| Hotline: 0983.970.780

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển nông nghiệp

Thứ Tư 08/06/2022 , 10:09 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, cần tập trung cao và thực hiện thật tốt các Nghị quyết của Đảng về 'tam nông'

Ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả rất tích cực

Sáng 8/6, báo cáo về một số nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết: Thực tiễn hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành nông nghiệp đã có nhiều đột phá để phát triển và có những bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tham gia trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tham gia trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Kế thừa thành tựu quan trọng đó, trong 5 tháng đầu năm 2022, trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thách thức, nhất là dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả rất tích cực.

Các lĩnh vực đều có tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ. Trong đó nổi bật nhất là xuất khẩu nông sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu chủ lực tiếp tục duy trì được vị trí và thương hiệu trên thị trường quốc tế, như hồ tiêu đứng đầu thế giới, tăng 25,7%; xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, đạt 2 tỷ USD (tăng 54%); xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn (tăng 10,3%); xuất khẩu rau quả đạt 1,14 tỷ USD; xuất khẩu thuỷ sản đạt 4,79 tỷ USD (tăng 46,3%), xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD (tăng 6,9%).

“Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tiếp tục khẳng định nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, đạt 2 tỷ USD (tăng 54%) so với cùng kỳ năm 2021.

5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, đạt 2 tỷ USD (tăng 54%) so với cùng kỳ năm 2021.

Còn nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho biết, bên cạnh những thành tựu đạt được, nền nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Tuy có nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú như lúa gạo, trái cây, sản phẩm chăn nuôi, thuỷ hải sản nhưng việc xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các thị trường lớn, thị trường đòi hỏi chất lượng cao.

Nguyên nhân chủ yếu là chưa nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao đáp ứng các tiêu chuẩn của nhiều thị trường. Còn nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp do sản xuất còn manh mún, tự phát.

“Là một nước nông nghiệp nhưng chúng ta chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng vật nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư đã ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất”, ông Thành nói.

Bên cạnh đó, năng suất lao động trong nông nghiệp còn rất thấp, chỉ bằng 50% - 60% so với các nước tiên tiến trong khu vực. Qua số liệu thống kê, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu khoảng 60%, năm 2021 nhập khẩu 22,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với giá trị nhập khẩu 10 tỷ USD. Trong đó có hơn 10 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu đậu tương.

Phân bón nhập khẩu tới 42%, năm 2021 nhập khẩu khoảng 1,54 triệu tấn với giá trị 45 tỷ USD; giống cây trồng vật nuôi nhập khẩu là chủ yếu.

Các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp còn nhiều hạn chế, nông sản nước ta, nhất là rau quả vẫn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tình trạng được mùa, mất giá, ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc xảy ra thường xuyên, hàng năm gây nhiều thiệt hại về kinh tế và xã hội.

Về một số giải pháp trong thời gian tới, Phó thủ tướng Phạm Văn Thành cho biết, trước hết các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương cần tập trung cao và thực hiện thật tốt các nghị quyết mà Hội nghị 5, khoá XIII đã thông qua về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; về đổi mới nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã; về hoàn thiện thể chế chính sách quản lý và sử dụng đất đai. Đây là những chủ trương, định hướng lớn để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và tạo động lực mới cho phát triển của ngành nông nghiệp.

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển nông nghiệp

Trên cơ sở các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, định hướng lớn trong chiến lược phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 và tình hình thực tiễn của đất nước ta, Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất là đổi mới tổ chức xuất kinh doanh trong nông nghiệp từ khâu đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống đến quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ hai là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để các sản phẩm nông nghiệp sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa.

Thứ ba là hỗ trợ tín dụng miễn giảm các loại phí thuế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Thứ tư là rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu, chế biến thức ăn, gia súc, thức ăn chăn nuôi. Từ đó quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi.

Thứ năm là tập trung chỉ đạo, tổng kết đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai xây dựng cơ chế chính sách, phát huy nguồn lực đất đai, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng tại một số địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.

Xem thêm
Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người dâng giọt mật cho đời

Nghề làm mật mía đã nuôi sống mấy thế hệ trong gia đình lão Nhạc. Tuy nhiên, lão vẫn lo một ngày nào đó nghề cha ông sẽ bị thất truyền.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất