“Các địa phương đang đẩy mạnh chuyển hóa rừng trồng cây mọc nhanh cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn”, ông Thái nhấn mạnh.
Chú trọng cây gỗ quý
Đi trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, thấy ngút ngàn rừng lấy gỗ cao lớn. Hơn 20 năm trước, ông Ngô Văn Lý ở xã Cự Nẫm, lên đồi hoang phát cây dại, trồng rừng bằng giống cây dẻ và huỵnh. Đến bây giờ, mấy người con trai của ông đang tiếp tục nghiệp trồng rừng của bố để lại. Anh Ngô Thế Anh, con trai út ông Lý cho biết, nghe theo lời bố, mấy anh em trồng thêm rừng huỵnh, cây gõ sưa (gõ huê)… Riêng gia đình anh cũng đã có trên 10 ha các loại cây gỗ quý.
Rừng huỵnh giá trị lớn của gia đình anh Anh. |
“Bây giờ, nhiều người đến mua gỗ huỵnh, sưa trong khu rừng của gia đình về làm đồ gia dụng, làm nhà hoặc đóng tàu thuyền. Nếu cần tiền mà bán thì cũng thu về vài tỷ đồng từ rừng huỵnh, rừng sưa”, anh Anh cho biết. Ngoài rừng cây gỗ lớn quý, gia đình còn ươm giống cây huỵnh, sưa để bán cho người trồng rừng. Mỗi năm xuất khoảng 10 vạn cây giống các loại, thu về vài trăm triệu đồng.
Ở huyện Tuyên Hóa, ông Đinh Xuân Niên ở xã Thanh Hóa cũng được nhiều người biết đến bởi khu rừng có nhiều cây gỗ quý. Cách đây gần 30 năm, ông Niên nhận khoanh nuôi, phục hồi gần 20 ha rừng. Ngày ngày, ông đi kiếm cây giống từ các nơi đưa về ươm, trồng trên những vùng đất chỉ lúp xúp cây bụi.
“Bây giờ, tôi có quyền nói là đã giàu có rồi. Của nả để hết trên rừng đó. Nếu bán, thì cũng thu về trên chục tỷ đồng chứ không phải nói chơi”, ông Niên ngửa hai bàn tay chai sần nói tự tin.
Đưa chúng tôi lội rừng suốt cả buổi mà ông nói vẫn chưa đi hết đâu. Ông nhẩm tính nhanh hiện có hơn 2.000 cây lim, 500 cây sưa, 500 cây vàng tâm và 5.000 cây trầm dó…Cây lớn cũng đã khai thác lấy gỗ được, cây nhỏ cũng có đường kính trên 0,2m. “Mỗi năm, thu từ sản phẩm rừng sơ sơ cũng được vài ba trăm triệu đồng”, ông bộc bạch.
Rừng gỗ vàng tâm của ông Niên. |
Hầu như ở Quảng Bình, mỗi miền quê nào đều có những hộ gia đình đang sở hữu những cánh rừng gỗ quý. Có thể kể đến hơn chục ha rừng của ông Trương Xuân Đô (xã Tân Hóa), ông Đinh Văn Hoan (xã Hóa Hợp- huyện Minh Hóa), ông Hồ Văn Bôn (xã Trường Sơn- huyện Quảng Ninh). Mỗi cánh rừng đều có các loại cây gỗ quý như lim, gõ, sến, dổi…với trị giá mỗi cây vài triệu đến trên chục triệu đồng. Từ những hộ gia đình này, đã tạo động lực cho nhiều hộ gia đình khác thay đổi tư duy, chú trọng cây bản địa quý hiếm để mang lại giá trị kinh tế cao. |
Riêng gỗ lim, hiện ông Niên đang có nguồn thu khá lớn. Ba năm nay, gia đình ông khai thác nấm lim xanh bán cho tư thương.
“Đó là loại dược liệu quí, hiếm. Cứ mỗi ký, người ta trả cho tôi khoảng 1 triệu đồng”, ông Niên nói thêm.
Chuyển hướng rừng trồng
Miền tây huyện Lệ Thủy được ví như “thủ phủ” rừng trồng của Quảng Bình, với diện tích rừng trồng kinh tế trên 40 ngàn ha. Nhiều chủ rừng có 40-50ha, cho đến cả trăm ha rừng keo tràm cũng đang chuyển dần sang trồng rừng gỗ lớn.
Ông Nguyễn Anh Đức (xã Văn Thủy), có diện tích trừng keo tràm khoảng 50 ha. Ông Đức đánh giá ở miền tây Lệ Thủy do gỗ rừng trồng đường kính còn nhỏ chỉ có thể bán để làm dăm gỗ nên giá trị khoảng 45-50 triệu đồng/ha. Mức thu nhập này mới giúp người dân sống được với nghề trồng rừng chứ chưa thể làm giàu.
“Vì vậy, phải tìm cách nâng giá trị cây rừng để tương xứng với công sức, vốn đầu tư và tiềm năng của vùng đất”, ông Đức nhìn nhận.
Không chỉ ông Đức mà nhiều người trồng rừng ở Lệ Thủy đều có chung nhận xét như vậy. Bà Nguyễn Thị Thanh (xã Thái Thủy), ông Nguyễn Viết Xuân (xã Trường Thủy) và nhiều người khác sở hữu không dưới 50 ha rừng trồng đều nhận thấy, trồng rừng mà thu hoạch sớm theo kiểu “ăn non” thì mới mang lại nguồn thu trước mắt chứ chưa có lợi ích lâu dài.
Bà Thanh cho hay, mỗi chu kỳ trồng và khai thác rừng keo tràm từ 5-6 năm tùy theo vùng đất. Tuy nhiên, người trồng áp dụng cách thức trồng thật dày và chỉ cần trên 3 năm là có thể khai thác bán gỗ dăm.
“Như vậy thì chỉ có lợi trước mắt và ép đất lắm. Nếu trồng rừng gỗ lớn thì có thể thu nhập tăng lên cả chục lần và thời gian khai thác cũng tăng lên”, bà Thanh nói.
Định hướng rừng gỗ lớn ở miền tây huyện Lệ Thủy. |
Nói về định hướng trồng rừng gỗ lớn, ông Xuân cũng tính toán với cây trồng phổ biến là keo lai, đến năm thứ năm, do vẫn còn là rừng trồng gỗ nhỏ nên giá trị đạt khoảng 40 triệu đồng/ha. Thế nhưng, khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10 năm trồng mới khai thác, thì bán theo giá gỗ nguyên liệu, gỗ chế biến với giá trị từ 180 đến 200 triệu đồng/ha. “Đối với rừng trồng gỗ lớn là các giống cây rừng bản địa, như lim, dổi, sưa, trầm gió…hiệu quả mang lại còn cao hơn nhiều lần”, ông Xuân chia sẻ.
Từ năm 2017, Sở NN- PTNT Quảng Bình khuyến khích, vận động người dân chuyển sang trồng rừng gỗ lớn. Các địa phương trong tỉnh đã có chính sách hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi. Theo ông Đinh Gia Tuyết, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Minh Hóa từ năm 2018 đến nay, huyện hỗ trợ gần hai tỷ đồng cho người dân mua gần 500 nghìn cây keo lai nuôi cấy mô để trồng rừng gỗ lớn.
“Hiện chúng tôi đã có hơn 200 ha rừng gỗ lớn bằng giống cây keo mới và 16 ha rừng là các giống cây bản địa”, ông Tuyết nói. Cũng theo ông Tuyết, huyện Minh Hóa chọn hai xã Hồng Hóa và Hóa Hợp để thực mô hình điểm của dự án “Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung” với diện tích 27 ha bằng giống keo nuôi cấy mô.
Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rang, để nâng cao giá trị của rừng, tăng thu nhập cho người dân, Chi cục đã phối hợp các ngành, địa phương chuyển đổi cơ cấu sản phẩm gỗ rừng trồng từ thu hoạch gỗ non để làm gỗ dăm xuất khẩu sang khai thác gỗ lớn phục vụ chế biến tinh, sâu. “Trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chí của Hội đồng quản trị rừng thế giới (chứng chỉ FSC) không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mang lại những lợi ích về môi trường, giảm thiểu thiệt hại do gió bão gây ra”, ông Thái nói... Còn ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, huyện xây dựng chủ trương phát triển kinh tế rừng trồng và ưu tiên rừng gỗ lớn. “Chúng tôi xây dựng đề án hỗ trợ cây giống chất lượng cao, kêu gọi các doanh nghiệp có điều kiện cùng đầu tư và đảm bảo tiêu thụ đầu ra cho bà con trồng rừng”, ông Sơn nói. |