| Hotline: 0983.970.780

63 năm thủy lợi Việt Nam

Thứ Tư 27/08/2008 , 08:00 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1135/QĐ-TTG đồng ý lấy ngày 28/8/1945 là ngày truyền thống ngành Thủy lợi Việt Nam.

Một công trình thủy lợi

Theo Tờ trình của Bộ trưởng Bộ NN- PTNT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1135/QĐ-TTG đồng ý lấy ngày 28/8/1945 là ngày truyền thống ngành Thủy lợi Việt Nam.

Đây là ngày Bộ Giao thông công chính được thành lập theo Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Nước VNDCCH. Bộ Giao thông công chính lúc bấy giờ là Bộ đa ngành, nhưng việc trước mắt vào thời điểm đó, công tác hộ đê, chống lụt và khai thác thủy nông là một trong những chức năng, nhiệm vụ chính của Bộ. Những ngày Cách mạng Tháng Tám giành độc lập, cũng là ngày Chính quyền Cách mạng bước vào trận chiến không cân sức với lũ sông Hồng lớn nhất trong lịch sử. Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo ngành Thủy lợi và động viên toàn dân nhanh chóng hàn khẩu đê vỡ, củng cố đê điều để đối phó với nạn lụt năm 1946 và những năm sau.

Tháng 7/1954, khi tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp vừa ngừng, vượt qua mọi thiếu thốn về vật tư, thiết bị, hồ sơ kỹ thuật, ngành Thủy lợi đã bắt tay vào khôi phục các công trình, trong đó có những công trình kỹ thuật cao, khởi công tiếp các công trình mới, cùng đoàn chuyên gia Liên Xô khảo sát, nghiên cứu để đến 1958 đã trình lên TW Đảng và Chính phủ báo cáo tổng quan về tiềm năng khai thác thủy điện miền Bắc.

Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành TW (khóa III) lần thứ năm (7/1961) khẳng định: “Thủy lợi là biện pháp hàng đầu để phát triển SXNN”. Sau 5 năm kế hoạch lần thứ nhất 1961-1965, cả nước đã xây dựng được 83 công trình thủy lợi loại lớn, 2.820 công trình loại vừa cùng với hàng vận công trình thủy lợi nhỏ có năng lực tưới 449.800ha, tiêu úng 217.600ha; đã nâng cấp được hệ thống đê miền Bắc bảo đảm chống được lũ lớn từng xảy ra, đồng thời đáp ứng phần quan trọng về tưới nước ở đồng bằng sông Hồng, tiêu nước ở vùng trũng Nam Hà. Có sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc, đã lập xong sơ đồ khai thác sông Đà, xác định Hòa Bình là công trình đợt 1.

Vừa triển khai xây dựng thủy lợi, tổ chức quản lý khai thác, ngành thủy lợi vừa đẩy mạnh công tác đào tạo và xây dựng lực lượng đồng bộ; thành lập Trường Đại học Thủy lợi, Viện Nghiên cứu KHTL, hệ thống các trường trung cấp kỹ thuật, nghiệp vụ, công nhân xây dựng, các Cty Xây dựng thủy lợi, Cty Tàu cuốc ở Trung ương, một số đội công trình thủy lợi ở các tỉnh. Ngành Thủy lợi tham mưu cho Nhà nước tổ chức huy động hàng trăm triệu ngày công của nông dân, theo hình thức đội thủy lợi. Phong trào đội thủy lợi, sau này là đội thủy lợi 202, đã xuất hiện các cá nhân Anh hùng Lao động và tập thể đội thủy lợi 202 của xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng, Nam Hà).

Đầu năm 1965, trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt, ngày 2/2/1966, Ban Bí thư TW Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết về công tác thủy lợi 2 năm 1966-1967 khẳng định: “Tiếp tục xây dựng thêm công trình loại lớn và loại vừa ở những nơi cần thiết và trọng điểm”. Sau ngày đất nước thống nhất, công tác thủy lợi cùng một lúc đứng trước 3 nhiệm vụ lớn: Hoàn chỉnh hệ thống thủy nông, tiếp tục xây dựng thủy lợi ở miền Bắc và bắt tay xây dựng thủy lợi ở miền Nam. Tính đến cuối năm 1985, nhiều công trình thủy lợi lớn đã được xây dựng ở miền Nam, cung cấp nước tưới cho hàng chục vạn ha trên các cánh đồng trọng điểm. Đã xây dựng các dự án ngọt hóa Gò Công, Tiếp Nhật, Tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau và tiếp đó là khu ngọt hóa lớn Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Măng Thít. Thành công trong việc đào kênh Hồng Ngự ở Đồng Tháp Mười, đã biến một vùng hoang hóa chua phèn 63 vạn ha Đồng Tháp Mười trở thành một vùng trù phú, đông đúc.

63 năm qua, ngành Thủy lợi Việt Nam đã đạt thành tựu to lớn. Đến nay, ngành Thủy lợi Việt Nam đã có hệ thống các công trình thủy lợi với năng lực thiết kế tưới cho 3 triệu ha, tiêu 1,4 triệu ha, ngăn mặn cho 700 nghìn ha. Hình thành 75 hệ thống thủy nông lớn và vừa. Đã xây dựng 750 hồ chứa nước lớn và vừa, trên 10.000 hồ chứa nhỏ, 2.000 trạm bơm điện lớn và vừa có công suất 450MW, 300.000 máy bơm dầu tưới cho 6 triệu ha lúa, 1 triệu ha hoa màu và cây công nghiệp (tăng so với năm 1985 là 1 triệu ha), tiêu úng 86,5 ngàn ha, tiêu úng xổ phèn cho 1,6 triệu ha, cải tạo hơn 70 vạn ha đất mặn ven biển, tạo nguồn nước cung cấp cho hàng chục triệu dân ở nông thôn, thành thị, cấp nước ăn cho đồng bào vùng cao, cho các KCN, các khu định canh, định cư, vùng chuyên canh cây ăn quả và cây công nghiệp.

Riêng diện tích trồng lúa được tưới chiếm 80% tổng diện tích lúa trong cả nước. Đây là một tỷ lệ cao về đất nông nghiệp được tưới so với các nước trên thế giới. Đã xây dựng hoàn thiện 5.700km đê sông, 3.000km đê biển, 26.000 km bờ bao và hàng ngàn cống dưới đê, hàng trăm km kè mỏ hàn để cùng các hồ chứa lớn tham gia chống lũ cho hạ du. Ngành Thủy lợi đã góp phần cùng Nông nghiệp lập nên thành tựu to lớn từ 4,9 triệu tấn thóc năm 1949, đến năm 1995 đạt 27,4 triệu tấn và năm 2007, tổng sản lượng cây có hạt đã đạt 39,98 triệu tấn, xuất khẩu 4,5 triệu tấn.

Công tác tổ chức phòng chống lụt bão, quản lý đê điều đã hoàn chỉnh từ cấp TƯ đến các làng xã. Nhà nước ta đã ban hành Luật Đê điều và nhiều văn bản dưới Luật để hướng dẫn thực hiện. Ngành đã thực hiện hội nhập quốc tế về hợp tác khoa học kỹ thuật, trao đổi chuyên gia, đào tạo cán bộ, đã gia nhập tổ chức “Thập kỷ quốc tế giảm nhẹ thiên tai”. Các công trình thủy lợi đã được tổ chức thống nhất về quản lý khai thác và hoàn chỉnh từ Trung ương đến cơ sở. Việc ban hành Luật Tài nguyên nước, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi và các quy trình, quy phạm là hành trang pháp lý để chỉ đạo quản lý kỹ thuật, nguồn nước, quản lý kinh tế trên các công trình thủy nông.

+ Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1995 ngành Thủy lợi Việt Nam đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. Nhiều tập thể, cá nhân AHLĐ ngành Thủy lợi, chiến sỹ thi đua toàn quốc được phong tặng trong thời kỳ đổi mới.

+ Chặng đường đi tới, nhiệm vụ của ngành Thủy lợi còn rất nặng nề, như Bác Hồ sinh thời đã dạy: “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc. Ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh. Nước cũng có thể làm lợi, nhưng cũng có thể làm hại. Nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì hạn hán. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất và nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng CNXH”.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.