| Hotline: 0983.970.780

63 năm thủy lợi Việt Nam

Thứ Tư 27/08/2008 , 08:00 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1135/QĐ-TTG đồng ý lấy ngày 28/8/1945 là ngày truyền thống ngành Thủy lợi Việt Nam.

Một công trình thủy lợi

Theo Tờ trình của Bộ trưởng Bộ NN- PTNT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1135/QĐ-TTG đồng ý lấy ngày 28/8/1945 là ngày truyền thống ngành Thủy lợi Việt Nam.

Đây là ngày Bộ Giao thông công chính được thành lập theo Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Nước VNDCCH. Bộ Giao thông công chính lúc bấy giờ là Bộ đa ngành, nhưng việc trước mắt vào thời điểm đó, công tác hộ đê, chống lụt và khai thác thủy nông là một trong những chức năng, nhiệm vụ chính của Bộ. Những ngày Cách mạng Tháng Tám giành độc lập, cũng là ngày Chính quyền Cách mạng bước vào trận chiến không cân sức với lũ sông Hồng lớn nhất trong lịch sử. Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo ngành Thủy lợi và động viên toàn dân nhanh chóng hàn khẩu đê vỡ, củng cố đê điều để đối phó với nạn lụt năm 1946 và những năm sau.

Tháng 7/1954, khi tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp vừa ngừng, vượt qua mọi thiếu thốn về vật tư, thiết bị, hồ sơ kỹ thuật, ngành Thủy lợi đã bắt tay vào khôi phục các công trình, trong đó có những công trình kỹ thuật cao, khởi công tiếp các công trình mới, cùng đoàn chuyên gia Liên Xô khảo sát, nghiên cứu để đến 1958 đã trình lên TW Đảng và Chính phủ báo cáo tổng quan về tiềm năng khai thác thủy điện miền Bắc.

Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành TW (khóa III) lần thứ năm (7/1961) khẳng định: “Thủy lợi là biện pháp hàng đầu để phát triển SXNN”. Sau 5 năm kế hoạch lần thứ nhất 1961-1965, cả nước đã xây dựng được 83 công trình thủy lợi loại lớn, 2.820 công trình loại vừa cùng với hàng vận công trình thủy lợi nhỏ có năng lực tưới 449.800ha, tiêu úng 217.600ha; đã nâng cấp được hệ thống đê miền Bắc bảo đảm chống được lũ lớn từng xảy ra, đồng thời đáp ứng phần quan trọng về tưới nước ở đồng bằng sông Hồng, tiêu nước ở vùng trũng Nam Hà. Có sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc, đã lập xong sơ đồ khai thác sông Đà, xác định Hòa Bình là công trình đợt 1.

Vừa triển khai xây dựng thủy lợi, tổ chức quản lý khai thác, ngành thủy lợi vừa đẩy mạnh công tác đào tạo và xây dựng lực lượng đồng bộ; thành lập Trường Đại học Thủy lợi, Viện Nghiên cứu KHTL, hệ thống các trường trung cấp kỹ thuật, nghiệp vụ, công nhân xây dựng, các Cty Xây dựng thủy lợi, Cty Tàu cuốc ở Trung ương, một số đội công trình thủy lợi ở các tỉnh. Ngành Thủy lợi tham mưu cho Nhà nước tổ chức huy động hàng trăm triệu ngày công của nông dân, theo hình thức đội thủy lợi. Phong trào đội thủy lợi, sau này là đội thủy lợi 202, đã xuất hiện các cá nhân Anh hùng Lao động và tập thể đội thủy lợi 202 của xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng, Nam Hà).

Đầu năm 1965, trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt, ngày 2/2/1966, Ban Bí thư TW Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết về công tác thủy lợi 2 năm 1966-1967 khẳng định: “Tiếp tục xây dựng thêm công trình loại lớn và loại vừa ở những nơi cần thiết và trọng điểm”. Sau ngày đất nước thống nhất, công tác thủy lợi cùng một lúc đứng trước 3 nhiệm vụ lớn: Hoàn chỉnh hệ thống thủy nông, tiếp tục xây dựng thủy lợi ở miền Bắc và bắt tay xây dựng thủy lợi ở miền Nam. Tính đến cuối năm 1985, nhiều công trình thủy lợi lớn đã được xây dựng ở miền Nam, cung cấp nước tưới cho hàng chục vạn ha trên các cánh đồng trọng điểm. Đã xây dựng các dự án ngọt hóa Gò Công, Tiếp Nhật, Tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau và tiếp đó là khu ngọt hóa lớn Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Măng Thít. Thành công trong việc đào kênh Hồng Ngự ở Đồng Tháp Mười, đã biến một vùng hoang hóa chua phèn 63 vạn ha Đồng Tháp Mười trở thành một vùng trù phú, đông đúc.

63 năm qua, ngành Thủy lợi Việt Nam đã đạt thành tựu to lớn. Đến nay, ngành Thủy lợi Việt Nam đã có hệ thống các công trình thủy lợi với năng lực thiết kế tưới cho 3 triệu ha, tiêu 1,4 triệu ha, ngăn mặn cho 700 nghìn ha. Hình thành 75 hệ thống thủy nông lớn và vừa. Đã xây dựng 750 hồ chứa nước lớn và vừa, trên 10.000 hồ chứa nhỏ, 2.000 trạm bơm điện lớn và vừa có công suất 450MW, 300.000 máy bơm dầu tưới cho 6 triệu ha lúa, 1 triệu ha hoa màu và cây công nghiệp (tăng so với năm 1985 là 1 triệu ha), tiêu úng 86,5 ngàn ha, tiêu úng xổ phèn cho 1,6 triệu ha, cải tạo hơn 70 vạn ha đất mặn ven biển, tạo nguồn nước cung cấp cho hàng chục triệu dân ở nông thôn, thành thị, cấp nước ăn cho đồng bào vùng cao, cho các KCN, các khu định canh, định cư, vùng chuyên canh cây ăn quả và cây công nghiệp.

Riêng diện tích trồng lúa được tưới chiếm 80% tổng diện tích lúa trong cả nước. Đây là một tỷ lệ cao về đất nông nghiệp được tưới so với các nước trên thế giới. Đã xây dựng hoàn thiện 5.700km đê sông, 3.000km đê biển, 26.000 km bờ bao và hàng ngàn cống dưới đê, hàng trăm km kè mỏ hàn để cùng các hồ chứa lớn tham gia chống lũ cho hạ du. Ngành Thủy lợi đã góp phần cùng Nông nghiệp lập nên thành tựu to lớn từ 4,9 triệu tấn thóc năm 1949, đến năm 1995 đạt 27,4 triệu tấn và năm 2007, tổng sản lượng cây có hạt đã đạt 39,98 triệu tấn, xuất khẩu 4,5 triệu tấn.

Công tác tổ chức phòng chống lụt bão, quản lý đê điều đã hoàn chỉnh từ cấp TƯ đến các làng xã. Nhà nước ta đã ban hành Luật Đê điều và nhiều văn bản dưới Luật để hướng dẫn thực hiện. Ngành đã thực hiện hội nhập quốc tế về hợp tác khoa học kỹ thuật, trao đổi chuyên gia, đào tạo cán bộ, đã gia nhập tổ chức “Thập kỷ quốc tế giảm nhẹ thiên tai”. Các công trình thủy lợi đã được tổ chức thống nhất về quản lý khai thác và hoàn chỉnh từ Trung ương đến cơ sở. Việc ban hành Luật Tài nguyên nước, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi và các quy trình, quy phạm là hành trang pháp lý để chỉ đạo quản lý kỹ thuật, nguồn nước, quản lý kinh tế trên các công trình thủy nông.

+ Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1995 ngành Thủy lợi Việt Nam đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. Nhiều tập thể, cá nhân AHLĐ ngành Thủy lợi, chiến sỹ thi đua toàn quốc được phong tặng trong thời kỳ đổi mới.

+ Chặng đường đi tới, nhiệm vụ của ngành Thủy lợi còn rất nặng nề, như Bác Hồ sinh thời đã dạy: “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc. Ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh. Nước cũng có thể làm lợi, nhưng cũng có thể làm hại. Nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì hạn hán. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất và nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng CNXH”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm