| Hotline: 0983.970.780

60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển: Vượt cạn trên Biển Đông

Thứ Năm 21/10/2021 , 10:37 (GMT+7)

Đúng 22h ngày 15/10/1964, tại cảng K20, T41 lặng lẽ rời cảng bắt đầu cuộc hành trình dài ngày trên Biển Đông trong chuyến đi tối mật.

Tàu không số giả dạng tàu đánh cá trên Biển Đông. Ảnh tư liệu.

Tàu không số giả dạng tàu đánh cá trên Biển Đông. Ảnh tư liệu.

Giữa tháng 10/1964, T41 với 7 sỹ quan và 10 chiến sỹ được giao trọng trách chở 60 tấn đạn và vũ khí chiến lược cùng 4 vị khách trên gửi xuống, từ miền Bắc vào miền Nam. Đúng 22h ngày 15/10/1964, tại cảng K20 (một điểm ven bờ tả ngạn sông Cấm, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng), với sự chỉ huy của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, T41 lặng lẽ rời cảng bắt đầu cuộc hành trình dài ngày trên biển Đông. Hải trình đã được Bộ Tư lệnh Hải quân và Đoàn bộ (Đoàn 759) duyệt y tối mật. 

Đây là những dòng viết theo hồi ức của ông Trần Văn Lịch, một cựu chiến binh “tàu không số” về chuyến đi đầu tiên chở vũ khí, cán bộ từ Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong chuyến đi ấy, ngoài chuyện sóng gió, sự cố xảy ra tưởng như không qua nổi trên con tàu số hiệu 41 (T41), qua hồi ức của người cựu chiến binh, chúng ta có thể cảm nhận được tình đồng chí, đồng đội của đời lính trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những con người thật, việc thật ở một con tàu mang tên T41 đã góp phần làm nên con đường huyền thoại mang tên “Hồ Chí Minh trên biển”. 17 sỹ quan, thuỷ thủ trong chuyến đi ấy nay chỉ còn 13 người. Thủy thủ trưởng Trần Văn Nhợ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ năm 1966. Thuyền phó Nguyễn Hồng Lỳ, thuỷ thủ Nguyễn Công Ở, thuỷ thủ Nguyễn Văn Tiến đã mất vì bệnh sau ngày nước đất nước thống nhất. Thủy thủ Trần Văn Lịch hiện sinh sống tại TP Hải Phòng. Riêng thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh (hiện đang sinh sống tại Tuy Hòa, Phú Yên) đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng sau những chiến công đưa “tàu không số” chở vũ khí vào chi viện cho miền Nam thành công.

Sự ân hận muộn màng

Gió quất mạnh mũi tàu, từng tảng mây nặng nề trôi ngang, mặt biển nổi sóng màu tím sẫm. Thuỷ thủ Trần Văn Lịch nghĩ bụng: “Thời tiết này biển động là chắc”. Trên biển, con tàu chỉ bé như chiếc lá. Những con sóng cao, chân rộng cuộn đứng trước mũi tàu. Con tàu chồm lên, trườn qua ngọn sóng nhưng nhanh chóng lại bị phủ kín, như sắp bị nhấm chìm.

Các anh lớn tuổi trên tàu bảo: “Đây là điều may mắn, thời tiết giúp ta tạo nên yếu tố bất ngờ cho chuyến đi”. Còn những anh lính trẻ trên tàu thì coi đây là thử thách, là một phần gian khổ trên con đường vượt biển Đông chở hàng chi viện vào chiến trường miền Nam.

Đã qua đêm, khoảng 3h sáng có người xuống thay lái, thuỷ thủ Lịch lên nóc ca bin ngồi quan sát. Lúc này, gió giảm đi so với ca trước. Dưới anh trăng mờ mờ, anh nhận thấy vết sóng đi cuộn dồn lên như đuổi theo chân tàu. Chúng dàn hàng ngang như sóng cồn, sùi bọt, nổ lép bép khi va vào thành mạn.

Những người đi biển lâu năm cho đây là một hiện tượng xấu. Có thể tàu đi vào vùng “nước nông” cần phải lưu ý. Thế nhưng, thuỷ thủ Lịch đã bỏ qua hiện tượng “lạ” đó. Không phải vì anh chủ quan mà chính là sự “non nớt” thiếu hiểu biết về biển. Để rồi sau đó anh phải ân hận, phải nhớ mãi kỷ niệm đó trong đời lính mỗi khi nhìn thấy sóng biển.

Sau muôn vàn ngọn sóng dồn lên, bác Trần Văn Nhợ (thuỷ thủ trưởng tàu 41) thấy mũi tàu đảo nhanh không ăn lái, linh tính nghề nghiệp mách bảo bác tắt máy. Con tàu theo quán tính lao lên rồi khựng lại. Những người đi ca nhào theo hướng tàu. Một âm thanh cọ sát giữa con tàu với vật cản từ đáy nghe rất nghê tai. Con tàu dừng hẳn, phần boong mũi nhô cao lên.

Sự việc xảy ra quá nhanh, mọi người chạy ra boong hầm. Một ý nghĩ thoáng nhanh: “Tàu mắc cạn”. Sau này, khi đọc cuốn “Nhật kí Hàng hải” chuyến đi được ghi rõ: “03h20 ngày 18/10/1964, tàu mắc cạn tại bãi san hô gần đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa”.

Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh tay bám lan can ca bin, sau những phút ngỡ ngàng nhìn biển rồi lao nhanh xuống buồng mái. Đèn hải đồ bật sáng, thuyền trưởng bàn gì đó cùng với chính trị viên và thuyền phó trên tàu.

Là người lâu năm đi biển, bác Nhợ biết phải làm gì vào phút ban đầu của sự cố này. Bác gọi hạ sĩ, thuỷ thuỷ Nguyễn Công Ở ở lại dùng sào đo sâu xác định ngay vùng cạn, lập sơ đồ ngay tức khắc. Lính trẻ trên tàu phần vì chậm trễ, phần vì bàng hoàng thường ngày nói cười ầm ĩ nhưng ở thời điểm này chỉ nhìn nhau thì thầm về những điều vừa xảy ra trên con tàu.

Mọi người nhìn ra boong, riêng máy trưởng Phạm Văn Nhạn (Ba Nhạn) nhào vội xuống hầm máy. Ở đây, kíp trực ca máy nghe rõ tiếng cọ sát ghê tai nhất từ đáy tàu. Sau một hồi xem xét khoang máy, máy trưởng lên ca bin gặp thuyền trưởng báo cáo: “Tạm ổn chân vịt, đợi sáng mai sẽ xuống xem lại”.

Con tàu nằm im, trời cũng sáng dần. Tại buồng lái, có cuộc hội ý chớp nhoáng của thuyền trưởng với các sĩ quan đầu ngành. Các chiến sĩ còn lại cùng 4 vị khách trên tàu không ai bảo ai cũng có mặt đầy đủ tại mặt boong với ánh mắt lo lắng và chờ đợi điều gì đó.

Trầm ngâm và điềm tĩnh, đó là tác phong hàng ngày của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh. Anh nhìn mọi người một lượt rồi nói: “Tàu ta dạt vào bãi san hô, vùng Nam Hoàng Sa. Thuỷ triều đang rút vào giờ chót. Đợi sáng rõ, các ngành cho kiểm tra, nhất là bánh lái, chân vịt. Ở vĩ độ này, ảnh hưởng nhiều vào bán nhật triều. Nghĩa là, chúng ta nằm ở đây khoảng mười hai tiếng. Tôi đã điện về nhà xin hỗ trợ. Chúng ta thật bình tĩnh, hy vọng sẽ ra cạn vào giờ nước lớn”.

Nghe thuyền trưởng Thạnh nói xong ai cũng thở phào và “tươi” lên đôi chút. Riêng thuỷ thủ Lịch một phần mặc cảm được vơi đi. Anh luôn nghĩ rằng: “Tàu mắc cạn lúc mình đang trong ca trực, lại chính mình ngồi quan sát nhưng không báo cáo kịp thời”.

Thấy cấp dưới có tâm sự, chính trị viên Trần Hoàng Chiến đến vỗ vai thuỷ thủ Lịch: “Lần đầu đi biển, hiểu hết biển sao được, không phải suy nghĩ”. Được cấp trên động viên, thuỷ thủ Lịch vui đôi chút nhưng nỗi ân hận, day dứt về việc “non nớt”, không phán đoán trước sự cố vẫn canh cánh bên mình.

Tập thể cán bộ chiến sĩ tàu 41 chụp ảnh kỷ niệm khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa vũ khí và cán bộ cấp cao vào miền Nam. Ảnh tư liệu.

Tập thể cán bộ chiến sĩ tàu 41 chụp ảnh kỷ niệm khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa vũ khí và cán bộ cấp cao vào miền Nam. Ảnh tư liệu.

Tạm biệt nhé bãi cạn

Trời sáng, thuỷ triều cuốn gần như hết con nước. Tàu 41 lộ rõ, nằm gếch lên bãi san hô. Phần lái và chân vịt thật may còn chìm ngập bởi một vũng chạy dài ra biển. Phóng tầm mắt ra xa, những dải sóng vỗ bãi tung bọt trắng xoá. Trông thì đẹp thật nhưng khó tả tâm tư của người lính trẻ lúc này.

Theo quy luật của biển, thuỷ triều có nước ròng cũng sẽ có nước lớn, nước cường. Những người trên tàu 41 cũng mong đợi quy luật đó nhưng khi nghĩ đến việc từng có hai “tàu không số” trước đó cạn ở vùng biển xa nhưng không ra được, phải phá huỷ tàu và hàng hoá nên đau xót lắm. “Liệu việc này sẽ lặp lại sao?”. Suy nghĩ này lướt nhanh qua đầu các anh lớn tuổi trên tàu nhưng không ai dám nói ra.

Hai thuỷ thủ khoẻ nhất men theo những bãi san hô phía sau tàu lái, người vá neo, người kéo dây cáp, tìm khe rãnh sâu cắm neo. Việc nặng như vác neo, kéo cáp để tàu ra cạn chả có gì nặng nhọc với những người lính trẻ lúc này. Cáp neo phụ được cơ bắp chục anh lính trẻ trên tàu giúp sức, kéo căng và cố định. Bác Nhợ giải thích: “Khi thuỷ triều lên, anh chàng này (chỉ neo phụ) sẽ giúp chúng ta đắc lực”.

Lúc này, máy trưởng Ba Nhạn tay cầm búa xuống vũng kiểm tra bánh lái, chân vịt và lườn tàu. Kinh nghiệm cho anh biết: “Lên cạn vào giờ nước này chân vịt, bánh lái không sứt mẻ thì chắc chắn tàu ra cạn”. Niềm tin của anh như luồng gió mát làm mọi người quên đi nỗi mỏi mệt.

Những tưởng khi thuỷ triều lên, mọi việc xuôi đi êm ả. Không như vậy, một việc rất đơn giản mà chưa ai nghĩ đến. Thuỷ triều lên, nước dâng cao, tàu có giai đoạn nửa nổi nửa chìm. Mỗi khi sóng đến, tàu nâng lên nửa chừng rồi bị hạ mạnh xuống gây lên những cú đập mạnh, cảm giác tàu bị gãy lườn đến nơi. Ai đi biển chứng kiến con tàu như vậy mà không đau nhói con tim. Cánh thuỷ thủ chỉ còn làm theo cách không cho cáp neo trùng, cũng không để cáp căng quá, giảm đi phần nào tính dao động.

Con tàu đã mắc cạn gần mười tiếng. Tinh ý mới thấy được sự lo lắng có phần sốt ruột của người chỉ huy cao nhất. Anh đã cùng cấp phó của mình tính toán, xác định thời điểm cho con tàu ra cạn. Cái khó khi ra cạn là sự kết hợp đúng lúc giữa sức mạnh của biển cả với sức lực sẵn có trên con tàu. Nghĩa là, biết tận dụng nước thuỷ triều cường, kết hợp máy lùi cùng với sức kéo của cơ bắp con người. Cả ba yếu tố này được kết hợp đúng lúc sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp kéo tàu lùi ra. Điều này phải chờ đợi vào sự tỉnh táo, quyết đoán của thuyền trưởng.

Đúng vào giờ nước cường, con sóng cao nhất dồn đến dâng tàu lên, sợ cáp neo căng như dây đàn, tàu lùi hết mã lực. Con tàu chao đảo, như ngựa ghìm cương. Trong giây lát, sợi cáp căng tưởng đứt bỗng trùng xuống, mũi tàu ngả dần, gạt nước tạo thành dải sóng gợn hình vòng cung. Theo đà, tàu day mũi và lùi nhanh.

Neo phụ được nhấc lên, đặt phơi bụng trên boong lái. Lính trẻ trên tàu nhìn nhau mỉm cười rồi cùng nhìn về phía bãi cạn giơ tay cao, nắm chặt: “Tạm biệt nhé bãi cạn!” Hạ sĩ Nguyễn Công Ở lúc đó một mình nói giọng miền biển Quảng Bình: “Tạm biệt nhà mi!”. Vừa bụm miệng cười, vừa vẫy tay như mọi người, thủy thủ Lịch nghĩ thầm: “Khó mà gặp lại!”.

Ông Trần Văn Lịch cùng đồng đội quay lại chiến trường xưa. Ảnh: Kim Thược.

Ông Trần Văn Lịch cùng đồng đội quay lại chiến trường xưa. Ảnh: Kim Thược.

Một quyết định chính xác

Những tưởng đã êm ả, không ai nghĩ lại có thêm sự cố của ngành boong. Một thử thách nữa lại đến ngay sau cuộc vượt cạn chưa đầy một giờ đồng hồ. Nguyên do là cái neo mũi, neo mạn phải thả xuống thì ngon ơ nhưng khi nhổ neo thì dở chứng.

Bác Nhợ làm đủ mọi cách, từ từ thả xuống đoạn ngắn rồi quay ngược lên nhưng không được. Bác chuyển sang dùng xà beng kết hợp giữa chọc mạnh với quay ngược cũng không xong.

Anh Nhạ máy trưởng cùng máy nhất Trặc từ buồng máy đi lên mang theo búa tạ và mỏ-lết cỡ bự. Thấy hai người, anh em có mặt trên boong tàu vui hẳn lên. Sau một hồi dùng đủ mọi phương thức cũng không cứu nổi, đành bó tay.

Nhìn trục neo, mím môi chậm rãi anh Trặc phán bệnh: “Những mắt xích neo này, mằm ở đoạn có lẽ đây là lần đầu được thả xuống kể từ ngày xuất xưởng. Do lâu ngày không sử dụng đến bị han rỉ, kích cỡ nở to ra, bám chặt vào má khuyết, bị kích, không thoát ra được”.

Thuyền phó Sắc cùng vừa có mặt tại đây, nhận thấy các bậc đàn anh đã hết bài. Anh vội chạy lên ca-bin, ở đó có thuyền trưởng và chính trị viên Trần Hoàng Chiến. Để đảm bảo thời gian và bí mật, quyết định nhanh được truyền xuống: “Tháo chốt neo, thả hết”.

“Quả là đột ngột!”. Trong đời thuỷ thủ chưa bao giờ các anh lính trẻ nghe thấy khẩu lệnh này. Phải nghe đến lần thứ hai bác Nhợ nhìn thẳng về phía thủy thủ Ở nói: “Xuống tháo chốt neo phải” và trực tiếp đế xoay chặt má phanh. Nói xong, bác Nhợ quay sang giao cho thuỷ thủ Lịch đứng đó đợi lệnh. Tay quay được tháo bỏ, lính trẻ răm rắp đợi lệnh của bác Nhợ.

“Chốt neo tháo xong”. Nghe rõ tiếng của Ở, bác Nhợ nhìn về phía thuỷ thủ Lịch ra hiệu: “Mở phanh”. Những đoạn xích neo còn lại dưới hầm được tự do xông thả. Mọi người  phóng xuống như một mũi tên. Nhìn nét mặt bác Nhợ lúc này hình như buồn và có phần lo lắng khi phải gửi lại biển neo phải, tàu chỉ còn lại một nửa neo để tiếp tục hành trình. Thông thường ba hồi còi dài là thủ tục cho con tàu rời điểm xuất phát, nay mọi người thay thế bằng ba hồi chuông rung của boong mũi báo hiệu tàu đã thả hết neo.

Với khí thế thoát hiểm, tàu quay mũi chồm lên sóng. Trang “Nhật kí hàng hải” sau này ghi rõ chuyến đi như sau: “15h ngày 19/10/1964 T41 tháo bỏ neo phải tại… HC: 190o - HL 197o để tiếp tục hành trình”.

Những con tàu không số

Hầu hết những con tàu chở hàng chi viện cho miền Nam trên các cung đường đều khoác cho mình tấm áo nguỵ trang. T41 cũng vậy, thuộc dạng tàu nhỏ. Ca bin  nằm phía đuôi tàu nên đồng dạng với những con tàu hành nghề trên biển Đông.

Cấp trên đã liệu trước, trang bị cho tàu những tấm lưới ni lông trắng muốt, những quả phao lưới tròn vuông to nhỏ đủ cả. Chúng được treo dọc hầm hàng, kèm theo có những con cá đủ các loại màu sắc. Trông xa, nhìn y như thật nhưng đến gần mới biết chúng là cá gỗ đã được đẽo gọt, sơn phết cẩn trọng. Tất cả được căng lên, treo lên theo sự chỉ dẫn của nhà đánh cá lành nghề Trần Văn Nhợ.

“Rất kín, rấp hợp lý!” Thủy thủ Lịch đứng bên khẩu súng máy 12ly7 ngắm nghía và nghĩ thầm: “Nếu gặp địch, mình chỉ cần gạt nhẹ tấm lưới là có thể giương súng chiến đấu với quân thù”.

Số và kí hiệu mã vùng được gắn vào vị trí nhất định. Chữ số to, dễ nhìn. Nếu như có một đường nhìn từ trên cao, hoặc nhìn từ một góc nhìn tầm ngang mạn, bằng mắt thường hay chụp hình qua lăng kính, tàu 41 y hệt tàu đánh cá đang chạy cấp tốc đến vùng cá mới.

Số hiệu mỗi tàu sẽ do Đoàn ta đặt tên. Mỗi lần đi trên hải phận quốc tế, tàu sẽ thay số hiệu cho phù hợp với vùng biển đó. Tàu 41 có số hiệu, thậm chí là rất nhiều số nhưng lại được gọi là “tàu không số”.

Ngồi trên boong tàu quan sát tình hình, khóe miệng thủy thủ Lịch cong lên như cười: “Không phải do Đoàn bộ đặt nhưng mình thích cái tên “tàu không số” nhất. Nghe vừa tự hào, vừa quan trọng, vừa bí hiểm… Mình thích được gọi là chiến sĩ “tàu không số” kể cả nếu sau này chẳng còn ai nhớ đến nó”.

Sóng đập mạnh hai bên mạn tàu, T41 lao như con thoi về hướng bến Vàm Lũng – Cà Mau.

Xem thêm
Nông nghiệp Bình Dương đóng góp từ 18.000-19.000 tỷ đồng/năm

Năm 2024, ngành NN-PTNT tỉnh Bình Dương đạt nhiều thành tựu nổi bật, duy trì đóng góp từ 18.000-19.000 tỷ đồng/năm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Điều tra việc đào bới trái phép mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát

Nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ xấu đào bới trái phép. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!