| Hotline: 0983.970.780

60% lượng hồ tiêu tuân thủ các yêu cầu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Thứ Năm 30/11/2023 , 09:08 (GMT+7)

Dự án Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam đã giúp giảm mạnh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Dự án đã giúp cải tạo hơn 8.500ha tiêu theo tiêu chuẩn nông nghiệp xanh tại Tây Nguyên. Ảnh: IDH.

Dự án đã giúp cải tạo hơn 8.500ha tiêu theo tiêu chuẩn nông nghiệp xanh tại Tây Nguyên. Ảnh: IDH.

Thay đổi quy trình canh tác, giảm thuốc BVTV

Dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam”, do Liên minh châu Âu (EU) và IDH tài trợ, được thực hiện trong giai đoạn 2021-2023 tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai.

Sau 3 năm triển khai, dự án đã giúp gần 8.000 hộ nông dân được nâng cao kiến thức, thực hành sản xuất nông nghiệp xanh theo các tiêu chuẩn trên diện tích 8.500ha và đạt được một số kết quả như: Tăng 60% khối lượng hạt tiêu tuân thủ các yêu cầu dư lượng thuốc BVTV của thị trường cao cấp; 50% đại lý thuốc BVTV ký cam kết tuân thủ các quy định về quản lý thuốc.

Ngoài ra, dự án còn góp phần giảm 98% việc sử dụng thuốc BVTV cấm; huy động 12 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu Việt Nam tham gia vào dự án; 14 đội dịch vụ nông nghiệp được thành lập nhằm cung cấp dịch vụ nông nghiệp, tư vấn và giám sát việc sử dụng hóa chất có trách nhiệm…

Là người hưởng lợi từ dự án, bà Triệu Thị Châu, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cho biết, gia đình bắt đầu trồng tiêu hơn 15 năm trước.

Thời điểm này để tiêu đạt được sản lượng, gia đình đã sử dụng nhiều phân, thuốc BVTV. Việc này đã đẩy chi phí đầu tư của gia đình tăng cao. Đặc biệt, sau thời gian lạm dụng phân, thuốc BVTV hóa học khiến vườn tiêu bị nhiễm bệnh, đất đai thoái hóa.

“Do lạm dụng phân, thuốc BVTV hóa học nên tiêu bị bệnh và chết hơn một nửa, cộng với giá xuống thấp nên nhiều thời điểm gia đình bỏ chăm sóc. Sau khi tham gia dự án, gia đình được tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc, sử dụng phân, thuốc BVTV. Khi chuyển sang quy trình canh tác bền vững đã giúp giảm số lượng lớn phân thuốc, từ đó tiết giảm chi phí. Ngoài ra còn giúp vườn tiêu được phục hồi và sản lượng tiêu tăng lên đáng kể”, bà Vân chia sẻ.

Tương tự, bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Hoàng Nguyên (Đắk Nông) cho hay, mục tiêu của HTX đặt ra là hướng tới sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, hữu cơ, bảo đảm an toàn cho người sản xuất và tạo ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng. Từ đó, từng bước tạo ra sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế để kết nối đầu ra trong nước và xuất khẩu.

Để thực hiện mục tiêu này, HTX thành lập bộ phận hướng dẫn kỹ thuật và Ban kiểm soát môi trường để hướng dẫn các hộ thành viên sản xuất đúng quy trình. Cùng với đó, để thay đổi lối canh tác truyền thống, lãnh đạo HTX thường xuyên vận động, tuyên truyền mọi người thay đổi phương thức sản xuất, sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc BVTV thân thiện với môi trường.

Người dân tham gia chương trình tiêu bền vững đã giảm hơn 60% lượng phân, thuốc BVTV. Ảnh: IDH.

Người dân tham gia chương trình tiêu bền vững đã giảm hơn 60% lượng phân, thuốc BVTV. Ảnh: IDH.

Đặc biệt, bà Thu cho biết thêm, tham gia chương trình phát triển tiêu bền vững đã giúp thay đổi tư duy canh tác của người dân.

"Lúc đầu, các thành viên không mặn mà với sản xuất nông nghiệp sạch, vẫn theo quan điểm mạnh ai nấy làm. Phải trải qua một thời gian dài vận động, tuyên truyền và các thành viên ban quản trị phải tiên phong làm trước, thấy kết quả tốt thì các thành viên HTX mới nghe theo", bà Thu nói.

Theo bà Thu, hiện nay, các thành viên trồng tiêu phải sử dụng trụ sống, bón 100% phân chuồng đã ủ hoai mục với nấm trichoderma. Hằng năm, phải rải vôi bột 2 lần trên bề mặt vườn cây để chống nấm xâm nhập, hạn chế mầm bệnh.

Hiệu quả của việc thay đổi quy trình chăm sóc, bón phân cho cây là đất trồng tiêu được cải tạo, tơi xốp hơn, tăng khả năng giữ nước và thoát nước. Canh tác theo hướng hữu cơ còn giúp tăng các chủng loại vi sinh vật có ích trong đất, nâng cao sức sống rễ cây, hạn chế mầm bệnh gây hại có trong đất.

Giúp ngành tiêu phát triển bền vững

Theo thống kê, Tây Nguyên chiếm khoảng 60% diện tích trồng tiêu cả nước với hơn 70.000ha. Những năm gần đây, việc trồng hồ tiêu tại Tây Nguyên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngành hồ tiêu Việt Nam phải đối mặt với việc mất khả năng cạnh tranh quốc tế về chất lượng và giá cả, ảnh hưởng đến sinh kế của các hộ nông dân trồng tiêu.

Nguyên nhân chính do việc sử dụng không đúng cách các hóa chất nông nghiệp, quy trình canh tác thiếu bền vững, thiếu thông tin cập nhật về xu hướng và yêu cầu mới từ thị trường.

60% khối lượng hạt tiêu tuân thủ các yêu cầu dư lượng thuốc BVTV của thị trường cao cấp. Ảnh: IDH.

60% khối lượng hạt tiêu tuân thủ các yêu cầu dư lượng thuốc BVTV của thị trường cao cấp. Ảnh: IDH.

Bà Phan Thị Vân, Giám đốc Chương trình IDH Việt Nam cho biết, dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” đã tạo nên sự thay đổi thực sự bền vững trong sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trên quy mô lớn.

“IDH cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành hồ tiêu Việt Nam phát triền bền vững. Trong thời gian tới, IDH sẽ tăng cường huy động sự tham gia đầu tư của khối công, khối tư để nhân rộng các kết quả của dự án.

Đặc biệt, IDH sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ NN-PTNT, VPSA và các doanh nghiệp gia vị Việt Nam xây dựng, triển khai các chương trình tập trung vào các vấn đề quản lý dư lượng thuốc BVTV, cải thiện sinh kế của người dân. Đồng thời hỗ trợ ngành gia vị Việt Nam đáp ứng với những yêu cầu mới của thị trường về các vấn đề xã hội và môi trường”, bà Vân nói.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao dự án vì đã tạo điều kiện cho nông dân trên địa bàn 6 huyện của 3 tỉnh Tây Nguyên sản xuất hồ tiêu bền vững. Sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững là xu hướng tất yếu của thị trường hiện nay, đòi hỏi các cấp, ngành cùng người dân cần thay đổi và phát triển đồng bộ.

Dự án đã giúp ngành tiêu Tây Nguyên cũng như cả nước phát triển bền vững. Ảnh: IDH.

Dự án đã giúp ngành tiêu Tây Nguyên cũng như cả nước phát triển bền vững. Ảnh: IDH.

Theo ông Văn, Đắk Lắk mong muốn, thời gian tới, phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Tổ chức IDH cùng các cơ quan, đơn vị tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu đạt chứng nhận theo yêu cầu của thị trường; tạo điều kiện cho những ngành hàng nông sản khác của địa phương được tiếp cận các dự án, từ đó gia tăng lợi nhuận và phát triển kinh tế bền vững.

“Tỉnh Đắk Lắk luôn hỗ trợ, đồng hành cùng các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển nông sản theo hướng bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân, nâng cao giá trị nông sản địa phương”, ông Văn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhận định: “Bên cạnh các tác động trực tiếp của dự án thì một tác động khác cũng vô cùng quan trọng chính là vấn đề môi trường.

Trước đây bà con nông dân sử dụng hóa chất, thuốc BVTV một cách chủ quan và cảm tính nên đã gây ảnh hưởng đến môi trường sống. Ngoài các yếu tố về sản xuất, thu nhập… thì sức khỏe của người nông dân và của người sống trong vùng sản xuất là những vấn đề rất lớn cần được quan tâm.

Dự án đã làm thay đổi nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc BVTV đúng cách và điều đó làm cho sức khỏe của người dân được bảo đảm".

Xem thêm
Tiềm năng làm sạch đất trồng nhiễm Cadimi nhờ sức mạnh của thực vật

Một số loài cây có thể hút và lưu giữ kim loại nặng, gồm chì, Cadimi, asen… không chỉ giúp làm sạch đất ô nhiễm mà còn cho phép thu hồi các kim loại quý.

Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị về thuế khô dầu đậu tương

Nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vừa cùng gửi văn bản nêu những vướng mắc về mã số hàng hóa của mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Toàn Thắng Corporation hợp tác chiến lược với Hannam Bio Hàn Quốc

Toàn Thắng Corporation và Hannam Bio sẽ hợp tác trong phát triển sản xuất vi sinh vật có lợi, tăng năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển bền vững ngành thủy sản.