Ông Hồ Xuân Hùng |
Tích tụ là anh A bán quyền sử dụng đất cho anh B để anh B có được diện tích đất lớn, một cánh đồng lớn hơn. Còn tập trung cũng tạo được một quy mô diện tích lớn nhưng quyền sử dụng vẫn thuộc về những người trên cánh đồng đó. Cách này không thông qua mua bán mà anh A cho anh B thuê đất hoặc góp vốn bằng đất để cùng làm.
Phải có cách giải mới cho bài toán
Hai khái niệm đó khác nhau hoàn toàn nên phải có cách ứng xử khác nhau. Trong khi Luật Đất đai chưa sửa được để đáp ứng theo yêu cầu chung hiện nay, doanh nghiệp muốn đầu tư mở rộng sản xuất trong nông nghiệp cái vướng mắc số một vẫn là đất đai. Chờ sửa khái niệm đất đai là sở hữu toàn dân trong Luật Đất đai thì còn lâu mới gỡ được. Phải có một cách giải mới cho bài toán này.
Ai đang tạo áp lực, ai đang có nhu cầu quỹ đất lớn nhất hiện nay? Là doanh nghiệp chứ không phải nông dân. Người dân không có nhu cầu tích tụ đất đai ở quy mô lớn mà chỉ có một số ít chủ trang trại cần ở quy mô tương đối. Cho nên việc giải quyết vấn đề tích tụ và tập trung đất đai hiện nay nhằm giải quyết nhu cầu mở rộng sản xuất, đưa công nghiệp hóa, khoa học công nghệ vào để có sản lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, giảm được giá thành. Nhu cầu chính đáng đó của doanh nghiệp đang tạo ra áp lực mới cho chính quyền các địa phương và cho người nông dân nếu không có cách giải quyết thỏa đáng.
Có những doanh nghiệp khi phát triển cần một quỹ đất rất lớn, thậm chí vài chục ngàn ha nhưng không cần phải tất cả quỹ đất đó đều thuộc về họ mà chỉ cần một số ít còn lại vẫn muốn người dân có quyền sử dụng, tham gia cùng hợp tác sản xuất. Nhu cầu của doanh nghiệp bao giờ cũng kết hợp giữa tích tụ và tập trung đất đai. Diện tích tích tụ không phải chỉ làm văn phòng, công xưởng hay nhà máy chế biến mà còn để thử nghiệm giống mới, công nghệ mới, đối chứng với sản xuất thông thường của người dân.
Trong Luật Đất đai đã quy định hạn điền rồi nhưng tại sao có những doanh nghiệp vẫn có hàng ngàn ha đất? Như trường hợp của “Huy chuối” ở Long An, như TH true milk, như Hoàng Anh Gia Lai… Họ có bằng cách nào? “Huy chuối” dùng nhiều bà con của mình để đứng tên mua gom đất theo kiểu thuận mua vừa bán cùng có lợi chứ không dùng nhà nước để chèn ép nông dân. Đó là kiểu tích tụ lách luật.
Một mô hình trang trại |
Tại sao ngoài Bắc tích tụ, tập trung đất đai khó hơn trong Nam? Bởi trong Nam quan hệ thị trường mạnh mẽ hơn ngoài Bắc, bởi tư duy giữ đất của nông dân ngoài Bắc khác hẳn trong Nam. Như dồn điền đổi thửa, mấy chục năm nay nhà nước làm không xong dù chúng ta cứ tuyên truyền là nó có lợi. Có lợi sao dân không làm? Bởi vì thực tế nó chỉ lợi nhiều nhất cho người có nhiều đất. Trong quá trình đồn điền đổi thửa ở một số địa phương cán bộ lại lấy đất tốt của các hộ yếu thế về cho nhà mình. Thêm vào đó không phải gia đình nào cũng có nhu cầu sản xuất hàng hóa mà còn có nhu cầu tự túc, muốn đa sản phẩm, nơi miếng trên khô trồng màu, nơi miếng dưới thấp trồng lúa. Ý tưởng lớn mà không hợp với lòng dân thì dứt khoát dân không làm.
Cách cực chẳng đã
Cũng như vậy, tích tụ và tập trung đất là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp nhưng không có cách làm khéo thì vấp phải sự phản ứng của dân. Cách làm của chính quyền Hà Nam trong tích tụ và tập trung đất đai vừa rồi theo tôi là cực chẳng đã. Thâm tâm anh lãnh đạo nào cũng vậy, rất muốn doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, không chỉ tạo nguồn thu mà còn tạo tình thế mới, tư duy mới để phát triển kinh tế trong vùng. Tôi ủng hộ tinh thần và nhiệt tình của chính quyền địa phương trong chuyện này nhưng nếu Chính phủ cùng các bộ ngành không đứng ra hướng dẫn để tháo gỡ thế bí này, cái chưa hợp lý này cho Hà Nam thì dễ tạo thành mâu thuẫn mới.
Cách chính quyền thuê đất của dân rồi lại cho doanh nghiệp thuê là không hợp pháp nhưng Hà Nam phải làm việc đó bởi nếu không sẽ không có quỹ đất cho doanh nghiệp. Cách nữa là doanh nghiệp đứng ra vậy thôi, tiếng là thỏa thuận để thuê đất của dân nhưng vẫn phải mượn hệ thống chính quyền, thông qua các đoàn thể để yêu cầu dân phải cho thuê đất thì phải xem xét kỹ để tránh dân chủ giả hiệu sẽ tạo thêm bức xúc, mâu thuẫn ngấm ngầm giữa dân và chính quyền. Người dân phải được thỏa thuận về giá cả khi cho thuê đất, không được thông qua chính quyền để ép dân. Chính quyền chỉ phải đứng ra giám sát chặt cam kết giữa doanh nghiệp thuê đất và dân.
Chúng ta đang thiếu hẳn thị trường bất động sản trong nông nghiệp. Phải hình thành thị trường đất nông nghiệp với giá cả rõ ràng, thuận mua vừa bán. Nhưng một mâu thuẫn hiện nay, trong một vùng lớn có 10 hộ, 8 hộ ưng 2 hộ không ưng cho thuê đất là doanh nghiệp mắc kẹt. Phải xử lý thế nào cho khôn khéo chứ không được cưỡng chế người nông dân.
Ảnh: Dương Đình Tường |
Muốn lấy đất làm khu công nghiệp, khu đô thị thì có trung tâm phát triển quỹ đất để thực hiện nhưng tại sao lại không có trung tâm phát triển quỹ đất cho nông nghiệp? Để như hiện nay, nơi nào muốn làm thì làm chứ chưa thành chủ trương chung. Trung tâm phát triển quỹ đất cho nông nghiệp phải khác với trung tâm phát triển quỹ đất cho công nghiệp và đô thị ở chỗ nếu tập trung bằng thuê đất của dân thì quyền sử dụng vẫn thuộc về người nông dân còn nếu tích tụ bằng mua đất thì quyền sử dụng đất tuột khỏi tay người nông dân. Cái nặng nề nhất hiện nay là tích tụ đất chứ không phải là tập trung đất vì vậy phải có hai chính sách khác nhau hoàn toàn. Nếu như tích tụ đất hoàn toàn theo cơ chế thị trường thì sẽ không bị vướng mắc gì hết bởi thuận mua vừa bán.
Chúng ta chưa có thị trường đất nông nghiệp. Người ta mới tính thu nhập trung bình trên miếng đất mà chưa tính đến khả năng sinh lợi sau khi miếng đất được đầu tư cũng như lợi thế so sánh của nó. Đất mà giải phóng mặt bằng để phục vụ cho mục đích công cộng thì người dân trong vùng còn được hưởng thụ còn ở đây đất giao cho doanh nghiệp, người dân có được hưởng lợi gì từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đâu nên phải được thỏa thuận thêm về giá cả. Trong khi nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng đến tận chân hàng rào cho dự án của các doanh nghiệp thì cũng phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng cho đất của người dân trong vùng. Chúng ta ủng hộ cho doanh nghiệp phát triển nhưng cũng phải đảm bảo sòng phẳng lợi ích cho nông dân.
Nên tập trung vào chính sách để dân thuê đất, dân góp vốn vào doanh nghiệp bằng đất, dân làm chung với doanh nghiệp. Phải coi đất đai là tài sản của người dân dù tài sản đó sử dụng có thời hạn. Người dân muốn bán tài sản là quyền sử dụng đất thì cơ quan nào đứng ra giúp họ? Nên tổ chức thị trường đất nông nghiệp cấp huyện, cấp vùng thậm chí là xã.
Chính sách cần tập trung vào chuyện cho thuê và tập trung đất. Mục tiêu của doanh nghiệp là cần nhiều đất. Tập trung đất mà có người lao động gắn bó với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên mảnh đất đó thì càng tốt bởi không ai muốn bỏ ra nhiều tiền để mua cả. Chuyện nông dân góp đất vào doanh nghiệp nhưng chính sách đi theo hiện nay không rõ. Giả sử sau khi doanh nghiệp sản xuất một thời gian rồi báo lỗ thì tài sản của người dân góp bằng đất thế nào? Lấy gì đảm bảo? Lỗ đến mức nào thì nhà nước phải can thiệp để đảm bảo lợi ích cho họ? Mình đang thiếu những cái đó mà nó hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của Chính phủ chứ không phải chờ đến Quốc hội để sửa Luật. |