Trao đổi với NNVN, ông Tăng Văn Huy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn cho biết: Mặc dù đợt rét thời gian qua đem lại hi vọng có thể kích thích sự ra hoa của vải, tuy nhiên tính đến ngày 19/2, toàn bộ diện tích vải trà chính vụ (chiếm khoảng 80% tổng diện tích) vải toàn huyện vẫn “im thin thít”, chưa thấy dấu hiệu nảy chồi hoa. Cá biệt có một số vườn vải có ra hoa, nhưng cũng đồng thời ra lộc nên việc phát triển hoa và đậu quả rất kém.
Vùng vải Bắc Giang có nguy cơ mất mùa nặng nề
Theo ông Huy, Phòng NN-PTNT huyện Lục Ngạn đã đi khảo sát một số diện tích vải ở vùng cao, nơi thường có rét nhiều hơn, nhưng tình hình cũng không khác mấy, vải vẫn không thấy dấu hiệu nảy chồi hoa.
“Nhiều vườn vải thời gian qua phun các loại thuốc kích thích ra hoa rất ác liệt nhưng cũng chẳng ăn thua. Trời lại đang nắng ấm lên nên hi vọng vải sẽ ra hoa trong thời gian tới là rất thấp, khả năng năm nay, vải thiều sẽ mất mùa nặng chưa từng thấy” – ông Huy lo lắng.
Đánh giá về việc vải chậm ra hoa liệu có liên quan gì tới năm nhuận hay không (lịch âm năm 2017 sẽ nhuận hai tháng 6)? Ông Huy cho rằng: Việc hình thành mầm hoa của vải liên quan chủ yếu tới nhiệt độ trong mùa đông. Thường thì mọi năm, cứ kết thúc rét và quanh tiết Lập xuân, vải sẽ ra hoa đại trà. Tới thời điểm này, do nền nhiệt độ chung ở miền Bắc đã rất cao, các đợt không khí lạnh kéo dài sẽ không còn nữa, vì vậy hi vọng vải sẽ ra hoa muộn hơn trong thời gian tới là rất mong manh.
Ảnh: Lê Bền
TS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện KH Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: Qua điều tra nắm bắt tình hình những ngày qua cho thấy, hiện ít nhất 70% tổng diện tích vải trà chính vụ vẫn chưa có dấu hiệu nhú mầm hoa. Trong đó, có một số diện tích chỉ ra lộc, hoặc vừa ra hoa vừa ra lộc.
Theo TS Dũng, sau ngày 20/2, các diện tích vải vẫn chưa ra hoa thì khả năng mất trắng là rất cao. Vì vậy, các nhà vườn nên xem xét ngừng việc phun các loại hóa chất xử lí kích thích ra hoa, bởi quỹ thời gian để mong thuốc thẩm thấu giúp kích thích ra hoa không còn nữa, nhất là khi nền nhiệt độ miền Bắc đang tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, các diện tích vải vừa ra hoa, vừa ra lộc cũng sẽ bị giảm năng suất rất mạnh. Theo TS Dũng, nhiều khả năng vựa vải thiều Bắc Giang năm nay sẽ thất thu ít nhất trên 50% sản lượng so với mọi năm.
Trước tình hình vải thiều tại các tỉnh phía Bắc ảnh hưởng do thời tiết bất thuận, Cục Trồng trọt đã có văn bản đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện một số biện pháp trước mắt: Đối với vải chín sớm (hiện đã ra hoa đậu quả): Cần tưới đủ nước, đặc biệt vùng trồng vải có điều kiện khô hạn như Bắc Giang, Quảng Ninh. Phun các loại phân bón qua lá và chất điều tiết sinh trưởng để tăng khả năng đậu quả, giữ quả, năng suất, chất lượng (như Multi - K, Master Gro, Thiên Nông…). Tập trung phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh như: sâu đục cành hoa, sâu đục đầu quả, bệnh sương mai để giữ quả. Đối với vải chính vụ (thiều Thanh Hà): Nếu đã thấy rõ chùm hoa, cần tưới nước đủ ẩm kết hợp bổ sung các loại phân bón lá nhằm kéo dài chùm hoa, tăng chất lượng hoa, giúp quá trình thụ phấn, thụ tinh được thuận lợi và tăng cường khả năng giữ quả (như Multi - K, Botrac, Thiên nông, Master Gro…). Đối với vườn cây vừa ra hoa, vừa ra lộc, không tưới nước nhằm hạn chế quá trình hình thành lộc; áp dụng biện pháp ngắt bỏ lộc và lá non có kèm theo chùm hoa, giúp cây tập trung dinh dưỡng cho đậu quả. Tập trung phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh như: sâu đục cành hoa, sâu đục đầu quả, bệnh sương mai để giữ quả. |