| Hotline: 0983.970.780

Có chuyện “tay trong, tay ngoài” ở hệ thống BVTV Phú Thọ?

Thứ Ba 26/08/2008 , 12:00 (GMT+7)

Lâu nay dư luận vẫn râm ran về chuyện hệ thống Bảo vệ thực vật (BVTV) các tỉnh “bắt tay” với các công ty thuốc,...

Qua hỏi nhiều đại lý ở huyện Thanh Sơn nhưng chỉ duy nhất một người vừa là Khuyến nông xã vừa là đại lý còn lại hầu hết là đại lý đơn thuần nên không có lý gì họ “dại” chọn nơi giá cao để mua.

Lâu nay dư luận vẫn râm ran về chuyện hệ thống Bảo vệ thực vật (BVTV) các tỉnh “bắt tay” với các công ty thuốc, thậm chí nhận… giới thiệu, bán hàng cho Cty. NNVN đã có cuộc điều tra về vấn đề này tại tỉnh Phú Thọ.

Điều bất ngờ đầu tiên khi tôi đến Trạm BVTV huyện Thanh Sơn là một gói hàng thuốc BVTV lù lù nằm ngay lề đường. Cạnh đó là tấm biển tên một xã được cắm ngay ngắn. Cả Trạm cửa đóng, then cài, không hiểu gói hàng đó ai gửi, gửi đi đâu nên tôi tò mò xem mới thấy dòng chữ viết bút dạ rất to “Chị Hải (tên Trạm trưởng), gửi hàng cho đại lý…, xã…”. Một người dân bảo tôi: “Ô tô khách đi qua, thấy tấm biển đó chỉ việc bốc hàng và gửi đi. Đang chính vụ nên hàng hoá ra vào Trạm tấp nập lắm”.  Dò tìm manh mối chuyện phân phối thuốc, tôi xuống xã Võ Miếu, hỏi đại lý cấp 2 Dương Văn Chính- anh khẳng định: “Ngoài các nguồn hàng của nhiều nơi, em có lấy của chỗ chị Hải”.

Đại lý X- ở một xã nổi tiếng về lúa và chè, xin được giấu tên tiết lộ với tôi, Trạm BVTV huyện thỉnh thoảng lại gửi hàng xuống nhờ bán. Đầu năm là phân bón lá, bây giờ là hàng thuốc Finico với giá 3.500đ/gói, cao hơn hẳn hàng của đại lý cấp 1 ngoài huyện tới 250đ/gói, gần 300.000đ/thùng. Tôi hỏi việc chuyển hàng này có giấy tờ gì không, đại lý đó bảo chỉ có giấy tờ xuất hàng của Cửa hàng VTNN Việt Trì chứ Trạm không hề viết giấy. Đại lý X đưa tôi xem cái phiếu rồi bảo: “Giá đại lý rẻ hơn, lại ở ngay thị trấn vận chuyển gần hơn nên không có lý gì mà chúng tôi phải lấy tận Việt Trì vừa đắt, vừa xa.

Giá của Trạm cao hơn ở ngoài nhưng vì...tế nhị mà vẫn phải lấy. Đại lý X còn phản ánh chuyện cán bộ BVTV thường đến các đại lý mới để…tiếp thị hàng vì “Đến những điểm như thế có nhiều thuận lợi hơn bởi họ mới làm nên chưa rành giá cả, chênh lệch giữa hàng của Trạm và đại lý bên ngoài và cái cơ bản là đại lý mới biết sợ hơn”. Không chỉ vậy, ở các CLB cộng đồng, CLB sinh kế (trước là lớp học IPM chè) hay là lớp IPM ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật, cán bộ BVTV cũng tranh thủ giới thiệu sản phẩm y như nhân viên tiếp thị của các Cty. “Năm ngoái, trên đưa hàng xuống dưới các xã nhưng do cán bộ khuyến nông xã chưa rành bán hàng nên ế, bị trả lại hàng loạt. Rút kinh nghiệm, năm nay mỗi khi bán hàng họ xuất hoá đơn đều có một dấu triện “Hàng mua xong miễn trả lại”. Thế có ghê không?”

Khác với vùng chuyên lúa như Võ Miếu, các đại lý thuốc BVTV ở Địch Quả nhiều hơn hẳn (gần chục đại lý) vì nơi đây có cả một diện tích chè rất lớn. Vào đại lý Nguyễn Thị Ngọt hỏi chuyện, bà bảo gia đình mới bán hàng chưa đầy một năm nay. “Nguồn hàng tôi lấy của anh Toàn. Có lúc điện thoại, họ cho hàng lên thẳng đây, có lúc qua chỗ chị Hải-Trạm trưởng. Cứ hết hàng tôi lại điện”. Sang đại lý của anh Nguyễn Thanh Tâm-một người kỳ cựu với 8 năm kinh nghiệm trong nghề: “Em lấy hàng 4- 5 chỗ. Ngoài lấy của cấp 1 chỗ bà Xiêm, anh Hưng còn lấy chỗ anh Toàn, chị Hải (thường lấy thuốc cỏ, phân bón lá, thuốc trừ rầy…)”. Nhiều đại lý bảo lấy của BVTV giá cao anh thấy sao? Tôi hỏi tiếp. “Có đấy, cảm giác thế!”.

Sáng ngày hôm sau, dù là thứ bảy nhưng tôi cũng cố chờ tại Trụ sở Trạm BVTV để gặp chị Nguyễn Thị Hải-Trạm trưởng. Hỏi về chuyện phân phối hàng BVTV chị Hải cho biết huyện có cỡ 50 đại lý. “Hệ thống BVTV giới thiệu các Cty có uy tín, có mặt hàng chiến lược cho các xã rồi Cty thông qua đại lý chuyển hàng xuống bán trả chậm. Để kiểm soát việc tăng giá, đã có văn bản chỉ đạo các cửa hàng niêm yết giá và bán theo đúng giá chỉ đạo. “Giá chỉ đạo tuỳ từng Cty nhưng công thức chung chỉ được 1-2% cộng với cước vận chuyển…Đây là hình thức chia sẻ khó khăn với người nông dân. Đại lý không thể độc quyền được, cứ so sánh đâu rẻ hơn là mua, ít tiền vận chuyển hơn là mua”.

Theo tìm hiểu, không chỉ có huyện Thanh Sơn có hiện trạng hệ thống ngành dọc BVTV “nhúng tay” vào việc phân phối thuốc mà đây là tình trạng chung của cả Phú Thọ. 

* “Tôi không hiểu tại sao cứ ép cán bộ chúng tôi đi giới thiệu, bán hàng thuốc. Theo tôi được biết, đây không phải là trách nhiệm của chúng tôi mà là chuyện “vừa đá bóng, vừa thổi còi” (lời cán bộ của một Trạm BVTV)

Ông Lê Toàn-Chi cục trưởng Chi cục BVTV Phú Thọ:

Không có chuyện ép đại lý phải lấy hàng giá cao (!?) 

Ông Lê ToànThưa ông, doanh số tiêu thụ thuốc BVTV hàng năm của tỉnh là bao nhiêu? Hệ thống phân phối như thế nào?

Theo tôi ước Phú Thọ mỗi năm tiêu thụ khoảng 35-40 tỉ đồng cho thuốc BVTV. Trước đây việc phân phối thuốc là trách nhiệm của Cty Vật tư NN tỉnh nhưng cách đây 2 năm Cty phá sản nên nhiệm vụ này được bàn giao cho Trung tâm giống. Hiện tại, đơn vị này hầu như không thể cạnh tranh với các Cty và cửa hàng vật tư cũng như trên 500 đại lý trên toàn tỉnh. Chúng tôi chỉ quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh, hàng hoá, cấp chứng chỉ, tập huấn, thanh kiểm tra…Riêng về mảng thanh, kiểm tra, ở các Trạm huyện có các cộng tác viên thanh tra.

Về nguyên tắc không có cộng tác viên thanh tra nhưng hiện nay chúng tôi vẫn tạm thời hoạt động theo kiểu cũ. Quản lý trên địa bàn huyện là Trưởng trạm- người có quyền kiểm tra, nhắc nhở nếu phát hiện sai phạm, thông báo lên Chi cục để đoàn thanh tra xuống hoặc kết hợp với thanh tra liên ngành trong những dịp cao điểm chứ Trạm không được phạt. Hàng năm chúng tôi kiểm tra cỡ 300-500 lượt đại lý, phạt khoảng 3-5 triệu đồng, mỗi lần tối đa 200.000đ, nếu vượt hơn phải chuyển sang Sở.

Ông có thể nói rõ các hình thức phân phối thuốc BVTV ở địa phương hiện nay?

Hiện nay có khoảng 7-10 Cty cung ứng thuốc chính trên địa bàn tỉnh, chúng tôi vẫn mời các ông ấy đến để hai bên phối hợp. Về phía Chi cục chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật và đứng ra bảo lãnh việc bán hàng thuốc chậm trả...Chúng tôi có công văn cho các huyện để họ chỉ đạo cho các HTX và khuyến nông xã có thể đăng ký, lấy thuốc phục vụ cho dân qua khuyến nông và Trạm BVTV.

Ngày xưa hàng tập kết ở các Trạm có thuận lợi là giao hàng một lần với số lượng lớn nhưng ngặt là có xã lấy sớm, có xã lấy muộn. Năm nay cơ sở có thể đăng ký qua Trạm và Trạm thông báo cho Cty đem hàng đến trực tiếp, qua đại lý cấp 1 hoặc tập kết tại Trạm. Khuyến nông xã hoặc HTX sẽ lấy hàng ở cửa hàng hoặc Trạm và có nhiệm vụ phân phối, thu tiền trả chậm. Đây là việc làm giúp bình ổn giá, giúp những hộ dân khó khăn được mua trả chậm và đặc biệt là đủ thuốc cho phòng trừ các đợt cao điểm.

Nhưng về nguyên tắc Trạm BVTV không được bán hàng? Khi làm vậy thì được gì? Chi cục có giao chỉ tiêu phân phối cho các Trạm không?

Đúng, về nguyên tắc Trạm BVTV không được bán hàng và ngay cả khuyến nông xã, HTX đáng nhẽ phân phối hàng phải có chứng chỉ hành nghề nhưng đây là nhiệm vụ và chỉ được bán hàng trong thờ kỳ cao điểm. Phân phối theo giá của cấp 1 và không được ăn chênh lệch. Tuỳ theo doanh số Cty sẽ trích hoa hồng cho Trạm, cán bộ khuyến nông, HTX nhưng Trạm hầu như ít làm điều này. Hoa hồng thì tôi có hỏi một số Cty thuốc nhưng không bao giờ họ nói bao nhiêu phần trăm cả vì đó là bí mật kinh doanh…

Tôi cũng có nghe một số đại lý phàn nàn rằng Trạm phân phối như thế mất một phần doanh số của họ. Về dư luận giao chỉ tiêu, chúng tôi không giao chỉ tiêu phân phối cho các Trạm mà hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình sâu bệnh. Về chuyện đưa thuốc vào hướng dẫn, Chi cục cũng có mấy tiêu chí như Cục cho phép thuốc đó sử dụng cho đúng đối tượng đó (sâu, bệnh); căn cứ tính hiệu quả (theo khảo nghiệm của Phòng kỹ thuật và đánh giá của người dân), căn cứ Cty ấy có hệ thống cung ứng rộng rãi, thuận lợi không. Về phía Trạm làm theo hướng dẫn chung của tỉnh nhưng có thể bổ sung 1-2 loại thuốc sẵn có trên địa bàn với 2 nguyên tắc: Phải được Cục cho phép đăng ký trên đối tượng hướng dẫn phòng trừ và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hiệu quả.

Chính vì có yếu tố “hoa hồng” như vậy nên nhiều đại lý phản ánh các Trạm huyện dùng quyền để “gửi” hàng với giá cao. Như lời ông nói, trong thời cao điểm, các Trạm mới phân phối hàng và chỉ giao xuống cho HTX và khuyến nông xã nhưng tôi được biết họ gửi hàng cho nhiều đại lý cấp 2. Chỉ đơn cử thuốc Finico bán ở đại lý cấp 1 gần nhà với giá 3.250đ/gói nhưng Trạm giao tới 3.500đ/gói mà vẫn phải lấy để quan hệ là sao? Ông có nghĩ vì lấy hàng giá cao của Trạm nên đại lý phải bán giá cao hơn so với thông thường, cuối cùng người nông dân chịu thiệt?

Chi cục không chỉ đạo các Trạm bắt đại lý phải lấy hàng và chúng tôi sẵn sàng kỷ luật nếu có bằng chứng về điều ấy.

Xin cảm ơn ông!

Dương Đình Tường (Thực hiện)

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hạn hán ở Gia Lai gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng

Bên cạnh 380ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, tỉnh Gia Lai còn ghi nhận hàng trăm ha cây trồng khác đang thiếu nước và chưa thể thống kê đủ mức độ thiệt hại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm