5. Ai bù lỗ và tiền đâu bù lỗ cho EVN?
Theo cách hạch toán “kỳ lạ” của EVN, thì suốt bao nhiêu năm nay EVN không hề lỗ xu nào, mặc dù giá điện của EVN bán ra rẻ hơn 3 lần giá thực.
Từ điều này có thể khẳng định rằng EVN hằng năm lỗ rất nặng. Dù EVN lỗ rất nặng triền miên, nhưng EVN vẫn “sống” được, vẫn không bị phá sản. Điều “kỳ lạ” này vẫn tồn tại được, là nhờ ai, nhờ đâu? Nó phi kinh tế thị trường không?
Câu trả lời đơn giản và rõ ràng là EVN đã thường xuyên được Nhà Nước bù lỗ. Nhà nước lấy tiền ở đâu bù lỗ cho EVN? Đơn giản và rõ ràng là lấy tiền ngân sách Quốc gia
Ngân sách Quốc gia có tiền là nhờ đâu? Chủ yếu là từ thuế và lệ phí mà người dân và doanh nghiệp nộp vào, là từ tiền bán tài nguyên khoáng sản, thực chất đều là từ tiền của người dân.
Thu ngân sách còn bao gồm lợi nhuận của doanh nghiệp Nhà nước, nhưng rất đáng tiếc hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước đều lỗ, chỉ có một số ít doanh nghiệp Nhà nước là có lời, với khoản tiền lời không đáng kể, và nếu hạch toán đầy đủ minh bạch sẽ thấy rõ chỉ là “lời giả, lỗ thật”.
6. EVN dùng tiền thuế của dân bù tiền điện cho doanh nghiệp FDI
Cái này là điều thậm tệ vô lý. Nhất là với một nước nghèo như nước ta lại đi "vỗ béo" cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Tất cả các Doanh nghiệp tư bản nước ngoài đầu tư tại Việt Nam (FDI) đều được hưởng giá điện rất rẻ của EVN, nghĩa là tiền mồ hôi nước mắt của người dân Việt Nam đóng vào ngân sách được EVN chuyển vào lợi nhuận của giới tư bản nước ngoài thông qua giá điện rẻ của EVN.
Điều “quái dị” là EVN tính tiền điện cho doanh nghiệp khối FDI với giá bình quân chỉ khoảng 1.000đ/KWh, tương đương 4,5 cents USD/KWh, so với giá điện thực 25 cents USD/KWh thì chỉ bằng 4,5/25 = 18%.
Cũng có nghĩa là các doanh nghiệp FDI cứ xài mỗi KWh điện thì EVN đã lấy tiền thuế của dân VN tặng cho họ 25 = 4,5 = 21,5 cents USD. Hiện nay Khối FDI xài mỗi năm khoảng 40 tỷ KWh điện, tương đương EVN đã lấy tiền thuế của người dân VN nghèo khổ lam lũ tặng cho giới tư bản giàu có nước ngoài mỗi năm:
21,5 cents USD/KWh x 40 tỷ KWh = 8,6 tỷ USD.
Giời hỡi! Nhìn thấy con số mà xót xa lòng!
Đặc biệt “quái dị”, là trong khi tính giá cho khối FDI bình quân chỉ khoảng 1.000đ/KWh thì EVN lại tính cho người dân Việt Nam bình quân khoảng 1.700đ/KWh. Người dân Việt Nam từ vị Nguyên thủ Quốc gia đến anh thợ hồ, chị ve chai đều phải trả tiền điện cho EVN đắt gấp 1,7 lần so với các ông tư bản nước ngoài giàu sụ, thế mà EVN vẫn bảo là bù giá điện cho dân!
Hành vi này được EVN giải thích là “hỗ trợ giá điện cho sản xuất công nghiệp”.
7. EVN loanh quanh lấp liếm và đánh lừa công luận bằng câu chuyện giời ơi “3 phương án bậc thang giá điện”
Bức xúc chính của câu chuyện giá điện ở Việt Nam hiện nay là EVN phải minh bạch cách tính giá điện, tính đúng, tính đủ, nhưng EVN vẫn không chịu, không dám làm việc này.
Khi giá điện được minh bạch, sẽ không còn nỗi xót xa vì 8,6 tỷ USD của người dân Việt Nam nghèo khổ lam lũ hàng năm bị EVN đem tặng cho các ông tư bản giàu sụ. Tại sao EVN thản nhiên làm việc đó, mà không đau lòng? Không nghĩ ra “3 phương án mới”, như đã nghĩ ra “3 phương án bậc thang giá điện” cho dân?
Cả thế giới chỉ có ở Việt Nam có cái bậc thang giá điện. Bản chất và mục đích của bậc thang giá điện VN là: người nghèo được bù nhiều, trả tiền điện ít theo giá bậc thang thấp, còn người giàu được bù ít, trả tiền điện nhiều theo giá bậc thang cao.
Chúng tôi thấy hết sức lạ lùng khi nghe EVN giải thích về 3 phương án mới. Ví dụ, điều chỉnh sao cho người dùng nhiều điện thì trả gia thấp. Điều này đúng theo những nguyên lý kinh tế vĩ mô, nhưng trái ngược hoàn toàn với mục đích của bậc thang giá điện Việt Nam là hỗ trợ người nghèo.
Hoặc EVN đưa ra một nguyên tắc mà đông tây kim cổ chưa bao giờ có: khách hàng phải trả tất cả tiền điện theo hợp đồng với EVN, cho dù họ xài điện ít hơn so với hợp đồng.
EVN còn bày trò yêu cầu công luận góp ý cho 3 phương án, để công luận quên đi những điều bức xúc nhất, và bị lạc hướng vào chuyện giời ơi vô bổ của EVN.
Nếu EVN thực lòng muốn lắng nghe ý kiến công luận, thì hãy công khai phương pháp tính giá điện của mình, nhất là phương pháp tính giá điện cho doanh nghiệp FDI, cho doanh nghiệp nhà nước.