| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp xanh bên dòng sông lịch sử

Làng rau má bên bờ sông Mã

Thứ Tư 01/05/2024 , 07:06 (GMT+7)

THANH HÓA Lão nông Lương Trọng Thắng gắn bó với nghề trồng rau má gần nửa thế kỷ nay. Mọi sự trong gia đình lão đều nhờ cây rau má mà nên.

Bỏ túi cả trăm triệu đồng mỗi năm

Chán làm bảo vệ động Tiên Sơn, lão Thắng quyết định quay về làm nông. Cách đây 35 năm, lão chọn cây rau má để khởi nghiệp vì nó gắn với "thương hiệu" quê lão. Lão bảo, thuở nhỏ phải ăn cơm độn rau má đến mức xanh lè lưỡi. Dân trong làng mỗi khi mỗi ốm đau, bệnh tật cũng giã rau má làm thuốc để chữa lành.

Quê lão cũng nhiều người trồng rau má, nhưng không ai gàn như lão. Thay vì mua giống ở các đại lý cho đỡ tốn công, lão lại chọn cách làm khổ mình. Lão dậy từ tinh mơ, mang theo cặp lồng cơm, cho vào mấy miếng thịt, trộn thêm ít muối vừng, cứ thế rong ruổi lên tận ngọn đồi C4 - nơi đặt trận địa pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) những năm kháng chiến chỗng Mỹ để tìm giống rau má cổ.

Thời lão, sách vở không dạy kỹ thuật chọn và chăm sóc rau má nên lão lấy giống và trồng theo kinh nghiệm nhà nông. Lão bảo: “Chọn rau má phải như chọn vợ. Rau má phải khỏe, thân chắc, củ và rễ phải bám chặt vào vách đá mới đủ điều kiện làm giống”. Rau má quê lão đặc trưng vị chát, thơm và ngọt hậu vị. Bởi vậy, các giống rau má lai bán ở các đại lý không thể so sánh với rau má quê lão. 

Lão nông Lương Trọng Thắng (Làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) có thâm niên trồng rau má 35 năm nay. Ảnh: Quốc Toản.

Lão nông Lương Trọng Thắng (Làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) có thâm niên trồng rau má 35 năm nay. Ảnh: Quốc Toản.

Có giống, lão chọn khu đất đẹp nhất trong vườn để ươm. Từ vườn ươm, lão chọn những cây rau má khỏe nhất để trồng đại trà. Ban đầu, lão trồng rau má với mong muốn cho vợ kiếm tiền chợ búa hằng ngày. Lão chỉ nghĩ, mình ăn được rau má thì chắc thiên hạ cũng ăn được. 

Thế nhưng, mọi thứ dường như vượt qua trí tưởng tượng của lão. Lão không nghĩ giống rau má mọc hoang do lão tìm thấy trên núi Hàm Rồng lại đắt khách và giá cao đến vậy. Lão thẳng thắn: “Làm một công rau má bằng 3 công thợ xây và giá cao gấp rưỡi so với các loại cây trồng khác. Tuy mất thời gian chăm bón nhưng thu nhập khá ổn định vì đầu ra tốt”. 

Có đận, rau má trồng trong vườn không đủ để bán, lão quyết định chuyển đổi 2 sào đất bồi ven sông Mã từ trồng hoa sang trồng rau má. Lão miệt mài cầm cuốc lật từng thớ đất phù sa để cải tạo đất. Lâu rồi lão mới có cảm giác giẫm đôi chân trần lên những thửa đất phù sa pha cát mát rượi. Lão khao khát muốn biến đất quê lão thành vựa rau má của tỉnh.

Sau một vài năm, 2 sào rau má của lão bắt đầu cho thu nhập. Lão nhẩm tính, mỗi tháng có thể xuất bán 4 - 5 tạ rau má. Một năm lão thu khoảng 10 vụ rau, sau khi trừ chi phí lão bỏ túi hơn 100 triệu đồng/năm. Rau má trồng một lứa cho thu gần chục năm, tháng nào cũng được thu hoạch, mỗi sào thu bằng vài sào lúa, ngô và gấp rưỡi so với các loại rau khác.

Nhiều hộ dân tại Làng cổ Đông Sơn có thu nhập ổn định nhờ trồng rau má. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều hộ dân tại Làng cổ Đông Sơn có thu nhập ổn định nhờ trồng rau má. Ảnh: Quốc Toản.

Dân làng thấy lão trồng rau má có lời nên cũng học theo. Lão được cái xuề xòa nên không giấu giếm kinh nghiệm. Dân thích thì lão cấp giống rau má để trồng rồi dạy cách chăm bón. Lão bỏ công sức đào tạo cách trồng rau má cho dân nhưng không tính công xá. Sau bao công cố gắng, đến nay toàn phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) đã có khoảng 20 hộ dân trồng rau má trên cánh đồng bãi bồi rộng hơn 2ha nhờ công của lão. 

Lão truyền đạt kinh nghiệm trồng rau má cho dân với suy nghĩ khá đơn giản: “Có người làm cùng với mình thì càng vui. Nếu cả làng trồng rau má thì mình càng được thơm lây và lan tỏa được thương hiệu rau má Làng cổ Đông Sơn đến mọi người”. Chả mấy chốc, rau má Làng cổ Đông Sơn đã có mặt tại nhiều tỉnh thành như Nam Định, Ninh Bình... và xuất hiện trên mâm cơm tại các khách sạn lớn.

Với nhiều người, rau má là rau dại, nhưng lên bàn ăn nó là đặc sản không phải nơi nào cũng có. Lão tự tin, rau của lão vứt ở đâu cũng có người thu gom. Lão nói nghe có vẻ hợp lý bởi vườn rau má của lão không bao giờ dùng thuốc trừ sâu hoặc chất kích thích nên đảm bảo tuyệt đối an toàn. 

Lão lên mạng tìm tòi, tự nghiên cứu làm thuốc phòng trừ sâu bệnh theo hướng sinh học bằng cách dùng hỗn hợp gừng, tỏi, ớt... ngâm rượu, định kỳ phun tưới. Lão minh chứng độ an toàn của vườn rau bằng việc dùng liềm cắt ngang thân rau, dùng tay phủi vài cái cho hết bụi đất rồi bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến cho đến khi nước rỉ ra mép rồi nuốt ực, trông có vẻ sảng khoái...

Tậu được cơ ngơi nhờ rau má

Lão Thắng chưa bao giờ cho phép mình ngơi nghỉ, bởi 2 sào rau má là kế sinh nhai cho 4 miệng ăn trong gia đình mấy mươi năm nay. Sau nhiều năm trồng rau má, lão đã xây được cơ ngơi gồm căn nhà 2 tầng với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt chả khác gì đại gia. Có đợt, đứa con gái cần phương tiện đi làm sau khi ra trường, lão bàn với vợ đẩy nhanh việc thu hoạch rau để lấy tiền mua xe cho con. Đợt đó, mỗi ngày lão nhập cả chục chuyến rau má cho khách sạn, nhà hàng và cả thương lái. Chỉ 25 ngày, lão kiếm được khoản tiền vài chục triệu đồng để tậu xe cho con gái. Hai đứa con lão được học hành tử tế và có công việc ổn định cũng nhờ vườn rau má. 

Vậy nhưng, để có cơ ngơi đó, lão phải trả giá nhiều lần. Lão sợ nhất mỗi khi lũ tràn về. Có năm, khu đất bãi bồi ven sông Mã ngập sâu vì lũ khiến lão mất trắng vụ rau đang vụ thu hoạch. Lão bật khóc không thành tiếng vì xót công chăm bón. Sau lần đó, lão gia cố vườn rau bằng cách bồi đất lên cao, làm rãnh thoát nước để hạn chế thiệt hại. Cách làm của lão có vẻ hiệu quả nên dân làng bắt chước học theo.

Rau má Làng cổ Đông Sơn hợp với chân đất phù san pha cát ven sông Mã nên phát triển rất tốt. Ảnh: Quốc Toản.

Rau má Làng cổ Đông Sơn hợp với chân đất phù san pha cát ven sông Mã nên phát triển rất tốt. Ảnh: Quốc Toản.

Chưa hết, có năm vườn rau má của lão bị sương muối và hơi mặn từ biển ăn sâu. Lão họp bàn với vợ còn tìm cách chống đỡ. Lão tính sẽ làm mái vòm bằng nilon để bảo vệ nhưng không ổn vì đặc trưng của cây rau má là ưa ánh sáng và cũng bởi áp dụng cách làm này sẽ tốn kém. Lão nghĩ ra cách đóng hàng chục cọc lớn, dùng nilon quây lại bờ thửa để hạn chế tác động tiêu cực từ thời tiết. 

Hết chuyện thiên tai, đến chuyện “nhân tai”. Cách đây vài năm vườn rau má của lão bị kẻ gian hãm hại đến mức mất trắng. Lão quyết phải tìm ra thủ phạm để lấy lại công bằng cho vườn rau của gia đình. Lão cũng không ngờ tới, kẻ đầu độc vườn rau là người quen, do ghen ghét, đố kỵ với vợ chồng lão nên mới nảy sinh hành vi xấu. Năm đó, lão phải đi vay nóng tiền học cho con vì vườn rau thất thu. Lão không muốn nhắc nhiều tới chuyện này bởi đối tượng sau đó đã bị trả giá trước pháp luật và lão coi đó là bài học cho những người làm ăn không lương thiện. 

Lão kể cách đây vài năm, lão và bà con nhận được nhiều đơn đặt hàng cung ứng rau má cho nhà máy chế biến. Lão vui vì nghĩ rằng, từ nay rau má quê lão có đầu ra ổn định. Sản phẩm từ ruộng rau má của lão được chế biến thành bột rau má, trà rau má, ngũ cốc rau má và xuất ngoại.

Vậy nhưng, lão còn cấn cá vì doanh nghiệp “bắt” nông dân quê lão phải trồng rau má lai để cho năng suất, nhưng ngặt nỗi giá thu mua rẻ hơn so với rau má ta. Lão làm được vài vụ thấy chán nên lại chuyển về trồng rau má tía truyền thống. Lão chấp nhận để vợ gánh hàng ra ngoài chợ bán cho dân và nhập tươi cho các nhà hàng còn hơn bán giá rẻ cho thương lái. Lão muốn giữ cái chất đặc trưng rau má quê lão để người ta nhớ đến nơi phát tích giống rau má cổ - thứ mà lão đã tốn công và tâm huyết bấy lâu. 

Người dân làm cỏ cho rau má. Ảnh: Quốc Toản.

Người dân làm cỏ cho rau má. Ảnh: Quốc Toản.

Lão và dân làng cũng nhiều phen điêu đứng vì rau má. Cách đây mấy năm, dân làng lão liên kết với một vài doanh nghiệp để cung ứng rau má sạch cho chế biến sâu. Vậy nhưng, công ty chế biến chỉ thu mua được vài chuyến rồi đột ngột dừng nhập nguyên liệu và không trả tiền cho dân. Lão tức mãi nên bàn với dân đến tận trụ sở công ty đòi tiền, nhưng chủ doanh nghiệp đã "cao chạy xa bay". Vụ đó, lão và dân trồng rau má trong làng lỗ gần 200 triệu đồng vì tiền hàng không lấy được.

Nay, lão có vẻ đề phòng hơn trước những lời hứa hoặc cam kết bao tiêu sản phẩm từ các đầu nậu thu mua nguyên liệu. Lão bắt doanh nghiệp phải cho dân ứng tiền trước mới cấp nguyên liệu để tránh bị lừa. Bên cạnh đó, lão bàn với dân làng thành lập Hợp tác xã trồng rau má Làng cổ Đông Sơn, đồng thời cắt cử người đi tìm kiếm mối hàng và thị trường tiêu thụ. 

Lão trồng rau má gần 40 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy cây rau má thất thế như bây giờ. Chính lão cũng có lúc cảm thấy chênh vênh, nhiều khi muốn bỏ cuộc vì thị trường có xu hướng bão hòa. Lão sợ nông dân sẽ đánh mất mình nếu chạy theo xu hướng thị trường mà bỏ quên yếu tố đặc trưng của cây rau má bản địa. Nay, lão vẫn âm thầm chọn tạo loại rau mọc dại, thân và lá nhỏ hơn các giống lai nhưng rất thơm, đậm vị và giàu "tính dược" như các bài thuốc dân gian của người Thanh Hóa.

Lão không bỏ được nghề, bởi làng lão gắn với cây rau má và xứ Thanh ít còn làng rau má như làng lão...

Xem thêm
Tái đàn heo theo hướng tập trung và an toàn sinh học

ĐỒNG THÁP Huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đang tập trung phát triển ngành nuôi heo tập trung quy mô trang trại lớn, hướng an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Số người đến tiêm phòng dại tăng gần 1.000 lượt, Vĩnh Long báo động

Tỉnh Vĩnh Long ghi nhận, từ đầu năm đến nay có 8.280 lượt người bị chó, mèo cắn đến tiêm vacxin phòng bệnh dại, tăng 915 lượt so với cùng kỳ năm 2023 (7.365 lượt).

Ứng dụng công nghệ, gọi tôm cá về đồng ruộng

QUẢNG BÌNH Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ giúp giảm chi phí, lợi nhuận tăng cao mà môi trường sinh thái đồng ruộng được phục hồi.