| Hotline: 0983.970.780

8 doanh nghiệp và 13 tỉnh thành phía Nam cam kết tiêu thụ vải thiều

Thứ Tư 22/06/2016 , 08:30 (GMT+7)

Đại diện các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã ký kết hợp tác hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ vải thiều với 13 tỉnh thành phía Nam; đồng thời hai tỉnh cũng đã ký kết nội dung này với 8 đơn vị kinh doanh.  phân phối lớn tại TP.HCM như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP (Saigon Co.op), Tổng Cty thương mại Sài gòn (Satra), Big C, LOTTE Mart...


Lễ ký kết hợp tác hỗ trợ tiêu thụ vải thiều giữa tỉnh Bắc Giang và Hải Dương với các tỉnh thành phía Nam

 

Thị trường nội địa vẫn là trọng điểm, đặc biệt khu vực phía Nam, là vấn đề được đặt ra tại “Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại các tỉnh, thành phía Nam năm 2016” do Sở Công thương TP.HCM phối hợp với 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tổ chức mơi đây.

Chất lượng vải năm nay cao hơn những năm trước

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2016, tổng diện tích vải thiều là 30.000 ha, giảm 1.000 ha so với năm 2015, nguyên nhân do chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước đạt 130.000 tấn, giảm 65.000 tấn so với năm 2015, mức giảm này do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi.

Trong đó, vải thiều chín sớm ước đạt khoảng 23.000 tấn, chiếm 17,7%; vải thiều chính vụ 107.000 tấn, chiếm 82,3%. Sản lượng vải thiều tập trung ở các huyện Lục Ngạn ước đạt 70.000 tấn, Lục Nam 28.000 tấn, Tân Yên 8.000 tấn, Lạng Giang 6.500 tấn, Yên Thế 12.000 tấn và Sơn Động 5.700 tấn.

Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định: “Năm nay, các công đoạn chuẩn bị cho thu hoạch, tiêu thụ vải thiều đã được sở, ngành của tỉnh chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Đồng thời, vào vụ thu hoạch trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng gần 3.000 điểm thu mua lớn nhỏ, với trên 1.500 thương nhân trong và ngoài nước về thu mua vải thiều”.

Theo ông Thái, nhìn chung chất lượng vải năm nay cao hơn những năm trước. Tính riêng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP là 12.560 ha, sản lượng dự kiến đạt khoảng 53.000 tấn, đáp ứng được nhu cầu sử dụng quả vải chất lượng cao.

Huyện Lục Ngạn hiện đã được Hoa Kỳ cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với 158 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đấy là những vùng vải có chất lượng đặc biệt, được chăm sóc dưới sự giám sát nghiêm ngặt về quy trình sản xuất. Sản lượng dự kiến khoảng 1.000 tấn, đảm bảo điều kiện xuất sang các thị trường khó tính Mỹ, Úc...

Tại Hải Dương, diện tích vải thiều năm 2016 là 11.000 ha, sản lượng dự kiến đạt 36.000 tấn. Chất lượng vải thiều năm nay cao hơn bởi người dân tích cực áp dụng KHKT tiên tiến, mở rộng diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương, cho biết, hàng năm sản lượng vải của tỉnh đạt khoảng 50.000 tấn.

Nếu được mùa, cả hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương có thể đạt trên 200.000 tấn/năm. Hải Dương luôn quan tâm đến đầu ra nông sản và tỉnh xác định thị trường trong nước rất quan trọng. Hiện nay, tỉnh có hơn 100 điểm thu mua với 10 DN lớn chuyên sơ chế, đóng gói mặt hàng vải thiều để xuất đi các thị trường.

Tính đến thời điểm này, sản phẩm vải sớm đã tiêu thụ xong và vải chính vụ đang bắt đầu vào mùa. Thị trường phía Nam và TP.HCM sẽ là đầu mối lớn và rất tiềm năng, hàng năm tiêu thụ khoảng 70.000 tấn.

Hợp tác hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ vải thiều 

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó GĐ Cty TNHH chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức chia sẻ, đối với người miền Nam trái vải rất được ưa chuộng. Có những năm giá 70.000 – 80.000 đồng/kg.

17-28-42_3
Vải thiều tươi được thị trường phía Nam ưa chuộng

 

Theo thống kê, số lượng trái vải nhập chợ hàng đêm từ ngày 1/6 đến ngày 15/6 bình quân 400 tấn/đêm, đêm thấp nhất 120 tấn, đêm cao nhất là 870 tấn, tổng lượng trái vải nhập chợ đến nay là 5.873 tấn, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2015. Giá trái vải hiện ở mức 25.000 – 35.000 đồng/kg.

Ông Hồ Quốc Nguyên, GĐ Quan hệ Công chúng hệ thống siêu thị BigC cho biết, từ nhiều tháng nay, hệ thống siêu thị BigC đã chủ động kết nối và tăng số lượng nhà cung cấp tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, để có thể linh hoạt hơn trong kế hoạch phân phối và hỗ trợ nông dân trồng vải khi cần thiết.

Dự kiến, số lượng vải tiêu thụ năm nay tại BigC sẽ tăng hơn 30% so với năm trước, đạt hơn 200 tấn trên toàn hệ thống.

Ngoài ra, BigC cũng lên kế hoạch quản lý hiệu quả để giảm chi phí cũng như thực hiện các chương trình bán hàng không lãi để đẩy mạnh lượng tiêu thụ, hỗ trợ nông dân trồng vải nhất là khi vào chính vụ.

Tương tự, ông Bùi Tấn Tú, Trưởng phòng thu mua thực phẩm tươi sống của LOTTE Mart nhấn mạnh, với tinh thần hỗ trợ nông dân, ngay từ đầu mùa vụ LOTTE Mart đã chủ động kết nối, tăng cường số lượng nhà cung cấp tại các tỉnh chuyên canh vải thiều phía Bắc.

Trong thời gian tới, LOTTE Mart sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân có thêm đầu ra tiêu thụ, đảm bảo cho người tiêu dùng cơ hội tiếp cận thường xuyên với nguồn vải tươi ngon cùng mức giá ưu đãi.

Kết thúc hội nghị, đại diện các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã ký kết hợp tác hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ vải thiều với 13 tỉnh thành phía Nam; đồng thời hai tỉnh cũng đã ký kết nội dung này với 8 đơn vị kinh doanh, phân phối lớn tại TP.HCM như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP (Saigon Co.op), Tổng Cty thương mại Sài gòn (Satra), Big C, LOTTE Mart; chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn...

Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại các tỉnh thành phía Nam, được kỳ vọng trở thành cầu nối hiệu quả, giúp mặt hàng vải thiều các tỉnh phía Bắc kết nối được với hệ thống các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, nhằm đưa sản phẩm này đến người tiêu dùng cả nước.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó GĐ Sở Công Thương TP.HCM: Tiêu thụ vải thiều đang còn gặp một số trở ngại như thời vụ ngắn, đường vận chuyển vào phía Nam quá xa, nên các tỉnh trồng vải cần phối hợp hệ thống phân phối và tính toán về công nghệ sau thu hoạch cũng như về lâu dài cần phải có chính sách cho phục vụ chế biến.

Sở Công thương TP.HCM sẽ đóng vai trò đầu mối trong tập hợp các hệ thống phân phối lớn của TP như Co.opmart, Satra, BigC, Lotte… cũng như làm việc với 3 chợ đầu mối để xác định sản lượng.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.