| Hotline: 0983.970.780

43 sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt 5 sao

Thứ Năm 29/10/2020 , 14:00 (GMT+7)

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị cần đánh giá sản phẩm một cách khách quan, công tâm, đáp ứng mong mỏi của các địa phương thực sự mong muốn phát triển OCOP.

Sáng 29/10, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp Hội đồng chuyên ngành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia năm 2020.

Quang cảnh buổi họp. Ảnh: HG

Quang cảnh buổi họp. Ảnh: HG

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, Bộ NN-PTNT nhận được hồ sơ đề xuất của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cho 43 sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt 5 sao. Các sản phẩm được giao nhiệm vụ cho 3 tổ tư vấn. Trong đó Tổ tư vấn số 1 triển khai công tác thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế, tổ chức đánh giá sơ bộ 25 sản phẩm của 9 tỉnh, thành phố.

Tổ tư vấn số 1 triển khai công tác thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế, tổ chức đánh giá sơ bộ 25/25 hồ sơ sản phẩm của 9 tỉnh, thành phố. Tổ chức khảo sát thực tế tại 17/18 cơ sở sản xuất của 24/25 sản phẩm (8/9 tỉnh, thành phố). Đoàn công tác đã khảo sát thực tế hạ tầng sản xuất (nhà xưởng, khu chế biến, vùng nguyên liệu…), trao đổi với chủ cơ sở, làm việc với cơ quan theo dõi Chương trình OCOP cấp tỉnh về công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh, các nội dung liên quan thực hiện các tiêu chí OCOP.

Cũng theo ông Tiến, trên cơ sở đề nghị của Tổ tư vấn, Chủ tịch Hội đồng OCOP Quốc gia đã ban hành Quyết định số 01/HĐQG-OCOP ngày 22/10/2020 thành lập Hội đồng đánh giá chuyên ngành sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm số 1. Hội đồng chuyên ngành số 1 làm việc trong 3 ngày, từ ngày 28 đến 30/10/2020 nhằm đánh giá lần 1 cho 25 sản phẩm. Các sản phẩm đạt yêu cầu qua lượt đánh giá này sẽ được tiếp tục đánh giá lần 2.

“Về cơ bản, các sản phẩm đủ điều kiện đề xuất có khả năng đạt 5 sao cần có tính đặc sắc bản địa, chủ thể gắn bó với cộng đồng địa phương, có đầu tư mạnh mẽ vào nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình quản lý tiên tiến, tiếp cận thị trường quốc tế. Nếu được công nhận đạt sản phẩm 5 sao sẽ tạo động lực mạnh mẽ để phát triển đặc sản địa phương, thu hút thêm đầu tư của các chủ thể khác tại địa phương, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP quốc gia”, ông Tiến nhận định.

Bộ NN-PTNT nhận được hồ sơ đề xuất của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cho 43 sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt 5 sao. Ảnh: HG

Bộ NN-PTNT nhận được hồ sơ đề xuất của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cho 43 sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt 5 sao. Ảnh: HG

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, với quan điểm, phát triển kinh tế nông thôn là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020.

Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Chương trình bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, phát huy được nhiều sản phẩm lợi thế của địa phương, vai trò cộng đồng được nâng cao. Đồng thời, Chương trình thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình và kinh tế nông thôn, đặc biệt là các khu vực vùng cao.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, chương trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia được Chính phủ và các địa phương rất quan tâm. Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Hội đồng OCOP cấp Quốc gia cần đánh giá sản phẩm một cách khách quan, công tâm, đáp ứng mong mỏi của các địa phương thực sự mong muốn phát triển OCOP.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.