cần ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, Cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế
Do đó, việc ứng dụng cơ giới hóa là yêu cầu tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7 triệu tấn vào 2030.
Đặc sản thanh trà tiến vua được cả mùa và giá
Vụ thanh trà năm nay tại Thừa Thiên - Huế hứa hẹn bội thu khi trái thanh trà phát triển tốt, ít gặp các yếu tố bất lợi về thời tiết cũng như dịch bệnh.
Hiện thanh trà đang được thương lái tới thu mua tại vườn với giá dao động 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Theo các nhà vườn, vụ thanh trà năm nay đến muộn, tuy nhiên lại đạt năng suất cao, trái đẹp và mọng nước. Sau dịch Covid-19 việc mua bán, thông thương cũng trở nên thuận lợi hơn.
Phường Thủy Biều là vùng trái cây thanh trà đặc sản của Huế với hơn 1.000 hộ dân có vườn trồng, chủ yếu nằm dọc sông Hương. Thời gian qua, địa phương đã hỗ trợ người dân tập huấn kỹ thuật trồng, ứng dụng công nghệ và quảng bá nông sản địa phương để đặc sản tiến vua xứ Huế tự tin cạnh tranh với nhiều loại nông sản khác trên thị trường.
THÔNG TIN GẠO VIỆT NAM NHẬP LẬU VÀ PHILIPPINES LÀ KHÔNG CHÍNH XÁC
Liên quan đến thông tin gạo từ Việt Nam nhập lậu vào Philippines thông qua cảng Iloilo. Cục Hải quan Philippines cho biết, đây là thông tin không chính xác.
Trước đó, ngày 19/8, báo Manila Times của Philippines đưa tin có khoảng 38.400 tấn gạo, trị giá hơn 1 tỉ peso được cho là từ Việt Nam đã nhập lậu vào nước này, qua cảng Iloilo.
Hiện mức thuế nhập khẩu gạo được Philippines áp dụng cho các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là 35%. Trong nửa đầu năm nay, cả nước xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 1,62 triệu tấn với trị giá trên 759 triệu USD, tăng 48,6% về lượng và 31% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
NA BỞ VIETGAP CÓ GIÁ LÊN TỚI 240.000 ĐỒNG/KG
Khảo sát tại siêu thị và các chợ truyền thống ở Hà Nội, các loại na bở được rao bán khá nhiều, đa phần đều có nguồn gốc từ Quảng Ninh, Lạng Sơn và Hải Phòng.
Giá loại na này dao động từ 80.000-160.000 đồng/kg, thậm chí nhiều cửa hàng bán na bở VietGAP với giá lên tới 200.000-240.000 đồng/kg, tùy trọng lượng.
Theo một số nhà vườn tại Hải Phòng, giá na năm nay tăng hơn năm ngoái khoảng 10.000 đồng/kg. Theo đó, loại na bở trọng lượng 3 quả/kg có giá thu mua tại vườn 80.000-90.000 đồng/kg, loại nhỏ hơn giá 60.000-70.000 đồng/kg.