8 tháng, TP.HCM xuất khẩu 8,85 triệu con cá cảnh
Phát biểu khai mạc Hội thi - Triển lãm sinh vật cảnh năm 2024, ông Phạm Mạnh Tuyên, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh cho biết, các sản phẩm sinh vật cảnh không chỉ là thú chơi mà còn là loại hình nghệ thuật từ nhiều thế hệ trước, là nếp văn hóa truyền thống của dân tộc, một phần văn hóa ứng xử của con người với thiên nhiên.
Cây cảnh nghệ thuật ngày càng phổ biến trong xã hội, tạo giá trị kinh tế cao, giúp quảng bá hình ảnh nghệ nhân, nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần, phong trào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sinh vật cảnh đã và đang phát triển rất mạnh mẽ.
Ở nhiều địa phương đã xuất hiện những làng nghề sinh vật cảnh, trung tâm sinh vật cảnh, làng du lịch sinh thái, đô thị sinh thái... Đặc biệt, việc đưa sinh vật cảnh vào tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nơi thờ phụng, nghĩa trang liệt sĩ, bệnh viện, trường học, công sở và các nơi công cộng được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Nhiều nơi, sinh vật cảnh đã trở thành một ngành kinh tế có giá trị cao trong cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp, hình thành hàng ngàn ha chuyên canh sinh vật cảnh.
Tại TP.HCM, giá trị sản xuất của nhóm sản phẩm sinh vật cảnh chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và được xác định là nhóm sản phẩm tiềm năng trong chương trình phát triển nông nghiệp đô thị.
Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, tính đến tháng 8/2024, diện tích gieo trồng hoa, cây kiểng tại Thành phố đạt 2.195ha (trong đó diện tích trồng mai 810ha, lan 305ha, hoa nền 450ha, kiểng - bonsai 630ha). Sản lượng cá cảnh 8 tháng đạt 80 triệu con, sản lượng cá cảnh xuất khẩu đạt 8,85 triệu con, kim ngạch xuất khẩu cá cảnh đạt 8,94 triệu USD.
Sân chơi cho nghệ nhân, người yêu sinh vật cảnh
Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đánh giá, cùng với sự phát triển chung của ngành nông nghiệp TP.HCM, chuyển từ mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị, từ đơn giá trị thành đa giá trị, các sản phẩm sinh vật cảnh ngày càng phong phú, phát triển mạnh.
"Sản phẩm sinh vật cảnh dần trở thành ngành kinh tế sinh thái, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế. Hiệu quả sản xuất sinh vật cảnh đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng GRDP của ngành nông nghiệp, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu, mang về nguồn ngoại tệ đáng kể", ông Phụng nói.
Cũng theo ông Phụng, Hội thi - Triển lãm sinh vật cảnh năm 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại quận 11 (TP.HCM) sẽ tạo sân chơi cho các nghệ nhân, người làm sinh vật cảnh trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành.
Ông Nguyễn Trần Bình, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 11 cho biết, Hội thi - Triển lãm sinh vật cảnh TP.HCM năm 2024 có quy mô hơn 70 gian hàng cùng sự tham gia của hơn 80 nghệ nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong và ngoài Thành phố, mang đến hơn 100 tác phẩm trưng bày và dự thi.
Đây là dịp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm sinh vật cảnh, giao lưu kinh tế, xúc tiến thương mại, kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác, lan tỏa tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước và ý thức trách nhiệm bảo vệ cảnh quan môi trường đến nhân dân cũng như các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, góp phần phát triển ngành sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế đô thị bền vững.
Đây cũng là dịp để các nghệ nhân và khách tham quan giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về nghệ thuật chế tác, chăm sóc sinh vật cảnh. Qua đó thực hiện hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp đô thị giai đoạn 2020 - 2025 theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm sinh vật cảnh của Thành phố, đáp ứng nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu.
Dịp này, Ban tổ chức cùng các nghệ nhân sẽ tuyển chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất để tuyên dương, vinh danh và khen thưởng.