| Hotline: 0983.970.780

7 giống keo lai mới

Thứ Năm 12/03/2020 , 09:27 (GMT+7)

Viện Nghiên cứu giống & Công nghệ sinh học (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã chọn tạo thành công 7 giống keo lai mới, gồm BB055, BV350, BV376, BV434, BV523, BV584 và BV584.

Giống keo lai BV434.

Giống keo lai BV434.

7 giống trên đã được Bộ NN-PTNT công nhận, cho phép phổ biến ra sản xuất tại quyết định số 761/QĐ-BNN-TCLN, ngày 6/3/2019.

Đặc điểm chung

Các giống keo lai nói trên đều cho năng suất gỗ cao (bình quân 25-30 tấn/ha/năm). Cây sinh trưởng phát triển khỏe, độ đồng đều cao, ít bị sâu bệnh hại, sau trồng 3 năm chiều cao cây đã đạt 8-10m; chiều cao cây tối đa có thể đạt 15m. Thân cây hình trụ thẳng tròn. Tiết diện ngang thân hình ovan.

Vỏ cây trơn nhẵn màu sáng, ít nứt. Góc phân cành lớn. Cành nhẵn bóng. Hai mặt lá nhẵn, gân lá rõ, có 3 gân đều xuất phát từ gốc của cuống lá. Đỉnh lá hình mũi mác hơi tù, thẳng hoặc hơi cong. Cuống lá tạo 1 góc rộng với cành lớn hơn 450. Hoa tự bông hình đuôi sóc, màu vàng nhạt và có nhiều hoa.  

Đặc điểm riêng

Các giống keo lai khác nhau có chiều dài hoa tự khác nhau: giống keo lai BB055 có hoa tự dài 7-12cm; giống BV350 hoa tự dài 8-12cm, BV376 hoa tự dài 7-10cm; BV434 hoa tự dài 7-14cm; BV523 hoa tự dài 8-15cm, BV584 hoa tự dài 7-14cm và giống BV586 hoa tự dài 8-12cm.

Vùng áp dụng cho sản xuất của các giống cũng khác nhau. Giống keo lai BB055; BV350 và BV 376 áp dụng cho sản xuất tại khu vực Quy Nhơn (Bình Định) và những nơi có điều kiện sinh thái tương tự.

Các giống BV434, BV523, BV584 và BV586 áp dụng cho khu vực Cam Lộ (Quảng Trị) và những nơi có điều kiện sinh thái tương tự.

Giống keo lai BV586.

Giống keo lai BV586.

Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật

Các giống keo lai nói trên phù hợp cho trồng rừng kinh doanh hoặc rừng phòng hộ tại các khu vực đất trống đồi trọc, trảng cỏ, cây bụi, đất sau nương rẫy và rừng nghèo kiệt.

Yêu cầu tầng canh tác dày bình quân trên 40cm, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến sét nhẹ, thoát nước tốt, cao dưới 600m so với mặt nước biển, độ dốc < 15 độ, hướng dốc Đông – Nam, khí hậu nóng ẩm hoặc hơi ẩm.

Mật độ trồng 1.700-2.000 cây/ha (cây cách cây 2m, hàng cách hàng 3m). Thời vụ trồng ở các tỉnh miền Bắc từ tháng 3-5, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trồng trước mùa mưa. Trồng thuần loài. Hom giống cao từ 25-35cm, đường kính gốc 0,3cm, bật mầm đều. Chú ý tuân thủ các quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Phát toàn diện (nơi có thực bì thưa cao dưới 1m), xếp theo đường đồng mức hoặc gom đống, đốt cục bộ, đề phòng lửa cháy lan. Phát băng rộng 2 m (nơi có thực bì rậm cao trên 1m), theo đường đồng mức, thu gom xếp vào bìa băng chừa. Đào hố so le nanh sấu (kích thước 40 x 40 x 40 cm). Bón lót/1 hố: 0,2 kg NPK + 3kg phân hữu cơ mục. Xuống giống khi thời tiết có mưa hoặc râm mát.

Giống keo lai BV584.

Giống keo lai BV584.

Chăm sóc rừng keo lai trong 3 năm đầu

Năm thứ nhất tiến hành 2 lần trước mùa sinh trưởng: Phát cỏ, trồng dặm những cây chết, xới quanh đường kính gốc 20cm, bón thúc/1 cây 0,1 kg NPK + 2kg phân hữu cơ mục. Lần 2 chăm sóc như lần 1 nhưng không bón phân. Năm thứ 2 cũng làm như năm thứ nhất. Năm thứ 3, phát dọn các dây leo, bụi rậm, cào cỏ, vun gốc trợ lực cho những cây sinh trưởng yếu.

Thường xuyên tuyên truyền ngăn chặn kẻ xấu chặt phá rừng. Cấm chăn thả gia súc khi cây chưa đạt chiều cao 5m. Chủ động kiểm tra phòng trừ sâu bệnh hại và phòng chống cháy rừng. Lập ô theo dõi chiều cao cây, đường kính gốc, tình hình sinh trưởng và sâu bệnh hại, định kỳ 6 tháng/lần. Keo lai trồng 7-8 năm có thể khai thác gỗ cho chế biến bột giấy; cây ngoài 15 tuổi có thể dùng đóng các đồ gia dụng, xẻ ván đóng thùng, sản xuất gỗ dăm, làm trụ chống hầm lò...

Rừng keo sau thu hoạch không có khả năng tự tái sinh như rừng bạch đàn. Nhưng bộ rễ cây keo có nốt sần cố định đạm, giúp cải tạo đất, thuận lợi cho xen canh các cây lâm nghiệp ngoài gỗ hoặc chuyển đổi sang các cây trồng lâm nghiệp khác.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.