| Hotline: 0983.970.780

Quản lý đất và phân bón để sản xuất bền vững hồ tiêu

Thứ Sáu 08/09/2023 , 10:30 (GMT+7)

Để sản xuất tiêu bền vững cần bón phân hợp lý, áp dụng các biện pháp tổng hợp ngăn ngừa sự xâm nhiễm và gây hại của các loại sâu bệnh sinh ra từ đất.

Quản lý sâu bệnh và bón phân hợp lý là vấn đề quyết định sự bền vững, ổn định của vườn tiêu.

Quản lý sâu bệnh và bón phân hợp lý là vấn đề quyết định sự bền vững, ổn định của vườn tiêu.

Trong canh tác hồ tiêu, sâu bệnh là vấn đề quyết định sự bền vững, ổn định của nhà vườn. Các loại sâu bệnh hại sinh ra từ đất đặc biệt nguy hiểm vì khó phát hiện và nhiều khi phát hiện ra đã muộn, khó chữa trị hiệu quả và chúng có thể gây nên sự hủy diệt cả vườn tiêu. 

Các loại sâu bệnh nguy hiểm trong đất gây hại hồ tiêu là: rệp sáp hại rễ hồ tiêu (Pseudococcus citri); bệnh vàng lá chết chậm mà nguyên nhân do tuyến trùng (Meloidogyne incognita) kết hợp nấm (Fusarium solani) gây hại rễ; bệnh do nấm (Phytophthora spp).

Bệnh do Phytophthora làm cho cây tiêu có thể chết rất nhanh sau 7-10 ngày nếu nấm bệnh tấn công vào cổ rễ (héo chết nhanh), cũng có thể làm cây tiêu có triệu chứng giống bệnh vàng lá chết chậm nếu nấm bệnh tấn công vào hệ thống rễ hút.

Các loại sâu bệnh vừa kể tấn công hệ thống rễ hoặc thân ngầm cây tiêu làm giảm hoặc mất khả năng hút nước, hút dinh dưỡng nuôi cây, cây vàng lá dần và có thể chết. Bệnh lây lan nhanh trong đất nên rất khó phòng trừ.

Trong thực tế sản xuất, nguyên nhân làm cây tiêu suy yếu, lá vàng, rụng đốt, chỉ còn trơ lại bộ xương trên trụ thường rất phức tạp. Trong nhiều trường hợp là sự gây hại tổng hợp của rệp sáp, tuyến trùng và các loại nấm bệnh trong đất.

Do vậy, để vườn tiêu phát triển ổn định, chống chịu được các dịch hại nguy hiểm, cần áp dụng tổng hợp các biện pháp như: chọn giống sạch bệnh, kỹ thuật canh tác tốt, biện pháp sinh học, biện pháp hóa học…

Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến các kỹ thuật canh tác liên quan đến đất đai và phân bón trong việc phòng trừ các loại sâu bệnh sinh ra từ đất.

Quản lý tốt đất trồng tiêu

Để làm giảm bớt nguy cơ phát sinh phát triển của các dịch bệnh sinh ra từ đất, trước hết phải chọn lựa đất trồng tiêu phù hợp.

Hồ tiêu trồng được trên nhiều loại đất khác nhau như đất đỏ phát triển trên đá bazan, đất đỏ vàng phát triển trên sa phiến thạch, diệp thạch, đất cát xám trên đá granit, đất phù sa, đất sét pha cát, đất có sỏi cơm... miễn là đất thoát nước tốt, không bị úng ngập, tầng canh tác dày hơn 70cm.

Tránh lập lại vườn tiêu trên các vùng trồng tiêu đã bị các loại sâu bệnh hại trong đất phá hoại. Nếu nhất thiết phải trồng tiêu lại trên các vùng này, cần có thời gian cách ly và cải tạo đất, luân canh với cây trồng khác từ 3-4 năm để cắt đứt nguồn sâu bệnh.

Nên thiết lập hệ thống thoát nước cho vườn tiêu, đặc biệt là các vườn tiêu trồng trên vùng đất bằng phẳng.

Áp dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu: tránh cày bừa, xới xáo nhiều trong vườn tiêu để giảm bớt sự xói mòn khi trồng tiêu trên đất dốc.

Việc áp dụng làm đất tối thiểu còn giảm được sự xáo trộn, tổn thương bộ rễ tiêu vốn rất nhạy cảm với sự tấn công của sâu bệnh hại trong đất. Không nên làm sạch hết cỏ trong vườn tiêu.

Chỉ làm sạch cỏ trong gốc tiêu và tránh làm tổn thương gốc tiêu để hạn chế nấm bệnh xâm nhập gây hại. Cỏ giữa hai hàng tiêu cần được cắt phát nhiều lần trong năm trước khi cỏ ra hoa.

Duy trì thảm cỏ được cắt ngắn góp phần giảm sự xói mòn rửa trôi và cung cấp thêm chất hữu cơ cho vườn tiêu làm tăng độ tơi xốp của đất, cải thiện được tính chất vật lý, hóa học và sinh học của đất.

Ngoài ra, việc duy trì thảm thực vật trong vườn tiêu cũng làm tăng tính đa dạng sinh học trên đồng ruộng, hạn chế sự lây lan các loại sâu bệnh trong đất từ gốc tiêu này sang gốc tiêu khác.

Bón phận Đầu Trâu giúp nâng cao năng suất, chất lượng hồ tiêu.

Bón phận Đầu Trâu giúp nâng cao năng suất, chất lượng hồ tiêu.

Quản lý dinh dưỡng cho cây hồ tiêu

Bón phân hữu cơ hàng năm: Phần lớn các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước đều thống nhất rằng phân hữu cơ là loại phân không thể thiếu trong kỹ thuật trồng tiêu.

Phân hữu cơ ngoài việc cung cấp dinh dưỡng cân đối cho cây trồng còn có tác dụng cải thiện lý hóa tính đất, tăng khả năng thoát và giữ nước, thúc đẩy sự hoạt động của vi sinh vật đối kháng từ đó hạn chế được sự phát triển của rệp sáp, tuyến trùng, nấm bệnh trong đất.

Phân chuồng được bón hàng năm với lượng 10-15kg/trụ tiêu. Có thể thay phân chuồng bằng các loại phân hữu cơ chế biến với lượng 1-3 kg/trụ.

Ưu tiên sử dụng các loại phân hữu cơ có phối trộn các dòng vi sinh vật đối kháng như Trichoderma, Pseudomonas….. Công ty CP Phân bón Bình Điền cũng đã đưa ra sản xuất các loại phân hữu cơ vi sinh có phối trộn với các dòng vi sinh vật đối kháng.

Đó là phân Hữu cơ Trichoderma, HCMK7, HCMK8…

Bón phân hóa học cân đối và hợp lý: Cũng như nhiều loại cây trồng khác, cây hồ tiêu cần được bón phân vô cơ cân đối và hợp lý cả về các chất dinh dưỡng đa lượng và trung vi lượng.

Bón phân mất cân đối, đặc biệt là bón nhiều đạm, cây tiêu dễ bị nhiễm bệnh do nấm Phytophthora gây ra.

Lượng bón tùy theo năng suất hồ tiêu. Trụ tiêu đạt khoảng 4 kg tiêu đen được đề nghị bón tổng cộng khoảng 1-1,2 kg phân NPK hỗn hợp/trụ/năm, chia thành 5-6 lần để bón, mỗi lần bón khoảng 0,15 - 0,2kg/trụ. Nếu năng suất cao hơn có thể tăng thêm 0,2-0,3 kg/trụ/năm.

Đầu mùa mưa, để thúc đẩy việc phát triển cành mới và ra hoa tập trung, bón các loại NPK hỗn hợp có tỷ lệ N và P cao như 16-16-8-8S TE, 20-20-15 TE…

Khi quả đã đậu và bắt đầu lớn trên gié tiêu, bón loại phân NPK hỗn hợp có tỷ lệ N và K cao để nuôi quả.

Có thể sử dụng các loại như 16-8-16-9S TE hoặc phân chuyên dùng cho hồ tiêu 19-9-19 TE để bón trong thời gian nuôi quả.

Quản lý tốt đất vườn tiêu và bón phân hợp lý giúp cho môi trường đất tốt, hệ thống rễ tiêu phát triển khỏe mạnh, chống đỡ được sự tấn công của các loại sâu bệnh hại trong đất, từ đó giúp vườn tiếu phát triển bền vững, ổn định.

Xem thêm
Sâu cuốn lá và cách phòng trị

Sâu cuốn lá là dịch hại phổ biến trên lúa, nhất là ở vùng trồng lúa thâm canh, dùng nhiều phân đạm làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất và chất lượng nông sản...

Quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang chồng chéo, xung đột

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang xung đột giữa các quy định hiện hành và mang nặng tính hình thức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?