| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Nông dân khắp nơi... khóc sắn!

Thứ Hai 23/02/2009 , 07:45 (GMT+7)

Giá sắn liên tục lao dốc tuồn tuột đến mức không còn chỗ để “tuột” nữa. Và giờ đây, nông dân bán sắn bán rẻ “như cho” cũng không ai thèm mua.

Thu mua để “gỡ gạc” vốn mua sắn non
Từ giữa năm 2008 đến nay, giá sắn liên tục lao dốc tuồn tuột đến mức không còn chỗ để “tuột” nữa. Và giờ đây, nông dân bán sắn bán rẻ “như cho” cũng không ai thèm mua. Nước mắt người trồng sắn ngập ngụa…

Lũ bò hưởng “sái”

Trong 2 năm 2007-2008, khi giá sắn không ngừng tăng từ 500đ/kg lên đến 1.500đ/kg thì trên khắp địa bàn tỉnh Bình Định đồng loạt diễn ra sự “đổi ngôi” giữa cây mía và cây sắn. Màu xanh của cây sắn tràn ngập khắp các đồng đất. Từ dăm ngàn ha, diện tích cây sắn ở Bình Định nhanh chóng tăng vọt đến gần 14.000 ha. Năm 2008, nông dân Bình Định thu hoạch đến hơn 303.000 tấn sắn. Thế nhưng, ít ai ngờ sản lượng càng cao thì nước mắt người trồng sắn ở Bình Định càng “ngập ngụa” vì hiện nay sắn trồng chỉ để cho…bò ăn.

Tại huyện miền núi An Lão, nơi đang có hàng ngàn ha sắn đang “chết đứng” giữa trời vì không ai mua, hơn 200 hộ trồng sắn lâm cảnh vô cùng khốn đốn. Ông Nguyễn Ngọc Ánh- Trưởng phòng NN-PTNT An Lão cho biết: “Trong 2 năm 2007 và 2008, từ gần 600 ha, diện tích cây sắn ở An Lão tăng đến hơn 1.100 ha. Mấy năm trước, cứ đến cuối vụ đông là toàn bộ sắn trên địa bàn đều đã thu hoạch, đi đâu cũng thấy nụ cười của nông dân. Vậy mà năm nay, giá thu mua sắn chỉ từ 200-300đ/kg mà người trồng phải nhổ rồi cõng xuống đến tận đường giao thông. Với giá bán “bèo bọt” là thế, thu hoạch không đủ trả công nhổ (40.000đ/công) nên sắn bị bỏ đứng giữa trời cho bò gặm”.

Đi đến đâu chúng tôi cũng nhìn thấy thảm cảnh do cây sắn gây ra cho người dân An Lão. Gia đình ông Nguyễn Văn Hải ở xã An Tân, 1 hộ gắn bó nhiều năm với cây sắn, năm trước thu được những 100 tấn sắn tươi, năm nay các rẫy sắn đã nhổ xong nhưng chẳng bán được, không có tiền trả công nhổ đã đành, trong nhà cũng không còn tiền để chạy ăn qua ngày nên hiện đang thu xếp hành trang dắt díu cả gia đình vào TPHCM làm thuê.

Tin bài liên quan

. Yên Bái tìm cách cứu cây sắn
. Đồng Nai: Cây sắn cũng ''chết đứng''
. Hoà Bình: Ngán sắn đến tận cổ
. Thê thảm cây sắn
. ''Núi'' sắn khô vẫn ứ ở Chi Ma
. Cuộc giải cứu…sắn khô
Ở các xã vùng cao, những nơi có nhiều diện tích trồng sắn, nước mắt người trồng càng “ràn rụa” hơn. Anh Đinh Văn Chớt ở xã An Nghĩa than thở: “Năm trước rẫy sắn nhà tôi bán được 7 triệu đồng. Mừng quá, năm ngoái làm thêm 1 rẫy nữa nhưng bây giờ cả 2 rẫy đều không cho đồng nào. Không ai mua thì phải thả bò vào ăn thôi!”. Chị Đinh Thị Co, 1 nông dân SX giỏi ở xã An Hưng buồn bã: “Năm ngoái rẫy sắn của nhà cho được 30 triệu đồng, năm nay bán chỉ được chưa tới 1/3”.

Thất nghiệp theo cây sắn

Sắn ế ẩm, hàng trăm lao động ở địa phương cũng lâm cảnh thất nghiệp. Thời điểm cây sắn còn đang “lên ngôi”, đến mùa thu hoạch là các thương lái đánh xe ôtô về tận những vùng sâu, vùng xa để thu mua. Vì phương thức mua bán khi ấy là người mua phải tự lo công nhổ và vận chuyển nên mỗi xe phải cần đến hàng chục nhân công luôn túc trực. Nhu cầu này đã hình thành nên 1 lực lượng nhổ sắn chuyên nghiệp tại địa phương, phụ nữ phụ trách công nhổ, thanh niên xếp sắn vào bao rồi vác chất lên xe. Xe nào công ấy, cứ đến mùa là…lên đường. Công việc này đã mang lại cho hàng trăm lao động ở An Lão những món thu nhập không nhỏ. Công nhổ được nhận 40.000đ/ngày, công bốc lên xe được trả 750.000đ/xe.

Bà Bùi Thị Đệ ở thôn An Tân cho biết: “Gia đình tôi có 4 lao động, mấy năm trước, đến mùa thu hoạch sắn là tiền vào nhà “ùn ùn”. Chỉ làm công việc bốc sắn lên xe, ngày nào các con tôi cũng đều kiếm được gần 300.000đ. Với dân miền núi, khoản tiền này không phải là dễ kiếm. Nay thì không còn được như vậy, sắn không ai mua thì các con tôi cũng thất nghiệp theo”. Có những hộ còn chủ quan, bao nhiêu lúa thu lên bán tất, nay đành “treo xoong” vì không có tiền mua gạo.

Người dân An Lão khóc thì cánh thương lái cũng...sụt sịt. Trong thời gian sắn cao giá, để thu hút nguồn hàng, các thương lái đã không ngại ứng trước cho những hộ trồng sắn hàng tấn gạo để ăn và phân bón để đầu tư vào cây sắn đến vụ thu hoạch thì trừ vào tiền bán sắn. Bây giờ, người trồng không bán sắn được thì chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” chứ biết đòi ai! Và nữa, có không ít thương lái đã đầu tư xa hơn bằng cách mua sắn "non". Đầu vụ, họ rong xe đi khắp các buôn làng gạ mua sắn, người trồng được trả tiền trước với giá chỉ còn ½, đến vụ sẽ cho công lên thu hoạch. Bây giờ khi sắn chỉ còn 200-300đ/kg, họ phải đành “nuốt nước mắt” thuê công thu hoạch để “gỡ gạc”.

Phú Yên: Nông dân lao đao vì giá sắn quá thấp

Hiện tại NM Tinh bột sắn Fococev Sông Hinh (Phú Yên) đang mua sắn với giá 580.000 đồng/tấn tại cổng NM với loại 30 chữ bột. Song trên thực tế, sắn người nông dân chỉ bán sắn tươi với giá là 530.000 đồng/tấn, do sắn ở đây chỉ đạt chữ bột bình quân 25 chữ bột/tấn. Với giá như trên, người trồng sắn bị lỗ 3-5 triệu đồng/ha.

Được biết, trong niên vụ sắn 2007 - 2008, có thời điểm giá sắn củ tươi tại ruộng lên tới 850.000 đồng/tấn. Hấp lực này làm cho nông dân đổ xô trồng sắn trên diện tích sắn hơn 16.255ha (tăng 3.155ha). Nhưng giờ thì nông dân trồng sắn thật sự lao đao.

NGUYÊN HƯƠNG 

Xem thêm
Hơn 500 kg lòng lợn hôi thối đang trên đường đi tiêu thụ

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện 520kg lòng lợn bốc mùi hôi thối sắp được bán lại cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và sản xuất lạp sườn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.