| Hotline: 0983.970.780

4 trụ cột quan trọng cần đặc biệt quan tâm trong phòng, chống thiên tai

Thứ Tư 29/12/2021 , 14:22 (GMT+7)

'Phòng, chống rủi ro thiên tai có 4 trụ cột quan trọng cần được đặc biệt quan tâm', theo GS. TS. Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước...

ĐBSCL được xem là một trong 5 khu vực trên thế giới phải hứng chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu.

ĐBSCL được xem là một trong 5 khu vực trên thế giới phải hứng chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu.

“Hai thỏi nam châm thu hút thiên tai”

Theo GS. TS. Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, khu vực ĐBSCL nước ta là vùng dễ bị tổn thương bởi thiên tai do đất thấp và sự phụ thuộc vào điều tiết thượng nguồn sông Mekong. ĐBSCL cũng được xem là một trong 5 khu vực trên thế giới phải hứng chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những lí do khách quan, GS. TS, Nguyễn Quốc Dũng cho rằng có 3 lí do chủ quan dẫn đến việc ĐBSCL phải đối mặt với thiên tai.

Lí do chủ quan thứ nhất đến từ thượng nguồn sông Mekong. Ví dụ như việc lấy nước mở rộng sản xuất cho vùng Đông Bắc Thái Lan dẫn đến mùa khô của khu vực ĐBSCL sẽ ít nước ngọt hơn, xâm nhập mặn tăng lên.

Lí do chủ quan thứ hai là việc xây dựng thủy điện thượng nguồn sông Mekong sẽ giữ lại lượng bùn cát chảy về hạ lưu. Theo tính toán, lượng bùn cát chảy về TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) đã giảm hơn 80%. Kết hợp với việc khai thác cát phục vụ nhu cầu trong nước dẫn đến lòng sông hạ thấp, giảm mực nước dẫn đến tác động của xâm nhập mặn càng khốc liệt hơn, các bờ sông sạt lở trầm trọng hơn.

“Lí do chủ quan thứ 3 là vấn đề quy hoạch sản xuất, quy hoạch hạ tầng. Đối với quy hoạch sản xuất, trong báo cáo phân tích quy hoạch tổng hợp vùng ĐBSCL, trước đây chúng ta tập trung vào cây chủ lực là cây lúa. Đó là cách phát triển chưa phù hợp với tự nhiên”, ông Nguyễn Quốc Dũng nhận định.

Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã đề ra yêu cầu “thuận thiên”, tái cơ cấu, chuyển đổi sản xuất cây trồng phù hợp với từng khu vực.

Đối với quy hoạch hạ tầng, ông Dũng cho rằng đó là một vấn đề nghiêm trọng khi trong quá trình thiết lập các dự án để chống sạt lở đã vướng phải khó khăn tại công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Hiện nay, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng chiếm hơn 80% dự án.

“Từ những nguyên nhân chủ quan, khách quan đó, quy hoạch tổng hợp vùng ĐBSCL chỉ ra cần quy hoạch thành 3 vùng: ngọt, mặn và mặn - lợ để có thể thích ứng với triết lý ‘thuận thiên’. Với quy hoạch như vậy, khu vực ĐBSCL sẽ có những bước chuyển biến căn bản trong phòng chống thiên tai”, Phó Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam phân tích.

Ngoài khu vực ĐBSCL, khu vực miền Trung nước ta cũng là nơi dễ bị tổn thương bởi bão lũ. Thống kê chỉ ra rằng 50% số cơn bão xuất hiện trên Biển Đông đều đi vào miền Trung. Bão lũ đã không còn xa lạ với người miền Trung. Người dân miền Trung cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc kiên cường phòng chống thiên tai.

Bão lũ đã không còn xa lạ với người dân miền Trung.

Bão lũ đã không còn xa lạ với người dân miền Trung.

Tuy nhiên, GS. TS Nguyễn Quốc Dũng cho biết, thời gian gần đây khu vực miền Trung lại xuất hiện những loại hình thiên tai khó lường, phức tạp. Lí do đến từ biến đổi khí hậu làm thay đổi hình thái thời tiết dẫn đến bão lũ chuyển dịch muộn hơn, cực đoan hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam đang phát triển rừng để hạn chế thiên tai, bão lũ nhưng chất lượng rừng trồng vẫn còn kém.

Những nguyên nhân đó cộng hưởng lại, vừa do yếu tố tự nhiên, vừa do yếu tố con người dẫn đến tác động của thiên tai càng ngày càng trầm trọng hơn.

Đầu tư mạnh tay cho các đập, hồ thuỷ điện

Theo GS. TS. Nguyễn Quốc Dũng, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, công tác phòng chống thiên tai cần được đưa vào quy hoạch. Luật Phòng chống thiên tai cũng yêu cầu phải lồng ghép phòng chống thiên tai trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng…

Trên cả nước có khoảng 475 đập thủy điện từ nhỏ đến lớn, đặc biệt. Sắp tới nếu được xây dựng, theo quy hoạch sẽ có khoảng 900 đập thủy điện.

“Việc đưa phòng chống thiên tai vào quy hoạch là yếu tố quan trọng để giảm thiểu rủi ro thiên tai trong phát triển kinh tế xã hội. Do đó chúng ta cần phải quản lý, vận hành an toàn các đập thủy điện”, Phó Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam nhấn mạnh.

Hiện nay Bộ Công thương đang xúc tiến xây dựng hướng dẫn để quản lý an toàn đập theo rủi ro thiên tai, qua đó khắc phục các tồn tại hiện có, giảm thiểu những rủi ro của các hồ đập thủy điện.

Theo GS. TS. Nguyễn Quốc Dũng, công tác phòng chống rủi ro thiên tai có 4 trụ cột quan trọng cần được đặc biệt quan tâm. Đó là quản trị thiên tai (các văn bản, hướng dẫn thể chế), hệ thống thông tin (cơ sở dữ liệu, thiết bị cảnh báo), nâng cao năng lực (mô hình tổ chức, các lực lượng phòng chống thiên tai), công tác chuẩn bị phương án ứng phó thiên tai.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.