| Hotline: 0983.970.780

Phập phồng khoai tây

Thứ Tư 21/09/2011 , 09:06 (GMT+7)

Nhiều địa phương ĐBSH, vụ đông này bắt buộc phải chuyển mạnh cây vụ đông ưa ấm chủ lực sang các loại cây ưa lạnh, mà khoai tây là loại cây được dự báo sẽ tăng ồ ạt về diện tích.

* Hôm nay, Bộ NN-PTNT họp bàn trồng khoai tây vụ đông 

Nhiều địa phương ĐBSH, vụ đông này bắt buộc phải chuyển mạnh cây vụ đông ưa ấm chủ lực như đậu tương, ngô… sang các loại cây ưa lạnh, mà khoai tây là loại cây được dự báo sẽ tăng ồ ạt về diện tích. Chủ trương của TƯ và các tỉnh xem ra nông dân khá đồng tình, nhưng họ cũng phập phồng lo lắng...

>> Kịch bản khó vụ đông 2011
>> Dốc sức cho vụ đông

Rậm rịch giống khoai tây 

Trước tình hình cơ cấu cây vụ đông theo kế hoạch sẽ chuyển dịch mạnh từ các giống cây ưa ấm sang các loại cây ưa lạnh, hiện tại các DN kinh doanh giống cây trồng đang rậm rịch lao vào thị trường giống rau và đặc biệt là giống khoai tây. Ông Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định, đến thời điểm này, nguồn cung của các loại giống rau vụ đông cơ bản dồi dào và dự báo sẽ không có biến động lớn về giá. Tuy nhiên thị trường giống khoai tây ở miền Bắc hiện tại thì đang nóng hừng hực. 

Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt, diện tích khoai tây ở miền Bắc trong vụ đông tới tăng đột biến lên tới khoảng 25 nghìn hecta, cao hơn vụ đông nhiều năm gần đây ít nhất từ 6 – 7 nghìn hecta. Theo đó, lượng giống khoai tây chuẩn bị cho vụ đông sắp tới ước tính sẽ phải cần tới trên 20 nghìn tấn. Theo thông tin mới nhất thì đến thời điểm này, lượng khoai tây giống mà các địa phương đang bảo quản trong các kho lạnh chỉ được khoảng 7.000 - 7.500 tấn. Số còn lại khoảng 13.000 – 15.000 tấn sẽ phải phụ thuộc vào nguồn giống do các Cty thương mại NK từ các nước, mà chủ yếu là từ Trung Quốc.  

Nông dân hi vọng khoai tây sẽ lại có giá như năm 2010, nhưng vẫn lo phập phồng

Trong đó, riêng “ông trùm” về giống khoai tây ở miền Bắc là Cty TNHH Phát triển công nghệ Tấn Phát (Long Biên, Hà Nội) chiếm thị phần cung ứng lớn nhất, với dự báo ban đầu sẽ NK ở mức trên 7.000 tấn. Còn lại sẽ phụ thuộc vào các DN và cơ sở SX kinh doanh giống khác cung ứng. Ông Phan Tân Khánh – GĐ Cty Tấn Phát hiện đang ở Trung Quốc lo chuyện khoai tây giống cho biết, trước tình hình các địa phương phía Bắc dự báo sẽ mở rộng diện tích khoai tây vụ đông rất lớn, hiện Cty đã đặt kế hoạch ký HĐ với các nhà cung cấp giống khoai tây của Hà Lan và Trung Quốc với số lượng lên tới xấp xỉ 9 nghìn tấn – tăng hơn gấp đôi so với lượng giống mà Cty này cung ứng năm 2010. 

Trong đó, các giống khoai tây chất lượng cao NK từ Hà Lan như Sinora, Aladin chỉ NK với số lượng nhỏ, khoảng gần 180 tấn. Theo dự tính, giá bán ra của các giống này trong vụ đông sắp tới sẽ dao động từ 22 – 24 nghìn đồng/kg tức tăng từ 15 – 20% so với giá năm 2010. Số còn lại khoảng gần 9.000 tấn, Cty sẽ NK từ Trung Quốc, với dự báo giá cung ứng ở mức từ 13 – 14 nghìn đồng/kg. Riêng giống khoai tay Atlantic SX ở Trung Quốc sẽ có giá cao hơn, ở mức 18 – 20 nghìn đồng/kg. 

Tại Thái Bình, tổng nhu cầu giống khoai tây cho vụ đông tới dự báo sẽ vào khoảng trên 4.000 tấn. Hiện tại, lượng giống mà nông dân trữ trong các kho lạnh chỉ khoảng 1.800 tấn, còn lại hơn 2.000 tấn, chủ yếu sẽ giao cho Cty CP TCty giống cây trồng Thái Bình NK và cung ứng. Cty này cho biết, hiện trong kho lạnh mới chỉ có khoảng 200 tấn, số còn lại hơn 1.000 tấn sẽ NK từ Trung Quốc trong thời gian tới.

Dự báo, các giống khoai tây NK từ Trung Quốc cũng sẽ tăng giá ít nhất 20% so với năm 2010. Thông tin từ Cty Tấn Phát cho biết thì mặc dù nhu cầu giống khoai tây sắp tới sẽ tăng vọt, nhưng tại Trung Quốc trong vụ thu hoạch giống vừa qua cũng được mùa, nên dự báo việc cung ứng giống cho thị trường trong nước sẽ không quá “nóng”.

“Cán bộ bảo thì cứ trồng, nhưng rất lo”

Tại Thái Bình, đậu tương là cây vụ đông chủ lực nhiều năm nay, với diện tích lên tới 12 nghìn hecta. Tuy nhiên ở vụ đông sắp tới, khoảng một nửa diện tích đậu tương sẽ buộc phải chuyển sang các cây trồng ưa lạnh như rau ngắn ngày và một diện tích lớn khoai tây, bởi thời gian giải phóng đất lúa để gieo đậu tương sẽ không kịp.

Tại huyện Hưng Hà – vùng đậu tương vụ đông trọng điểm của tỉnh Thái Bình, năm nay sẽ có nhiều xã vốn là vùng chuyên canh cây đậu tương truyền thống của huyện như Điệp Nông, Tân Lễ, Tiến Đức, Hồng Minh, Liên Hiệp… phải chuyển khoảng 300 hecta đậu tương sang trồng các loại cây trồng khác. Trong đó, diện tích khoai tây sẽ tăng thêm khoảng 150-200 hecta, rau ưa lạnh tăng hơn 150 hecta so với các năm trước.

Xung quanh kế hoạch và chủ trương chuyển dịch cây trồng cho vụ đông tới, ông Trần Văn Tân, Chủ nhiệm HTX Liên Hiệp (huyện Hưng Hà) cho biết: Mặc dù thời vụ đang rất khó khăn nhưng chủ trương mà UBND huyện giao vẫn rất cao, phải đạt 205 hecta – cao hơn cả vụ đông năm 2010 hơn 10 hecta. Ông Tân lo lắng, mặc dù năm nay nghe UBND tỉnh hứa sẽ thưởng cho địa phương nào đạt kế hoạch 200 nghìn đồng/hecta, và mỗi hecta vượt kế hoạch sẽ thưởng cao gấp đôi, thế nhưng với tình hình thời vụ như hiện nay, e rằng sẽ khó đạt mục tiêu, đặc biệt là đối với diện tích đậu tương. 

Bên cạnh đó, theo ông Tân việc tăng mới một cách ồ ạt diện tích khoai tây cũng khiến dân rất ái ngại về đầu ra, trong khi đầu tư trồng khoai tây lại cao hơn đậu tương hàng chục lần, giá giống, phân bón ngày một tăng cao, dân thật sự khó khăn. 

Tại thôn Quang Chiêm (xã Liên Hiệp), vụ đông năm ngoái diện tích khoai tây chỉ có 10 – 15%, thì năm nay đã bắt đầu triển khai cho dân đăng ký mua giống với diện tích lên tới 80- 85% tổng diện tích cây vụ đông toàn thôn. Trưởng thôn Đồng Quang Bình cho biết chỉ qua 2 ngày có loa thông báo đặt mua giống, đã có tới 70% số hộ dân rào rào đăng ký với số lượng giống lên tới gần cả tấn. 

Trước tình hình diện tích khoai tây sẽ tăng vọt trong vụ đông sắp tới, được biết hôm nay (21/9), tại Hải Dương, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức hội nghị cùng các tỉnh phía Bắc bàn bạc các giải pháp SX và tiêu thụ khoai tây trong vụ đông 2011.

Hỏi vì sao dân có vẻ hăng hái trồng khoai tây thế, anh Cao Văn Bảo, một hộ dân vừa mạnh dạn đăng ký mua 50kg giống khoai tây giải thích: Trồng khoai tây chi phí lớn, tới hơn triệu đồng một sào, nhưng bù lại như năm ngoái, giá khoai tây giữa vụ thu hoạch có lúc lên tới 15.000 đ/kg – cao hơn cả giá giống, trừ chi phí một sào cũng lãi hàng triệu. Trong khi đó vãi đậu tương thu nhập mỗi sào chỉ được 250 – 300 nghìn đồng là cùng. Vì vậy năm nay nghe chủ trương của xã bảo chuyển sang trồng khoai tây thì dân hưởng ứng ngay. 

Có điều- vẫn theo anh Bảo, không biết xã nào cũng trồng khoai tây thì liệu năm nay giá nó có đắt như năm ngoái nữa không, nên cán bộ bảo trồng thì cứ trồng, nhưng dân cũng rất lo. 

Khi được hỏi về chính sách hỗ trợ cho cây vụ đông, anh Đồng Quang Bình, trưởng thôn Quang Chiêm (xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà) lắc đầu chán nản: “Tôi chẳng biết các ông TƯ và các ông tỉnh, huyện họp hành bàn bạc thế nào, nhưng tới lúc dân đăng ký mua giống rồi cũng chưa thấy thông báo là hỗ trợ giống ra sao. Vì vậy nhiều hộ trong thôn vẫn chờ đợi nghe ngóng, chưa dám quyết là có nên đăng ký giống để trồng khoai tây thay đậu tương như mọi năm hay không? Đã thế, nhắc lại chính sách hỗ trợ mà thấy buồn. Vụ đông năm ngoái, nghe tỉnh hứa sẽ thưởng cho xã nào hoàn thành kế hoạch vụ đông 1 triệu đồng/hecta. Ấy thế mà thôn tôi vượt 50% kế hoạch, với diện tích hơn 50 mẫu tới giờ vẫn chưa thấy tiền thưởng đâu”.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.