Chuyển tư duy khai thác sang cung cấp dịch vụ thủy lợi. Đắk Nông thu gần 1.000 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng từ 2012. Nhiều địa phương tăng diện tích trồng lúa. Giá mít Thái cao nhất 30.000 đồng/kg.
CHUYỂN TƯ DUY KHAI THÁC THỦY LỢI SANG CUNG CẤP DỊCH VỤ THỦY LỢI
Sáng 2/11, Cục Thủy lợi tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác đa mục tiêu, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị công trình thủy lợi.
Theo các đại biểu tham dự, định mức giá khai thác thủy lợi đã được xây dựng từ nhiều năm, hiện không còn phù hợp với thực tế. Ngoài ra, các công trình thủy lợi được xây dựng tại nhiều vùng, miền khác nhau nên rất khó áp dụng một công thức chung mà vẫn đảm bảo dân sinh, phục vụ sản xuất.
Chia sẻ và động viên các cán bộ thủy nông, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, qua nhiều chuyến thực tế, giám sát, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nắm được những khó khăn tại cơ sở như: nợ lương cán bộ, công nhân viên, khó vận hành công trình ở vùng sâu vùng xa.
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng yêu cầu cán bộ quản lý, khai thác công trình thủy lợi chủ động, tích cực tìm tòi các phương án đảm bảo hoạt động sản xuất. Đồng thời, chuyển tư duy từ khai thác thủy lợi sang cung cấp dịch vụ thủy lợi.
ĐẮK NÔNG THU GẦN 1.000 TỶ ĐỒNG DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG TỪ 2012
Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng Đắk Nông, từ năm 2012 đến nay, tổng số tiền thu dịch vụ môi trường rừng đạt gần 1.000 tỷ đồng. Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giúp huy động nguồn tài chính ổn định để đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần quan trọng trong việc quản lý, khai thác có hiệu quả, bền vững.
Hiện nay, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho tất cả các đơn vị chủ rừng ở Đắk Nông đều được thực hiện bằng hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng.
Đến nay 100% các đơn vị sử dụng dịch vụ đã thực hiện ký kết hợp đồng chi trả theo quy định. Tổng diện tích bình quân qua các năm được xác định cung ứng dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh hơn 148.000ha.
Đặc biệt, tỷ trọng bình quân tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm chiếm hơn 70% tổng mức đầu tư cho ngành lâm nghiệp.
NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG TĂNG DIỆN TÍCH TRỒNG LÚA
Trong bối cảnh giá lúa lên cao khi nhiều quốc gia tăng nhập khẩu gạo Việt Nam, nhiều nông dân tại ĐBSCL đã mở rộng, chuyển đổi diện tích một số cây trồng khác sang trồng lúa.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, kế hoạch vụ hè thu 2023, địa phương này xuống giống 138.000ha, nhưng thực tế diện tích trồng lúa đạt gần 141.000ha. Riêng vụ thu đông tăng gần 4.000ha so với cùng kỳ năm ngoái. Kế hoạch vụ đông xuân 2023 - 2024, Sóc Trăng xuống giống hơn 170.000ha.
Trong khi đó, tổng diện tích gieo trồng lúa trong năm 2023 của tỉnh Kiên Giang đạt hơn 710.000ha, vượt gần 2% so với kế hoạch. Tương tự, diện tích lúa tại An Giang cũng tăng 6% so với kế hoạch.
GIÁ MÍT THÁI CAO NHẤT 30.000 ĐỒNG/KG
Giámít Thái hôm nay, ngày 2/11 tại Tiền Giang biến động nhẹ, tăng xấp xỉ 1.000 đồng/kg. Cụ thể, giá mít loại 1 khoảng 30.000 đồng/kg, còn mít Kem lớn là 28.000 đồng/kg và mít Kem nhỏ là 18.000 đồng/kg.
Hiện Tiền Giang là một trong những địa phương có diện tích trồng mít lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với hơn 15.000 ha, sản lượng trên 270.000 tấn/năm.
Ghi nhận tại một số nhà vườn khu vực nam bộ, bệnh héo cuống đang có dấu hiệu lây lan, làm ảnh hưởng đến năng suất. Bệnh do nấm khuẩn gây hại, tấn công từ gốc mít lan dần lên cuống. Do đó, người dân phòng ngừa từ sớm bằng cách phun thuốc trị nấm khuẩn theo khuyến cáo của cán bộ nông nghiệp địa phương.