Ngày 25/3, Sở GT-VT TP.HCM tổ chức họp báo về triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM.
Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM cho biết, việc thu phí cảng biển sẽ được các sở ngành, đơn vị thu một cách công khai minh bạch.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM, đơn vị được UBND TP.HCM giao thực hiện nhiệm vụ thu phí cho biết, từ 0h ngày 1/4, TP.HCM chính thức triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển (gọi tắt thu phí cảng biển) trên địa bàn thành phố sau 2 lần lùi kế hoạch.
TP.HCM đã có kế hoạch thu phí cảng biển kể từ 1/7/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên kế hoạch thu phí lùi đến 1/10/2021 và sau đó lùi đến 1/4/2022.
Ông Tuấn cho biết, việc lùi thời điểm thu phí với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng tiền phí dự thu được xem như một khoản hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu vượt qua dịch Covid-19.
Ngoài ra, trước khi vận hành hệ thống thu phí chính thức, từ 0h ngày 16/2 đến hết ngày 15/3 vừa qua, UBND TP.HCM đã giao Cảng vụ Đường thủy nội địa phối hợp Cục Hải quan, các doanh nghiệp cảng biển khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn triển khai vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí cảng biển trên môi trường thật, không thu phí.
Ông Bùi Hòa An, Giám đốc Sở GT-VT TP.HCM cho biết, cùng với sự đầu tư của thành phố cho các công trình giao thông kết nối cảng biển đã và đang triển khai hiện nay, nguồn thu này sẽ bổ sung cho ngân sách TP để tập trung xây dựng 14 công trình giao thông trọng điểm kết nối cảng biển giai đoạn 2021 - 2025.
"TP.HCM đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trước hết. Tất cả các yếu tố đều được cân nhắc, bao gồm thời gian thu phí được vận hành và mức thu. Phí thu được sẽ đầu tư vào khu vực cửa khẩu cảng biển, hỗ trợ lâu dài cho doanh nghiệp, chứ không phải trước mắt.
Nếu thu đúng kế hoạch từ 1/7/2021 đến cuối 2025, dự toán thành phố thu được 16.000 tỉ đồng. So với nhu cầu để triển khai các dự án trên là 95.000 tỉ đồng, chiếm 17%. Khoản thu này sẽ giúp thành phố tăng tốc đầu tư hoàn chỉnh các công trình trọng điểm, giảm ách tắc về giao thông", ông An nói.
Theo Nghị quyết số 10 của HĐND TP.HCM khóa X ban hành ngày 9/12/2020, thì đối tượng áp dụng thu phí cảng biển bao gồm các tổ chức, cá nhân thực hiện cung cấp dịch vụ, nhiệm vụ thu phí và các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM.
Mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển được HĐND TP.HCM khóa X ban hành đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/cont với container 40 feet (Ft) và 2,2 triệu đồng/container với container 20ft.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM, sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/container đối với container 20ft; 1 triệu đồng/cont đối với container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM, áp dụng mức thu là 250.000 đồng/container 20ft; 500.000 đồng/container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ miễn thu phí đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Các hoạt động thu phí sẽ không sử dụng tiền mặt mà giao dịch điện tử liên ngân hàng để nộp phí cho cơ quan thu phí thông qua hệ thống 24/7 của ngân hàng thương mại. Hoạt động thu phí được thực hiện không làm ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.
Ngày 4/3, 7 hiệp hội gồm Thực phẩm Minh bạch, Dệt may, Da giày - Túi xách, Sữa, Nhựa, Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ có văn bản kiến nghị lên Chính phủ, UBND TP.HCM… đã đồng loạt kiến nghị thành phố lùi thời hạn thu phí cảng biển đến hết 31/12 và điều chỉnh các mức thu phí giảm xuống theo hướng công bằng, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp... trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa mới bắt đầu phục hồi sản xuất đã lại phải gánh thêm rất nhiều chi phí như cước vận tải biển tiếp tục tăng cao, chi phí xăng dầu tăng, giá nguyên liệu tăng...