Tại Hải Dương, ghi nhận 5 ca mắc Covid-19, ca bệnh 2396-2399 và 2401 (BN2396-2399, BN2401). Đây đều là các trường hợp F1, đã được cách ly tập trung trước đó. Hiện bệnh nhân 2396 và bệnh nhân 2399 được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương; bệnh nhân 2401 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 - Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh.
Tại Quảng Ninh ghi nhận một trường hợp là bệnh nhân 2400, là trường hợp F1 liên quan đến các bệnh nhân bệnh nhân 1633 và bệnh nhân 1655, bệnh nhân 1656, bệnh nhân 2093. Hiện bệnh nhân 2400 đang được cách ly, điều trị tại Điều trị tại Bệnh viện số 2 tỉnh Quảng Ninh.
Tính đến 18h ngày 23/2, Việt Nam có tổng cộng 1.502 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 809 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 107.685, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 596, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.628, cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 94.461.
Hải Dương hiện ghi nhận số ca nhiễm SARS-CoV-2 cộng đồng cao nhất toàn quốc trong đợt dịch bùng phát từ cuối tháng 1 đến nay. Từ ngày 28/1 đến chiều 23/2, Hải Dương ghi nhận 622 ca nhiễm.
Hôm nay, sang ngày thứ 7 Hải Dương cách ly toàn tỉnh, số lượng ca mắc đã giảm nhiều, tỉnh cũng đã làm chủ được các điểm nóng trước đây như Cẩm Giàng, Chí Linh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, còn một tuần nữa Hải Dương hết cách ly xã hội, đây là khoảng thời gian quan trọng, tỉnh Hải Dương cần tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để sớm khống chế dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình thường cho người dân.
"Sau khi Hải Dương hết dịch, chúng ta cũng phải trong trạng thái sẵn sàng chống dịch như các nơi khác, bởi Việt Nam với 100 triệu dân, đường biên giới rất dài, nền kinh tế mở, trong khi vẫn đón chuyên gia nước ngoài vào phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Vì vậy, không ai có thể nói Việt Nam tuyệt đối không có mầm bệnh trong cộng đồng. Lúc nào chúng ta cũng phải sẵn sàng. Chống dịch bao giờ cũng phải khẩn trương nhất, quyết liệt nhất, đồng bộ nhất.
Chúng ta phải kiên trì nguyên tắc, chiến lược chống dịch từ những ngày đầu. Trong từng thời kỳ, chiến thuật thay đổi linh hoạt, nhưng chiến lược 5 bước 'ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch - điều trị' thì không thay đổi. Đặc biệt là phát hiện, truy vết và bây giờ thêm sàng lọc cộng đồng có trọng tâm, trọng điểm", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 sáng 23/2.