| Hotline: 0983.970.780

5 đóng góp cho ngành nông nghiệp của Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước

Thứ Bảy 25/05/2024 , 11:17 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nêu bật những đóng góp của Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước đối với ngành nông nghiệp nói chung, thủy lợi nói riêng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao đóng góp của Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước với ngành nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao đóng góp của Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước với ngành nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 25/5, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập và Đại hội Đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ V (2024 - 2029), tham dự có nhiều chuyên gia, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo trong ngành thủy lợi.

Sau khi thay mặt Bộ NN-PTNT gửi lời chúc mừng đến Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước nhân dịp kỷ niệm năm 20 ra đời, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, thời gian qua, hoạt động của hội đã đem lại nhiều đóng góp cho ngành nông nghiệp nói chung, trong đó đặc biệt là lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai và phát triển nuồn nước.

Đầu tiên là những đóng góp trong việc cho ý kiến, tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề thủy lợi. "Những khi gặp khó, gặp các vấn đề còn nhiều tranh cãi trong các văn bản, Bộ cũng cần đến tiếng nói, ý kiến của hội để hoàn thiện thể chế", Thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh.

Thứ hai là hội đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn đập và bảo vệ nguồn nước quốc gia trong bối cảnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong ngành thủy lợi vẫn còn thiếu. Đóng góp thứ ba của hội là tham gia vào đào tạo, phổ biến kiến thức và nâng cao năng lực quản lý an toàn hồ đập.

Không chỉ trong nước, hội còn tham gia hoạt động tích cực, quan hệ với các hội đập lớn quốc tế và khu vực, đem lại các lợi ích cũng như khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên thế giới trong lĩnh vực hồ đập, thủy lợi.

Cuối cùng, hội đã tạo môi trường cho các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ, kỹ sư còn tâm huyết, còn sức khỏe tiếp tục đóng góp cho ngành, cho đất nước sau khi đã nghỉ hưu.

"Thời gian qua, có nhiều việc khó của ngành, Bộ đã tham khảo, lắng nghe ý kiến từ Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.

Đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng phân tích thêm, hiện nay cái khó trong phát triển hạ tầng ngành thủy lợi không chỉ là kinh phí mà còn là kiến thức, trí tuệ để đưa ra được phương án tối ưu nhất, hài hòa nhất.

TS Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước chia sẻ về phương hướng phát triển của hội trong thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

TS Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước chia sẻ về phương hướng phát triển của hội trong thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, TS Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước cho biết, hội ra đời đúng vào thời kỳ nước ta đẩy mạnh khai thác tài nguyên nước, phục vụ cho thủy lợi, thủy điện, phòng chống thiên tai. Các công trình đập có quy mô lớn nhất, kỹ thuật phức tạp nhất ở Việt Nam ra đời trong thời kỳ này.

Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu, về thủy lợi có Cửa Đạt, Tả Trạch, Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Nước Trong – Vân Phong, Tân Mỹ, EA Sup, Phước Hòa, Cái Lớn – Cái Bé...; về thủy điện có Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Pleikrong...

"Hội đã tập hợp chuyên gia, nhà khoa học, tham gia tư vấn, phản biện, phổ biến trao đổi kiến thức ở nhiều giai đoạn, từ quy hoạch, thiết kế, thi công - xây dựng, xử lý sự cố công trình, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, biên soạn tài liệu hướng dẫn.... Sự tham gia tích cực của Hội đã góp phần vào thành công của giai đoạn phát triển hồ đập hết sức sôi động của đất nước", ông Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.

Hiện nay, ưu điểm của Hội là tập hợp được những chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu và có thể tham gia vào tất cả các vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Tuy nhiên, vì các hội viên đa phần là chuyên gia đã về hưu nên cũng có hạn chế về sức khỏe, bên cạnh đó là khó khăn về kinh phí hay cơ chế hoạt động.

Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Thắng cũng khẳng định ngoài kiến nghị các cơ chế mới, hội cũng tự vận động tiếp tục nâng cao năng lực trong tư vấn, phản biện. Bên cạnh đó là truyền thông, phổ biến kiến thức cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thời gian tới.

Cũng nhân dịp này, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

Xem thêm
Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm cấp nhà nước Việt Nam trong hai ngày 19 và 20/6 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thủ tướng yêu cầu chủ tịch các tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Chủ tịch các tỉnh, thành phải trực tiếp chỉ đạo xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh...

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Tiêu thụ trên 75 tấn trái cây tại các dịch vụ vườn sinh thái

Đồng Nai Lễ hội Trái cây Long Khánh 2024 đã bế mạc sau 5 ngày diễn ra từ 12 đến 16/6, thu hút hơn 70 ngàn lượt du khách đến tham quan trải nghiệm.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm