| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 19/10/2023 , 16:03 (GMT+7)
Trần Thanh Sơn

Trần Thanh Sơn

Nhà báo 16:03 - 19/10/2023

Ai đồng hành với người chăn nuôi

Kiến nghị nhận được sự đồng tình và quan tâm của người chăn nuôi cả nước, từ doanh nghiệp lớn, nông hộ. Đáng tiếc một hiệp hội lớn trong ngành chăn nuôi lại nhanh chóng “quay xe”.

Những ngày qua, giá heo hơi trên cả nước chỉ còn ở quanh mốc 50.000 đồng/kg. Thậm chí ở nhiều địa phương, giá heo hơi chỉ còn 47.000-48.000 đồng/kg, thấp hơn khá nhiều so với giá thành.

Như vậy, có thể thấy, “vòng xoáy thua lỗ” đang xuất hiện với tần suất ngày càng dày hơn trong ngành chăn nuôi.

Trước đây, sau mỗi lẫn giá xuất chuồng giảm mạnh khiến người chăn nuôi lao đao, giá sản phẩm chăn nuôi sẽ tăng trở lại và thường duy trì trong một thời gian khá dài, đủ để cho người chăn nuôi có thời gian hồi phục, yên tâm tái đàn hay tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại.

Riêng trong năm nay, đã có tới 2 khoảng thời gian người nuôi heo bị thua lỗ do giá bán giảm xuống ở mức thấp hơn nhiều so với giá thành, lần đầu là những tháng đầu năm, và lần hai là thời điểm hiện tại. Mỗi lần giá heo giảm mạnh, đều bởi những nguyên nhân khác nhau. Hồi đầu năm, là do cung vượt cầu khi trước đó nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nuôi heo, trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm mạnh do công nhân nghỉ việc hàng loạt khi doanh nghiệp thiếu đơn hàng xuất khẩu …

Còn từ cuối quý 3 đến nay, giá heo hơi giảm mạnh là do sức mua của người dân bị ảnh hưởng bởi lạm phát, heo nhập lậu vào nhiều và xuất hiện tình trạng nông dân bán heo chạy dịch khi một số dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi.

Chăn nuôi ở Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển khi hàng loạt dự án chăn nuôi quy mô lớn được đưa vào hoạt động trong thời gian qua và nhu cầu thị trường vẫn đang rất rộng mở với các sản phẩm chăn nuôi. Nhưng đó là với chăn nuôi công nghiệp của các công ty có tiềm lực lớn. Còn chăn nuôi nhỏ thì sao?

Chăn nuôi quy mô lớn, công nghiệp đang phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhưng chăn nuôi nhỏ vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm cho các địa phương. Thậm chí ở nhiều địa phương, nguồn thịt chính trên thị trường là đến từ các nông hộ. Có vai trò quan trọng như vậy, nhưng người chăn nuôi nhỏ đang đối mặt ngày càng nhiều hơn, thường xuyên hơn với nguy cơ thua lỗ khi dịch bệnh vẫn luôn rình rập, với áp lực từ giá thành chăn nuôi ngày càng cao trong khi giá bán thì ngày càng bấp bênh hơn trước.

Trong bối cảnh ấy, người chăn nuôi rất cần có sự hỗ trợ từ chính quyền các địa phương, các cơ quan thẩm quyền trong việc quyết liệt ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu để bảo vệ chăn nuôi trong nước; đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ về chăn nuôi thú y để có những con giống tốt hơn, những giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hiệu quả hơn ...

Đặc biệt, người chăn nuôi đang rất cần sự đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ từ các hiệp hội, doanh nghiệp. Sự đồng hành ấy, không chỉ dừng ở việc hỗ trợ kỹ thuật, thị trường, hình thành các mối liên kết, các chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi, mà cao hơn nữa là sự kề vai, sát cánh, chung tay giải quyết những vấn đề cấp thiết trong những thời điểm mà ngành chăn nuôi phải đối mặt với khó khăn lớn.

Nhiều người chăn nuôi vẫn chưa quên vào đầu năm nay, để gỡ khó cho người chăn nuôi đang bị thua lỗ nặng nề, hàng loạt hiệp hội trong ngành chăn nuôi, từ trung ương tới địa phương, đã cùng gửi công văn lên Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT, kiến nghị bỏ thuế nhập khẩu với khô dầu đậu tương, loại nguyên liệu quan trọng hàng đầu trong nhiều sản phẩm thức ăn chăn nuôi và phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu.

Kiến nghị nói trên đã nhận được sự đồng tình và quan tâm của người chăn nuôi cả nước, từ những doanh nghiệp lớn cho tới các nông hộ. Đáng tiếc là không hiểu vì lý do gì mà một hiệp hội lớn trong ngành chăn nuôi lại nhanh chóng “quay xe” khi rút lại công văn kiến nghị về bỏ thuế nhập khẩu khô dầu đậu tương, trong sự ngỡ ngàng, thất vọng và buồn bực của không ít người, trong đó có nhiều doanh nghiệp là thành viên của chính hiệp hội này.

Tinh thần hợp tác, chia sẻ, sự gắn bó, liên kết giữa các thành phần trong một ngành ngành hàng nông sản, dù đã được cải thiện trong thời qua, nhưng đến giờ vẫn còn mong manh, dễ đứt gãy những khi xảy ra xung đột lợi ích hay một toan tính cá nhân nào đó.

Cú “quay xe” rất đột ngột của hiệp hội nọ, là một minh chứng rõ ràng về sự mong manh, dễ vỡ, thiếu niềm tin trong hợp tác, liên kết ở ngành chăn nuôi cũng như trong ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm